Báo Đồng Nai điện tử
En

Khi nào cần đi khám hậu Covid-19?

08:03, 20/03/2022

Tính đến nay, tỉnh Đồng Nai đã ghi nhận hơn 385 ngàn trường hợp mắc Covid-19. Trong đó có hơn 90% bệnh nhân đã được điều trị khỏi bệnh. Các bệnh lý hậu Covid-19 đang là vấn đề nóng khiến nhiều người dân hoang mang.

BS CKII Nguyễn Hòa Hiệp, Trưởng khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất
BS CKII Nguyễn Hòa Hiệp, Trưởng khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất. Ảnh: Hạnh Dung

Tính đến nay, tỉnh Đồng Nai đã ghi nhận hơn 385 ngàn trường hợp mắc Covid-19. Trong đó có hơn 90% bệnh nhân đã được điều trị khỏi bệnh. Các bệnh lý hậu Covid-19 đang là vấn đề nóng khiến nhiều người dân hoang mang.

Tuy nhiên, theo BS CKII Nguyễn Hòa Hiệp, Trưởng khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, người dân không nên quá lo lắng.

* Những dấu hiệu cần lưu ý

* Xin bác sĩ cho biết những ai cần đi khám hậu Covid-19?

- Theo thống kê, có khoảng hơn 20% bệnh nhân Covid-19 sau khi khỏi bệnh có các triệu chứng kéo dài hoặc xuất hiện các triệu chứng đáng lưu ý sau thời gian nhiễm bệnh. Có nghĩa là không phải ai bị Covid-19 cũng đều có triệu chứng hậu Covid-19. Những nhóm bệnh nhân bắt buộc đi khám và cần đi khám hậu Covid-19 trong vòng 1-3 tháng đầu sau khi khỏi bệnh là: những bệnh nhân trong giai đoạn bị bệnh có dấu hiệu nặng, phải thở oxy, từng điều trị ở khoa hồi sức tích cực chống độc thường để lại di chứng ở phổi, bắt buộc phải tái khám. Những bệnh nhân lớn tuổi (từ 60 tuổi trở lên) mắc Covid-19 có các bệnh lý nền kèm theo.

Ngoài ra, những trường hợp nếu sau khi khỏi Covid-19 cảm thấy mệt mỏi mà không giải thích được lý do, khó thở không gắng sức được cũng cần đi khám hậu Covid-19.

* Những biến chứng thường gặp hậu Covid-19 là gì, thưa bác sĩ?

- Biến chứng hậu Covid-19 xảy ra ở rất nhiều cơ quan trong cơ thể. Theo thống kê có khoảng hơn 100 biến chứng. Nhưng biến chứng đáng quan tâm nhất là những biểu hiện ở phổi như: ho kéo dài, khó thở, đau ngực, không gắng sức được. Một biểu hiện khác là bệnh lý xơ phổi hậu Covid-19. Những dấu hiệu về rối loạn tim mạch như: hồi hộp, đánh trống ngực hoặc những biểu hiện của bệnh thiếu máu cơ tim, bệnh mạch máu, huyết khối. Biểu hiện của bệnh thần kinh là dấu hiệu hiện tượng sương mù não, tức là sau nhiễm Covid-19, bệnh nhân hay quên, giảm trí nhớ, mất tập trung. Những biểu hiện ngoài da như: nổi ban, nổi mề đay, ngứa. Biểu hiện về tâm thần như lo lắng, trầm cảm, không ngủ được.

* Bác sĩ có thể cho biết bệnh nhân khám hậu Covid-19 sẽ được khám những gì?

