Để người dân có được cuộc sống bình thường, thời gian qua, hàng ngàn y, bác sĩ, nhân viên y tế trong tỉnh đã không quản ngại hiểm nguy, vất vả, chấp nhận hy sinh hạnh phúc và gác lại những niềm riêng để xông pha vào tâm dịch.
Để người dân có được cuộc sống bình thường, thời gian qua, hàng ngàn y, bác sĩ, nhân viên y tế trong tỉnh đã không quản ngại hiểm nguy, vất vả, chấp nhận hy sinh hạnh phúc và gác lại những niềm riêng để xông pha vào tâm dịch.
Bệnh nhân N.T.T.T. vui vẻ giơ biểu tượng “hài lòng” cùng BS Lâm Hùng Hạnh, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất. Ảnh: H.Dung |
Họ, với vai trò chủ công đã chiến đấu, giành giật sự sống cho bệnh nhân, bảo vệ người dân thoát khỏi hiểm nguy của kẻ thù giấu mặt mang tên Covid-19.
* “Cân não” giành giật sự sống cho mẹ con sản phụ
Nằm trên giường bệnh ở Khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, chị N.T.T.T. (30 tuổi, ngụ xã Bàu Trâm, TP.Long Khánh) nở nụ cười khi thấy BS Trưởng khoa Lâm Hùng Hạnh tới thăm khám. BS Hạnh vừa khám, vừa trò chuyện với chị T., động viên chị cố gắng tập thở để sớm được xuất viện, trở về với gia đình.
Chị T. tâm sự, ngày 1-1, chị và con gái đầu lòng mới 19 tháng tuổi được xác định nhiễm Covid-19. Sau 1 tuần điều trị tại nhà, con gái chị khỏi bệnh, còn chị bị khó thở, suy hô hấp. Chị T. được đưa vào Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh để điều trị. Sau 3 ngày điều trị nhưng sức khỏe không cải thiện, chị T. được chuyển lên Trung tâm Hồi sức bệnh nhân Covid-19 nặng Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất trong tình trạng suy hô hấp nặng, phải thở oxy dòng cao.
Bệnh nhân N.T.T.T. (ngụ xã Bàu Trâm, TP.Long Khánh) chia sẻ: “Vợ chồng tôi khó khăn lắm mới có con. Nhờ sự quyết đoán, sáng suốt, tận tâm của các bác sĩ, điều dưỡng mà giờ đây mẹ con tôi mới có thể tiếp tục duy trì sự sống. Trong lúc hôn mê, tôi không nhớ những gì đã diễn ra, chỉ được nghe mẹ tôi kể lại rằng chính các bác sĩ, điều dưỡng đã túc trực, đút sữa, nước, vệ sinh và chăm sóc cho tôi trong suốt nhiều ngày. 30 năm sống trên cuộc đời, ngoài cha mẹ tôi thì chỉ có các y, bác sĩ là người chăm sóc tôi tận tình đến vậy. Tôi xin chân thành cảm ơn BS Hạnh, BS Thuyên, BS Thành và nhiều bác sĩ, điều dưỡng mà tôi chưa kịp biết tên. Chính họ đã sinh ra tôi một lần nữa”. |
BS Lâm Hùng Hạnh, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cho biết, bệnh nhân được đánh giá ở mức độ rất nặng, cần phải hỗ trợ máy thở. Tuy nhiên, do bệnh nhân đang mang thai ở tuần thứ 25 nên các bác sĩ Trung tâm Hồi sức bệnh nhân Covid-19 nặng đã hội chẩn với các bác sĩ sản khoa. Qua thăm khám, các bác sĩ sản khoa đánh giá em bé còn non, nếu mổ ngay lúc đó thì khả năng sống của em bé không cao. Các bác sĩ tiếp tục hội chẩn và đưa ra quyết định tiếp tục duy trì thai nhi trong bụng bệnh nhân T. càng lâu càng tốt.
Song song đó, các bác sĩ hỗ trợ hô hấp, tập trung điều trị cho thai phụ bằng mọi cách để giúp bệnh nhân tránh phải thở máy xâm lấn. 10 ngày sau, bệnh nhân có dấu hiệu xấu, không đáp ứng được với thở máy không xâm lấn. Các bác sĩ Trung tâm Hồi sức bệnh nhân Covid-19 nặng lại tiếp tục hội chẩn với các bác sĩ của các chuyên khoa liên quan và xin ý kiến các bác sĩ Bệnh viện Phổi Trung ương. Cuối cùng đi đến quyết định đặt ống nội khí quản cho bệnh nhân T., cho bệnh nhân thở máy kèm siêu lọc máu liên tục hấp phụ, tiếp tục cố gắng giữ thai nhi bởi thai nhi lúc này vẫn còn non.
Các y, bác sĩ cố gắng duy trì việc đặt nội khí quản, siêu lọc máu liên tục và cho bệnh nhân thở máy được 11 ngày tiếp sau đó thì bệnh nhân rơi vào tình trạng nguy kịch. “Trước tình thế cấp bách, nếu không tiến hành mổ lấy con thì cả thai phụ và em bé đều sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Sau một vài giây “cân não”, chúng tôi quyết định sẽ mổ lấy thai để cứu sống cả mẹ và bé” - BS Hạnh kể.
