Báo Đồng Nai điện tử
En

Cẩn trọng với bệnh "cận thị giả"

11:03, 27/03/2022

Cận thị giả có những biểu hiện gần giống cận thị thật, là căn bệnh khiến nhiều người lầm tưởng và đưa ra phác đồ điều trị sai lầm dẫn đến những hậu quả khó lường ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của mắt. Tình trạng cận thị giả xuất hiện ở nhiều đối tượng, trong đó chủ yếu là học sinh, sinh viên, người làm văn phòng, những người thường xuyên tiếp xúc nhiều với máy tính, điện thoại trong một thời gian dài.

Cận thị giả có những biểu hiện gần giống cận thị thật, là căn bệnh khiến nhiều người lầm tưởng và đưa ra phác đồ điều trị sai lầm dẫn đến những hậu quả khó lường ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của mắt. Tình trạng cận thị giả xuất hiện ở nhiều đối tượng, trong đó chủ yếu là học sinh, sinh viên, người làm văn phòng, những người thường xuyên tiếp xúc nhiều với máy tính, điện thoại trong một thời gian dài.

BS Nguyễn Văn Tiến đo khúc xạ mắt cho trẻ tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. Ảnh: T.Tú
BS Nguyễn Văn Tiến đo khúc xạ mắt cho trẻ tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. Ảnh: T.Tú

BS CKI Nguyễn Văn Tiến, Khoa Mắt Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, từ sau thời gian giãn cách xã hội, số lượng trẻ đến khám về mắt tăng khoảng 30% so với trước đây. Trung bình mỗi ngày, khoa đón tiếp khoảng 50 trẻ đến khám mắt, trong đó có khoảng 5-7 trẻ đến khám liên quan về tật khúc xạ, chủ yếu như: nhìn mờ, mỏi mắt, chảy nước mắt. Tuy nhiên, trong số những trẻ này có nhiều trẻ mắc bệnh “cận thị giả”.

Theo BS Tiến, giả cận thị khá phổ biến, đây là hiện tượng rối loạn sự điều tiết. Nguyên nhân của hiện tượng này có thể do mệt mỏi thị giác hay khó chịu nhất thời của mắt. Những hoạt động như ngồi máy tính, đọc sách, học bài… là lúc khiến mắt nhìn ở cự ly gần, cơ thể mi co lại, để tăng độ cong của thủy tinh thể giúp hình ảnh rõ nét. Khả năng điều tiết ở mắt trẻ rất mạnh, có thể nhìn một vật gần 9cm nên các em có thể nhìn gần trong thời gian rất dài mà mắt không bị mỏi. Nhưng nếu bị co lâu ngày, cơ thể mi trở thành “tật”, đến khi nhìn xa sẽ không dãn ra được do mất tác dụng đàn hồi, dẫn đến hiện tượng nhìn xa không rõ.

Triệu chứng cận thị giả cũng giống cận thị thật như: mắt mỏi, nhìn xa không thấy, nhức đầu, chảy nước mắt và khó khăn khi ghi chép sau một thời gian dài làm việc trong cự ly gần. Những trường hợp này đến khám tại các cửa hàng mắt kính thì rất khó để phân biệt cận thị giả hay thật vì ở đó hầu hết người làm chỉ là kỹ thuật viên, không đủ chuyên môn để phân biệt. Vì vậy, phụ huynh cần cân nhắc thật kỹ khi đưa trẻ đi khám mắt, tốt nhất là đến các cơ sở y tế có chuyên khoa về mắt.

BS Tiến cảnh báo, giả cận thị nếu không điều trị kịp thời hoặc không có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, khiến mắt phải liên tục làm việc trong thời gian dài có thể dẫn đến suy nhược và trở thành cận thị thật. Cùng với việc dùng kính không đúng cũng là một phần nguyên nhân khiến nhiều người mắc cận thị giả dẫn đến cận thị thật. Đối với bệnh cận thị giả, không nhất thiết phải đeo kính và dùng thuốc, chỉ cần có một chế độ nghỉ ngơi, sinh hoạt phù hợp là bệnh có thể tự khỏi, đối với những trường hợp nặng hơn bác sĩ sẽ cho những biện pháp chữa trị phù hợp.

Thanh Tú

Tin xem nhiều