Viêm gan B là tình trạng viêm nhiễm gây ra bởi virus viêm gan B làm tổn hại gan. Ở giai đoạn đầu, bệnh diễn biến âm thầm, không có triệu chứng cụ thể nên nhiều người không thể phát hiện bệnh. Đến khi phát hiện bệnh thì hầu hết đã muộn, nhiều bệnh nhân bị xơ gan, thậm chí ung thư gan và tử vong trong thời gian ngắn.
Viêm gan B là tình trạng viêm nhiễm gây ra bởi virus viêm gan B làm tổn hại gan. Ở giai đoạn đầu, bệnh diễn biến âm thầm, không có triệu chứng cụ thể nên nhiều người không thể phát hiện bệnh. Đến khi phát hiện bệnh thì hầu hết đã muộn, nhiều bệnh nhân bị xơ gan, thậm chí ung thư gan và tử vong trong thời gian ngắn.
Bệnh nhân khám bệnh về gan tại phòng khám chuyên gia Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh. Ảnh: Hạnh Dung |
Tiêm vaccine phòng viêm gan B là biện pháp được xem là hữu hiệu nhất cả về kinh tế lẫn y tế nhằm giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh viêm gan B.
* Bệnh diễn tiến âm thầm
Ông N.V.B. (65 tuổi, ngụ P.Xuân Trung, TP.Long Khánh) cho biết, sau khi một người thân trong gia đình ông được phát hiện mắc bệnh ung thư gan và qua đời cộng với việc da ông xanh xao, vàng hơn bình thường, ông đã đến bệnh viện để thăm khám. Tại bệnh viện, ông B. được bác sĩ chỉ định làm các loại xét nghiệm cần thiết. Kết quả, ông B. bị bệnh viêm gan B.
Theo ông B., suốt một thời gian dài, ông không có biểu hiện hay triệu chứng gì cho thấy bản thân bị bệnh viêm gan B. Ông vẫn có thể đi làm rẫy bình thường, chỉ có da là vàng và xanh hơn.
Nói về vấn đề này, BS CKI Nguyễn Thị Đố, chuyên gia về viêm gan, ký sinh trùng Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM, hiện đang tham gia khám bệnh tại phòng khám chuyên gia Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh cho biết, đa số bệnh nhân bị bệnh viêm gan B không có triệu chứng rõ rệt cho đến khi bệnh đã nặng. Những biểu hiện thường gặp ở giai đoạn này là vàng da, vàng mắt, chướng bụng, khó tiêu, bụng lình sình, nước tiểu đậm màu. Ở thể mãn tính, người bệnh sẽ có triệu chứng như mệt mỏi, đau tức vùng gan, ăn kém, ngứa, da vàng, mắt vàng do virus tấn công vào gan khiến gan to, xơ, men gan tăng cao, là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ung thư gan.
Cũng theo BS Đố, bệnh viêm gan B là bệnh truyền nhiễm, lây chủ yếu qua đường máu, đường quan hệ tình dục và đường mẹ con. Cụ thể, lây qua đường máu khi một người bình thường tiếp xúc với đường máu của người nhiễm bệnh với các khả năng: Để vết thương hở tiếp xúc với máu của người nhiễm bệnh; dùng chung bàn chải đánh răng hay dao cạo râu với người nhiễm bệnh; dùng lại kim chích để xăm mình, xỏ lỗ tai hay chích ma túy; dùng lại kim chích, ống chích y tế của người nhiễm bệnh. Hoặc do sự cố y tế truyền máu của người bị bệnh viêm gan B cho người không mắc bệnh.
Với đường lây từ mẹ sang con, khi thai phụ bị nhiễm virus viêm gan B, khả năng lây nhiễm viêm gan B cho thai nhi là rất cao. Tỷ lệ lây nhiễm tăng cao dần cùng với thời gian trẻ phát triển cho đến lúc trẻ ra đời. Trong 3 tháng đầu, tỷ lệ lây nhiễm ở trẻ sơ sinh là 10% và tăng lên khoảng 60-70% ở 3 tháng cuối. Có đến 50% số trẻ này có thể bị viêm gan B mạn tính, đe dọa nguy cơ bị xơ gan lúc trưởng thành.
Virus viêm gan B (HBV) còn có thể gây lây nhiễm qua các vết xước nhỏ trong quá trình quan hệ tình dục, thường gặp như quan hệ bằng miệng, sử dụng các dụng cụ hỗ trợ kém vệ sinh…
* Tiêm vaccine là giải pháp hữu hiệu nhất
Để phát hiện bản thân có bị bệnh viêm gan B hay không, BS Nguyễn Thị Đố khuyến cáo người dân nên đi làm xét nghiệm sàng lọc viêm gan B. Việc thực hiện xét nghiệm máu chuyên khoa gan cộng với siêu âm và các kỹ thuật cao trong chẩn đoán hình ảnh sẽ giúp phát hiện người dân có bị nhiễm bệnh viêm gan B hay không. Việc phát hiện bệnh sớm để điều trị sớm có ý nghĩa quan trọng, hạn chế những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra như: suy giảm chức năng gan, gan nhiễm mỡ, xơ gan, thậm chí là ung thư gan.
Các bác sĩ cho biết, bệnh viêm gan B có thể điều trị khỏi nếu bệnh nhân tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ và thực hiện các xét nghiệm, kiểm tra sức khỏe theo lộ trình. Người bị bệnh viêm gan B cần khám ở phòng khám chuyên về viêm gan B, không được tự ý uống thuốc mà bác sĩ chuyên khoa không chỉ định. Bởi hiện nay, có nhiều người khi bị bệnh tự ý uống thêm thuốc kháng sinh, thuốc nam do truyền miệng khiến bác sĩ không thể kiểm soát được những chất có trong thuốc đó. Đến khi bệnh đã biến chứng thì rất khó điều trị.
Để phòng bệnh viêm gan B, các bác sĩ khuyến cáo người dân nên tiêm vaccine viêm gan B để phòng bệnh. Đây là giải pháp hữu hiệu nhất và cũng tiết kiệm nhất. Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, vaccine phòng bệnh viêm gan B nên tiêm ngay trong vòng 24 giờ đầu sau sinh. Sau đó sẽ tiêm các liều tiếp theo theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Đối với người lớn, cần làm các xét nghiệm HBsAg và anti-HBs (HBsAb) để biết đã bị nhiễm virus viêm gan B hay trong cơ thể đã có kháng thể kháng virus viêm gan B hay chưa. Nếu kết quả là HBsAg âm tính thì cần phải tiêm phòng vaccine càng sớm càng tốt.
Cũng theo các bác sĩ, hiện nay có ghi nhận lây nhiễm bệnh viêm gan B qua đường ăn uống nhưng ít hơn đường máu, quan hệ tình dục và đường mẹ con. Người dân nên lưu ý giữ gìn vệ sinh ăn uống để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và người thân trong gia đình.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, trung bình cứ 100 ngàn người Việt Nam thì có 23,2 người bị bệnh ung thư gan. Viêm gan B làm tăng sinh tế bào gan ác tính, sau 10 năm hoặc sớm hơn sẽ tiến triển thành ung thư gan. |
Hạnh Dung (ghi)