Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV vừa qua, nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan sớm có những chính sách cụ thể để đầu tư có trọng điểm, bài bản, nâng cao năng lực cho hệ thống y tế cơ sở.
[links()]Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV vừa qua, nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan sớm có những chính sách cụ thể để đầu tư có trọng điểm, bài bản, nâng cao năng lực cho hệ thống y tế cơ sở.
Các loại thuốc, dụng cụ y học cổ truyền tại Trạm y tế xã Mã Đà (H.Vĩnh Cửu) không được dùng đến, vẫn ở trong kho từ khi được cấp đến nay. Ảnh: H.DUNG |
Việc đầu tư phải đồng bộ, từ nhân lực đến cơ sở vật chất, trang thiết bị, cơ chế, chính sách. Phải làm sao để thu hút được nhân lực chất lượng cao về tuyến cơ sở, tránh bị động nếu tiếp tục có dịch bệnh nguy hiểm bùng phát, tạo được niềm tin trong nhân dân.
* Coi trọng y tế cơ sở
Nhiều đại biểu Quốc hội đặt vấn đề, hiện nay Chính phủ có chủ trương lấy xã, phường làm “pháo đài”, người dân là chiến sĩ trong “cuộc chiến” với đại dịch Covid-19, đưa dịch vụ y tế đến gần dân nhất, bảo đảm người dân được tiếp cận nhanh nhất ở mọi lúc, mọi nơi. Điều đó cho thấy vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của hệ thống y tế cơ sở rất quan trọng. Do đó, Chính phủ cần tập trung rà soát, đánh giá đúng, đầy đủ, chính xác thực trạng, tình hình, năng lực của hệ thống y tế cơ sở hiện nay. Đồng thời, có tổng kết thận trọng, xác định rõ nhiệm vụ chiến lược của hệ thống y tế cơ sở trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; tạo cơ sở để tính toán phân bổ các nguồn lực đầu tư có trọng điểm, mang lại hiệu quả, tránh lãng phí.
Bên cạnh đó, cần có chính sách phát triển các mô hình bác sĩ gia đình, khám chữa bệnh từ xa... để đảm bảo chức năng tư vấn, chăm sóc sức khỏe cho người dân. Đây là nhu cầu bức thiết không chỉ trong công tác phòng, chống dịch mà còn trong chiến lược chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân về lâu dài.
BS Nguyễn Xuân Hùng, Giám đốc Trung tâm Y tế TP.Biên Hòa kiến nghị, các cấp lãnh đạo cần có sự động viên, quan tâm, chia sẻ kịp thời để giảm áp lực, xốc lại tinh thần, giúp nhân viên y tế tuyến cơ sở an tâm công tác. Bên cạnh đó, cần có sự phân công công việc hợp lý, chia sẻ gánh nặng công việc với y tế tuyến cơ sở. Trạm y tế lưu động là cánh tay nối dài để san sẻ công việc với trạm y tế cố định nhưng phải huy động cho được lực lượng y tế tư nhân, nhân viên y tế về hưu… tham gia. Còn nếu không có lực lượng hỗ trợ thì việc triển khai thêm 1 trạm y tế lưu động sẽ tạo thêm áp lực cho nhân viên y tế của trạm y tế cố định.
Nhà nước cũng cần có giải pháp để huy động, điều tiết y tế ngoài công lập có trách nhiệm tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tăng chế độ, thu nhập chính đáng cho nhân viên y tế cơ sở. