Báo Đồng Nai điện tử
En

Đồng vốn nhỏ, ý nghĩa lớn

10:01, 10/01/2022

Thông qua việc kết hợp các nguồn lực xã hội hóa, nhiều mô hình trợ vốn cho đồng bào dân tộc thiểu số, người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam/dioxin… đã và đang được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh.

Thông qua việc kết hợp các nguồn lực xã hội hóa, nhiều mô hình trợ vốn cho đồng bào dân tộc thiểu số, người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam/dioxin… đã và đang được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đã giúp người khuyết tật, người kém may mắn có điều kiện chủ động tạo ra thu nhập nuôi sống bản thân, gia đình.

Chị Điểu Thị Đình (dân tộc Chơro, xã Túc Trưng, H.Định Quán) bên những con bò của gia đình. Ảnh: S.Thao
Chị Điểu Thị Đình (dân tộc Chơro, xã Túc Trưng, H.Định Quán) bên những con bò của gia đình. Ảnh: S.Thao

* Giúp vốn theo nhu cầu

Ông Phạm Đình Trịnh (ngụ P.An Bình, TP.Biên Hòa) là một trong những người được Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh hỗ trợ vốn để làm ăn. Ông Trịnh cho biết: “Tôi bị khuyết tật vận động nhưng không muốn ngồi một chỗ và phụ thuộc vào gia đình, trợ cấp của Nhà nước. Vì vậy, tôi làm công việc bán thịt bò vì phù hợp với khả năng sức khỏe. Khó khăn của tôi là hay thiếu vốn để lấy thịt bò hay mua máy cắt thịt”.

Xuất phát từ mong muốn của ông Trịnh, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã hỗ trợ vốn cho ông. “Tiền vốn do Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh hỗ trợ được tôi mua máy cắt thịt, mua hàng về nhà gia công thịt bò cuộn. Sau một thời gian, công việc buôn bán thuận lợi, có nhiều mối lấy hàng, tôi giúp thêm một gia đình cũng có người khuyết tật như mình có việc làm với thu nhập ổn định hằng tháng. Nhờ đó, bản thân tôi có thu nhập, tuy không cao nhưng chủ động cuộc sống của bản thân, gia đình” - ông Trịnh nói.

Theo ông VŨ ĐÌNH TRUNG, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, thông qua thực hiện xây dựng nhà tình thương và các hoạt động nhân đạo từ thiện, hỗ trợ khó khăn đột xuất…, đã có 112 tỷ đồng từ nguồn quỹ vì người nghèo các cấp được huy động để trợ giúp người dân.

Còn anh Hà Tuấn Khanh (ngụ P.Hố Nai, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Tôi bị khuyết tật 2 chân. Trước đây, tôi sống phụ thuộc vào sự chăm lo của gia đình. Nhưng tôi muốn tự mình kiếm tiền theo khả năng để nuôi sống bản thân nên tôi học từ anh chị mình nghề thợ may. Nhờ cố gắng, tôi cũng thành thạo với nghề”.

Năm 2019, anh Khanh đã có máy may cho riêng mình khi được Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh cho vay 8 triệu đồng mua máy. Khi có máy may, anh được giao công đoạn ráp thân áo. “Nếu chịu khó và sức khỏe cho phép thì thu nhập hằng tháng của tôi đỡ đần được gia đình lo cho con và mẹ già. Tôi rất cảm ơn việc Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã giúp vốn cho tôi theo nhu cầu mà bản thân cần” - anh Khanh tâm sự.

Đối với chị Điểu Thị Đình (dân tộc Chơro, xã Túc Trưng, H.Định Quán), việc được hỗ trợ vốn để chăn nuôi bò đã giúp gia đình chị có điều kiện tích lũy để từng bước vươn lên trong cuộc sống. Chị Đình cho hay: “Sau khi được giúp vốn 19 triệu đồng từ nguồn dự án Chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh vươn lên thoát nghèo bền vững tại H.Định Quán kết hợp với trợ giúp từ cộng đồng, năm 2019, tôi mua bò về nuôi, chăm sóc một số cây bưởi trong vườn. Đến nay, tôi đã có 2 con bò sinh sản và 1 bò con. Vườn bưởi gần 10 cây đang cho thu hoạch. Cùng với đó, tôi và các con tranh thủ thời gian rảnh nhận gia công các loại hạt khô cho một số cơ sở ở địa phương”.

Trên đây chỉ là 3 trong số rất nhiều trường hợp đang được trợ giúp vốn từ nguồn lực cộng đồng trong năm qua.

