Báo Đồng Nai điện tử
En

Mưu sinh nơi vùng đất đá

11:03, 24/03/2022

Một nét rất đặc trưng của đồng bào người Hoa ở TP.Long Khánh và các huyện Định Quán, Tân Phú là thường chọn những vùng đất đá để lập nghiệp. Trong quá trình lao động, họ chất đá thành những bức tường cao quanh rẫy, nhà tạo nên nét đặc trưng.

Một nét rất đặc trưng của đồng bào người Hoa ở TP.Long Khánh và các huyện Định Quán, Tân Phú là thường chọn những vùng đất đá để lập nghiệp. Trong quá trình lao động, họ chất đá thành những bức tường cao quanh rẫy, nhà tạo nên nét đặc trưng.

Đá trong rẫy được ông Mã Sùng Săn (P.Bàu Sen, TP.Long Khánh) chất thành đống to. Ảnh: Đ.Phú
Đá trong rẫy được ông Mã Sùng Săn (P.Bàu Sen, TP.Long Khánh) chất thành đống to. Ảnh: Đ.Phú

Ông Chống A Phước, Trưởng ban công tác Mặt trận ấp 2, xã Phú Lợi (H.Định Quán) giải thích, để rẫy có nhiều chỗ trồng tỉa hoa màu nên người Hoa phải dọn bớt đá. Đá đó được dồn lại theo bờ ranh, ụ to giống như những bức tường đá.

* Miệt mài vỡ đá

Khu Bằng Lăng Non (ấp 4, xã Phú Lợi) toàn đá với đá. Để đá không chiếm hết bề mặt đất sản xuất, người dân gom lại và xếp thành hàng thẳng tắp theo các bờ rẫy. Riêng những tảng đá to, đẹp thì đục nhỏ đem bán hoặc xây nhà, chuồng trại, sân phơi. Dù không còn làm thợ đá nữa nhưng ông Vòng A Thắm vẫn còn nhớ thời mới về khai hoang, khi ông vỡ 1,5ha đất thì thực tế chỉ trồng tỉa được 8-9 sào, vì hạt giống không thể nảy mầm trên những phiến đá.

Để dọn bớt đá trong vườn, tranh thủ chiều muộn hoặc những đêm trăng sáng, ông Thắm dùng xà beng bẩy những viên đá to bằng cái thúng ra khỏi vị trí nó đang nằm. Sau đó, ông cố sức lăn nó vào bờ rào, hố bom. Rồi phong trào khai thác đá làm vật liệu xây nhà nổi lên, ông sắm bộ đồ nghề (búa, đục các loại) để chẻ đá bán. Nhờ vậy, 1,5ha đất của ông đá không còn nổi trên bề mặt gây trở ngại cho sản xuất; đồng thời, ông lại có thêm nguồn thu nhập đáng kể bằng nghề đục đá những tháng nông nhàn.

Ông VÒNG A VẨU (dân tộc Hoa, ngụ ấp Suối Soong 2, xã Phú Vinh, H.Định Quán) bày tỏ, nhìn những bức tường đá lại nhớ những ngày đầu đến vùng đất này lập nghiệp. Bây giờ không ít người Hoa phá bức tường đá để bán đá hoặc xây tường rào mới bằng xi măng để tiết kiệm đất.

Bãi đá khu Bằng Lăng Non rộng hàng chục ha nằm trên địa bàn xã Phú Lợi giờ đã thành vườn, thành rẫy và có chủ sở hữu. Để có nguồn đá khai thác, cánh thợ đá phải hỏi mua hoặc làm ăn chia với chủ vườn. Chính vì vậy, những tảng đá to lăn lóc nằm trong vườn nay chẳng còn nhiều để khai thác nói gì để nhặt đắp nó thành tường cao, lấp hố bom như trước đây.

Để tìm lại những bờ tường đá cao, chắc chắn, sau hơn nửa giờ chạy lòng vòng bằng xe máy, ông Chống A Phước đưa chúng tôi vào khu rẫy của đồng bào Hoa ở ấp 6, xã Phú Tân. Theo lời ông Phước, trước đây các xã: Phú Tân, Phú Vinh, Phú Lợi (cùng thuộc H.Định Quán) có một cái tên chung là xã Phú Hoa. Do đó, dù sống trên đất xã Phú Lợi nhưng vẫn còn nhiều người Hoa di cư từ trước năm 1975 có đất sản xuất ở các xã Phú Tân, Phú Vinh.

Khu rẫy của anh em ông Lý A Sầu (60 tuổi, ngụ ấp 6, xã Phú Tân) rộng trên 2ha, hiện vẫn còn những bờ tường đá bao quanh. Theo lời ông Sầu, để xây lên được những bờ tường này, suốt gần 15 năm, cha và mấy anh em ông cần mẫn, kiên trì nhặt nhạnh những viên đá to, nhỏ trong vườn xếp ngay ngắn thành bờ tường dày 40cm, cao 1,2m chắc chắn. Nhờ nó mà gà nuôi trong vườn không bị lạc ra ngoài, cây trồng không bị phá hoại, nhất là ranh giới đất giữa các hộ sản xuất liền cạnh nhau được phân chia rõ ràng. “Đá ngày xưa nhiều lắm, nó gây phiền phức cho nhà nông đủ bề. Do đó, người Hoa mình luôn biết cách khuất phục nó để làm cho vườn rẫy xanh tốt, giá trị” - ông Sầu bày tỏ.