Bệnh nhân T. ngay lập tức được đưa vào phòng mổ. Các bác sĩ đã tiến hành mổ bắt con là bé gái nặng 800g, được xác định khoảng 27-28 tuần tuổi. Ca mổ thành công, em bé được đưa ngay đến Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai để hồi sức tích cực. Sản phụ cũng tiếp tục được hồi sức tích cực tại Trung tâm Hồi sức bệnh nhân Covid-19 nặng Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất.
Với quyết tâm cứu sống bệnh nhân khỏi tay “tử thần”, các y, bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất đã ngày đêm theo dõi, điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân T. Kết quả, sức khỏe của bệnh nhân dần khá lên, phổi giảm viêm. Đến ngày 5-2, chị T. có kết quả âm tính với Covid-19, được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực chống độc (khu vực điều trị các bệnh thông thường) để được tiếp tục theo dõi, điều trị. Tại đây, bệnh nhân dần dần được cai máy thở, rút được ống thở, điều chỉnh liều lượng oxy từ cao xuống thấp. Đến nay, sức khỏe của chị T. đã ổn định và sẽ được xuất viện trong vài ngày tới.
* Mong một chữ “an”
Thời điểm dịch bệnh Covid-19 chưa bùng phát dữ dội, chị Nguyễn Thị Thùy Vân, 32 tuổi, làm việc tại Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh, chuyên chăm sóc bệnh nhân mắc sốt xuất huyết và các bệnh truyền nhiễm thông thường. Từ giữa tháng 7-2021, khi Khoa Hồi sức Covid-19 được thành lập, chị Vân bắt đầu làm quen với công việc của một điều dưỡng hồi sức, chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân, từ việc cho bệnh nhân uống thuốc, ăn uống, tắm rửa cho bệnh nhân, trò chuyện với bệnh nhân…
Để đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình và cộng đồng, chị Vân phải xa 2 con nhỏ (6 tuổi và 4 tuổi) để tập trung làm việc “3 tại chỗ”. Chồng chị phải nghỉ việc để ở nhà chăm 2 con, giúp vợ an tâm làm nhiệm vụ. Sau ca trực, về nơi nghỉ ngơi, chị Vân gọi video call để nói chuyện với chồng và 2 con.
Điều dưỡng Nguyễn Thị Thùy Vân, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh ân cần trò chuyện cùng bệnh nhân Covid-19 nặng sau một thời gian điều trị đã hồi phục tốt |
“Thời gian đầu quá nhiều áp lực cộng với việc phải xa gia đình, xa con nhỏ, đã có lúc tôi muốn nghỉ việc để về với gia đình. Nhưng suy nghĩ lại, nếu tôi nghỉ lúc này thì những đồng đội của tôi sẽ phải gánh thêm nhiều việc, mà họ cũng như tôi, cũng có gia đình, có con cái nên tôi quyết tâm bám trụ. Rất may, tôi được cha mẹ và chồng rất thương, ủng hộ, động viên, lãnh đạo bệnh viện cũng rất quan tâm, chia sẻ nên suốt 3 tháng cao điểm, tôi tập trung cao độ cho công tác chăm sóc bệnh nhân Covid-19 nặng” - chị Vân nói.
Mỗi sáng, điều dưỡng Vân vào khu hồi sức thay drap giường, nhìn tổng quan xem bệnh nhân đã được sạch sẽ hay chưa. Sau khi bác sĩ khám bệnh, chị Vân sẽ cho bệnh nhân uống thuốc theo y lệnh của bác sĩ. Những bệnh nhân nặng, hôn mê, phải uống thuốc qua xông dạ dày thì chị Vân phải nghiền thuốc để đổi thuốc qua xông, truyền dịch cho bệnh nhân. Buổi trưa, chị Vân đút cháo, súp cho bệnh nhân ăn. Sau 30 phút nghỉ giữa giờ trưa, chị và các đồng nghiệp lại tiếp tục vào khu hồi sức tắm cho từng bệnh nhân, cho bệnh nhân uống thuốc. Tối lại vệ sinh, thay drap giường cho bệnh nhân.
Có những bệnh nhân lớn tuổi sức khỏe ổn, muốn gặp người nhà, điều dưỡng Vân hỗ trợ bằng cách gọi video call để họ nói chuyện với con cháu trong thời gian ngắn để bệnh nhân đỡ tủi thân.
Sau hơn 3 tháng ròng rã xa nhà làm nhiệm vụ, vào một đêm cuối tháng 10-2021, chị được về nhà sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19. “Làm việc ở khu hồi sức, ngày ngày chăm sóc bệnh nhân Covid-19 nặng, điều làm tôi và các đồng nghiệp hạnh phúc nhất là những bệnh nhân bị bệnh nặng lần lượt được chữa khỏi và về nhà. Những lúc như vậy, tôi càng thấy trân quý hơn sự sống, tình yêu thương gia đình. Tôi chỉ mong sao dịch bệnh chóng qua đi để mọi người được trở về cuộc sống bình thường, để những thành viên trong gia đình được an vui bên nhau, không phải chia xa” - chị Vân tâm sự.
Hạnh Dung