* Tạo vốn từ nguồn lực xã hội

Theo ông Vũ Đình Trung, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, trong 5 năm qua, đã có trên 2,4 ngàn tỷ đồng được vận động từ dân cư trợ giúp người nghèo dưới sự phân phối, giám sát của ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các đoàn thể tổ chức thành viên để hỗ trợ khó khăn đột xuất cũng như giúp vốn, cây, con giống và ngày công lao động, giúp người nghèo có vốn làm ăn, từng bước cải thiện đời sống, thoát nghèo.

Hiện nay, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin cấp xã, phường, thị trấn đang cho từ 3-5 hội viên vay vốn khoảng 5-15 triệu đồng. Riêng Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, huyện, thành phố đang trợ giúp vốn cho 99 trường hợp với số tiền trên 1,13 tỷ đồng.

Thực hiện cuộc vận động Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo, theo bà NGUYỄN THỊ PHƯƠNG ANH, Phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Hội chữ thập đỏ các cấp trên địa bàn tỉnh đã trợ cấp thường xuyên cho 12,5 ngàn địa chỉ đặc biệt khó khăn thông qua hình thức trợ cấp hằng tháng, hằng quý.

Theo bà Đào Nguyên, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh: “Tùy theo nhu cầu làm nghề của người vay mà Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh cũng như các cấp trao số vốn tương ứng. Có những người chỉ mượn 2 triệu đồng để làm vốn bán vé số, mua ve chai nhưng cũng có người cần 10-15 triệu đồng để mua các loại máy móc phục vụ công việc tại nhà. Tuy số vốn trao cho người vay nhỏ song qua kiểm tra, đánh giá, người vay đã sử dụng số tiền hiệu quả để mưu sinh theo khả năng khuyết tật của bản thân”.

Để có vốn giải quyết cho các trường hợp người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam/dioxin vay, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã thông qua các chương trình vận động quỹ hội để trao vốn, chăm sóc sức khỏe nạn nhân da cam, người khuyết tật, đồng thời tiếp nhận sự đóng góp tích cực từ cộng đồng. Nhờ đó, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh và các cấp chủ động được nguồn kinh phí cho vay. Đến nay, riêng quỹ hội của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đạt khoảng 6 tỷ đồng. Đây là nguồn kinh phí giúp Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh chủ động thực hiện công tác an sinh xã hội, trong đó có trao vốn cho nạn nhân, người khuyết tật.

Bà Đào Nguyên cho hay, thông qua các hoạt động chăm sóc nạn nhân, hỗ trợ gia đình nạn nhân chất độc da cam/dioxin như: trao tặng quà, xây dựng nhà ở, cấp học bổng, thiết bị vận động… đã có trên 39 tỷ đồng được Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh tiếp nhận từ nguồn đóng góp để trao đến người thụ hưởng.

Trong khi đó, bà Dương Thị Kim Phú, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam H.Định Quán cho biết, qua 5 năm thực hiện dự án Chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh vươn lên thoát nghèo bền vững tại H.Định Quán, Ban Quản lý dự án huyện đã trao vốn để sản xuất, kinh doanh cho 403 hộ nghèo, cận nghèo và đoàn viên, hội viên nòng cốt các đoàn thể chính trị - xã hội với tổng số tiền trên 6 tỷ đồng. Trong số này, có 195 hộ chăn nuôi bò, 96 hộ chăn nuôi dê. Các hộ còn lại đang sử dụng vốn để đầu tư sản xuất nông nghiệp, buôn bán nhỏ, chạy xe ôm, đánh bắt cá, dệt lưới, thu mua phế liệu, mua máy xịt thuốc…

Để đảm bảo nguồn kinh phí triển khai các hoạt động hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo, bằng nhiều hình thức đa dạng, thiết thực góp phần bảo đảm an sinh xã hội, thông qua Quỹ Vì người nghèo, huyện đã tiếp nhận các nguồn lực đóng góp được trên 7,6 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, nhiều năm qua, CLB Hỗ trợ người khuyết tật vươn lên trực thuộc Hội Doanh nhân trẻ tỉnh đã chủ động huy động nguồn lực cộng đồng trợ giúp người khuyết tật. Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó chủ nhiệm CLB Hỗ trợ người khuyết tật vươn lên cho hay, những năm qua, CLB đã hỗ trợ cho khoảng 1,5 ngàn người khuyết tật về vốn với số tiền 10 tỷ đồng để buôn bán nhỏ; cho 100 người khuyết tật vay vốn không hoàn lại với số tiền 500 triệu đồng…

Cũng theo ông Sơn, kinh phí để trợ giúp nguồn vốn vay cho người khuyết tật này đều do các thành viên Hội Doanh nhân trẻ tỉnh đóng góp. Trong thời gian tới, hoạt động trợ giúp cộng đồng này sẽ tiếp tục được CLB Hỗ trợ người khuyết tật vươn lên, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh duy trì thực hiện nhằm trợ giúp người khuyết tật.

Sông Thao

Tin xem nhiều