* Kiên trì bám trụ

70 năm trước, khi khu vực núi hang Dơi (KP.Tân Thủy, P.Bàu Sen, TP.Long Khánh) còn là rừng già thì cha của ông Mã Sùng Săn (56 tuổi, ngụ KP.Tân Xuân, P.Bàu Sen) cùng một nhóm cư dân gốc Hoa (khoảng 60 hộ, ở tỉnh Quảng Ninh) chọn nơi đây để dừng chân. Khi cây rừng, cây bụi được chặt hạ thì lộ ra những bãi đá nhỏ, đá to.

Ông Hỉ A Sầu (ngụ xã Phú Tân, H.Định Quán) sửa lại bờ đá bao quanh rẫy khi vài nơi bị bong tróc
Ông Hỉ A Sầu (ngụ xã Phú Tân, H.Định Quán) sửa lại bờ đá bao quanh rẫy khi vài nơi bị bong tróc

Ông Săn kể, cha của ông tên là Mã Chí Lùng (mất năm 2021, thọ 97 tuổi). Khi về vùng đất này, cha của ông mới 27 tuổi. Dù lúc ấy cha của ông đã có 4 người con nhưng vẫn còn là một chàng trai vạm vỡ. Vì vậy, trước những tảng đá to lớn, ông chẳng cần ai phụ giúp cũng tự mình đưa vào bờ ranh. Vậy mà đá vẫn còn nhiều trên mặt đất. Sau mỗi mùa trồng tỉa, mưa cuốn đi những lớp đất mịn trên bề mặt, đá lộ thiên thêm nhiều.

Ông Lùng vẫn bền chí dọn đá, lấy đất trồng tỉa. Sự bền bỉ của ông vẫn không làm cho lớp đất dưới chân núi hang Dơi sạch đá. Tuy vậy, nhóm người Hoa của ông vẫn tỏ ra hài lòng vì sớm chọn được vùng đất tốt, hạt giống chỉ cần dính tí đất là nẩy mầm, lớn thành cây, đậu hoa, kết hạt. Cứ vậy, thế hệ người Hoa thứ 2 như ông Săn lớn lên, vẫn kiên trì mưu sinh trên vùng đất đá.

Ông Săn kể, năm 26 tuổi, ông lấy vợ và được cha mẹ chia cho 1,5 ha rẫy đá. Sau đó, vợ chồng ông khai phá thêm được 1,3 ha nữa là tròn 2,8 ha. Để rẫy có nhiều đất trống hơn, ông bắt đầu dọn những viên đá không chân (không còn bám chặt vào lớp đất) thành những ụ to, bờ ranh quanh rẫy hoặc xếp theo ô bàn cờ trong đất để ngăn nước mưa làm trôi lớp đất thịt. Nhờ vậy, rẫy ngày càng được bồi đắp thêm lượng đất thịt từ trên núi trôi xuống.

Bức tường đá bao quanh rẫy là nét đặc trưng của người dân tộc Hoa khi canh tác nông nghiệp trên vùng đất đá
Bức tường đá bao quanh rẫy là nét đặc trưng của người dân tộc Hoa khi canh tác nông nghiệp trên vùng đất đá

Con đường liên xã Tà Lài - Trà Cổ (H.Tân Phú) dài tít tấp, hai bên xanh ngát vườn cây ăn trái nhưng vẫn không giấu hết được những khối đá đen xù xì dưới gốc cây. Có mặt tại ấp 4, xã Trà Cổ vào năm 1977, ông Lý A Pát (71 tuổi, dân tộc Hoa) vẫn còn nhớ những lúc bụng đói nhưng cũng cố lăn cho được những tảng đá vô tích sự vào bờ ranh, gốc điều. Ông Pát lý giải, lý do người Hoa thích chọn những vùng đất đá để trồng trọt, định cư vì đất giàu dinh dưỡng, trồng cây gì cũng tốt. Vì là vùng đất nhiều đá nên đồng bào các dân tộc khác như: Chơro, S’tiêng, Kinh ít chọn nơi này khai hoang. Do đó, chỉ có những vùng đất rộng rãi như vậy người Hoa mới khai khẩn được nhiều đất, tập trung lại thành làng để hỗ trợ nhau, nhưng vẫn không bị thiếu đất sản xuất.

Cũng theo lời ông Pát, xưa rẫy nào nhiều đá thì chủ nhân khổ cực, tốn nhiều công sức dọn dẹp. Nay rẫy càng nhiều đá và toàn đá to thì giá trị hơn rẫy không có đá nhiều lần. Bởi vì, chỉ cần cho người ta khai thác đá thì chủ rẫy có tiền tỷ mà đất vẫn còn.

Gần cuối tháng 3-2022, trời hay mưa bất chợt nên những bờ tường đá còn sót lại nơi vùng đất đá càng nổi rêu xanh. Đó là màu của thời gian, lưu lại một thời các nhóm đồng bào dân tộc Hoa từ phía Bắc di cư vào Đồng Nai lập nghiệp với bao khó khăn, vất vả.

 Đoàn Phú

Tin xem nhiều