Báo Đồng Nai điện tử
En

Mở rộng các mô hình điều trị trước phơi nhiễm HIV bằng PrEP

06:04, 09/04/2022

PrEP là điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV cho những người có nguy cơ nhiễm HIV cao. Tại Đồng Nai đã triển khai điều trị PrEP từ năm 2019 và trong thời gian tới sẽ mở rộng các mô hình điều trị, đa dạng hóa các kênh, các hình thức cung cấp thuốc PrEP nhằm thu hút ngày càng đông người dân tiếp cận dịch vụ này.

PrEP là điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV cho những người có nguy cơ nhiễm HIV cao. Tại Đồng Nai đã triển khai điều trị PrEP từ năm 2019 và trong thời gian tới sẽ mở rộng các mô hình điều trị, đa dạng hóa các kênh, các hình thức cung cấp thuốc PrEP nhằm thu hút ngày càng đông người dân tiếp cận dịch vụ này.

Nhân viên Phòng khám Glink xét nghiệm cho khách hàng trước khi đưa vào điều trị PrEP. Ảnh: M.Liên
Nhân viên Phòng khám Glink xét nghiệm cho khách hàng trước khi đưa vào điều trị PrEP. Ảnh: M.Liên

* Giảm nguy cơ lây nhiễm HIV đến hơn 90%

Anh T.V.T. (32 tuổi, ngụ ở H.Định Quán) cho hay, do đang sống chung với bạn tình là người nhiễm HIV nên qua các kênh truyền thông, anh tìm đến với dịch vụ điều trị PrEP tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Nai (CDC Đồng Nai). Đây là lần đầu tiên đến với dịch vụ này nên anh T. phải làm các xét nghiệm ban đầu như: HIV, men gan… Sau khi đủ các điều kiện, quan trọng nhất là anh T. vẫn đang âm tính với HIV nên được lập hồ sơ đưa vào chương trình điều trị và được tư vấn về cách uống thuốc, những tác dụng phụ khi điều trị.

Theo ông Lê Minh Thành, Giám đốc hệ thống phòng khám Glink (hệ thống chuyên cung cấp các dịch vụ y tế liên quan đến HIV/AIDS), qua 2 năm hoạt động tại Đồng Nai, Phòng khám Glink đã tiếp nhận hỗ trợ điều trị PrEP cho nhiều người có nguy cơ lây nhiễm. Khách hàng đến với phòng khám là những người có quan hệ đồng giới, người có vợ/chồng bị nhiễm HIV/AIDS, một số người âm tính với HIV/AIDS nhưng có nguy cơ lây nhiễm cao.

PrEP là một biện pháp điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV, góp phần quan trọng trong phòng ngừa lây nhiễm HIV. Một người chưa nhiễm HIV khi dùng PrEP có thể giảm nguy cơ lây nhiễm HIV lên tới 90% khi rơi vào tình huống có nguy cơ lây nhiễm cao. Những đối tượng có nguy cơ cao muốn được điều trị dự phòng cần được tư vấn, khám, xét nghiệm tại các cơ sở điều trị.

* Đa dạng hóa các mô hình điều trị PrEP

Chương trình điều trị trước phơi nhiễm HIV bằng PrEP được triển khai tại Đồng Nai từ tháng 3-2019 với sự hỗ trợ của Tổ chức Path, do dự án USAID tài trợ. Đến nay, toàn tỉnh có 11 phòng khám điều trị, trong đó có 9 cơ sở công lập và 2 cơ sở tư nhân. Tính đến tháng 12-2021, số bệnh nhân điều trị PrEP toàn tỉnh là 2.500 người. Hiện nay, Đồng Nai có 4 mô hình của chương trình điều trị PrEP đang hoạt động. Đó là phòng khám tại cộng đồng do tư nhân quản lý; cơ sở điều trị phối hợp giữa các phòng khám ngoại trú HIV ở trung tâm y tế kết hợp điều trị PrEP; mô hình điều trị PrEP phối hợp với các tổ chức dựa vào cộng đồng (CBOs) cung cấp dịch vụ và điều trị PrEP lưu động.    

Đánh giá những kết quả của hoạt động điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng PrEP hiện nay do Tổ chức Path tài trợ tại Đồng Nai, BS Vũ Quốc Bảo, cố vấn chuyên môn Tổ chức Path (Dự án USAID) cho hay, Đồng Nai là đơn vị đi đầu trong việc triển khai các dịch vụ, mô hình mới để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Đơn cử như đợt dịch Covid-19 bùng phát trong năm 2021 đã ảnh hưởng tới tất cả các hoạt động của Đồng Nai, nhưng khách hàng không bị gián đoạn điều trị bởi các nhóm cộng đồng, các đơn vị đã triển khai mô hình điều trị PrEP từ xa nhằm đưa thuốc tới khách hàng. 

Tuy nhiên, do địa bàn rộng gây khó khăn trong việc đi lại, hiện nay PrEP chỉ đến được với bộ phận nhỏ người dân ở thành thị chứ chưa tiếp cận được tới các khách hàng ở nông thôn, công nhân trong các khu công nghiệp. Bên cạnh đó là sự kỳ thị đối với nhóm người có hành vi nguy cơ cao. Để khắc phục những khó khăn này, Phòng khám Glink đã phối hợp với CDC Đồng Nai tổ chức các buổi truyền thông, tư vấn lưu động nhằm thu hút người dân tham gia.

Mai Liên

Tin xem nhiều