- Bệnh nhân đến khám hậu Covid-19 thường được khám ở những phòng khám chuyên khoa hô hấp vì hậu Covid-19 xảy ra nhiều nhất ở đường hô hấp. Bác sĩ sẽ hỏi tiền sử bệnh của bệnh nhân để đánh giá mức độ bệnh; nắm thông tin bệnh lý nền của bệnh nhân. Căn cứ trên những thông tin do bệnh nhân cung cấp, bác sĩ sẽ cho chỉ định làm các loại xét nghiệm cần thiết như chụp X-quang phổi. Nếu có tổn thương thì sẽ cho chụp CT Scan ngực để đánh giá sâu hơn. Nếu bệnh nhân có các vấn đề về tim mạch sẽ cho siêu âm tim, điện tim để kiểm tra…

Bác sĩ sau đó sẽ tư vấn, giải thích cho bệnh nhân, động viên để bệnh nhân an tâm điều trị hậu Covid-19. Để điều trị hậu Covid-19, bệnh nhân nên tuân thủ việc sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, không nên mua, dùng thuốc trôi nổi trên mạng hoặc các bài thuốc truyền tai nhau. Việc sử dụng thuốc điều trị hậu Covid-19 không đúng cách sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường.

Bệnh nhân khám hậu Covid-19 tại một bệnh viện trong tỉnh. Ảnh: Hạnh Dung
Bệnh nhân khám hậu Covid-19 tại một bệnh viện trong tỉnh. Ảnh: Hạnh Dung

* Dần xem Covid-19 là bệnh đặc hữu

* Xin bác sĩ cho biết như thế nào thì được gọi là bệnh đặc hữu?

- Theo Bộ Y tế, một loại dịch bệnh được gọi là bệnh đặc hữu hay bệnh lưu hành khi có một số tiêu chí như: có sự tồn tại thường xuyên của tác nhân gây bệnh; tồn tại quần thể cảm nhiễm và ổ chứa tác nhân gây bệnh; bệnh dịch xảy ra ở một nhóm đối tượng cụ thể hoặc quần thể dân số trong địa bàn nhất định; tỷ lệ mắc bệnh có tính ổn định và có thể dự báo được. Đến nay, Tổ chức Y tế thế giới vẫn coi Covid-19 là đại dịch và quan ngại tiếp tục có các biến thể không lường trước được của virus SARS-CoV-2. Nhiều nước trên thế giới vẫn có diễn biến dịch bệnh phức tạp, cần duy trì các hoạt động đáp ứng ở mức cao.

* Vậy theo bác sĩ, khi nào có thể xem Covid-19 là bệnh đặc hữu?

- Tại Việt Nam, dịch bệnh Covid-19 đã xuất hiện ở tất cả các tỉnh, thành trong cả nước nhưng tỷ lệ mắc Covid-19 chưa ổn định và có sự khác biệt lớn giữa các địa phương. Số ca tử vong theo ngày tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao so với những bệnh truyền nhiễm thông thường khác như sốt xuất huyết, sởi, dại. Virus SARS-CoV-2 cũng liên tục biến đổi và ghi nhận các biến thể mới như: Alpha, Delta, Omicron. Do vậy, thời điểm hiện tại chưa thể coi Covid-19 là bệnh đặc hữu. Tuy nhiên, khoảng 3-4 tháng tới, khi tỷ lệ bao phủ vaccine đã ở mức cao, nhóm đối tượng trẻ em dưới 12 tuổi được tiêm vaccine, kháng thể đã nhiều, chúng ta cần theo dõi sát đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới để đánh giá tình hình dịch bệnh tại địa phương và xem Covid-19 là bệnh đặc hữu, đưa cuộc sống của người dân trở lại trạng thái bình thường.

* Xin cảm ơn bác sĩ!

Trẻ em sau khi khỏi bệnh Covid-19 cần đi khám ngay nếu có các triệu chứng sau: sốt cao liên tục trên 38,50C kèm theo có các dấu hiệu như: rối loạn tiêu hóa (nôn, tiêu chảy, đau bụng), phát ban trên da, mắt đỏ, môi đỏ khô nứt, họng đỏ; thay đổi ý thức (vật vã, kích thích, ngủ gà, li bì), mạch nhanh, tay chân lạnh, khó thở, mệt mỏi.

Hạnh Dung (thực hiện)

Tin xem nhiều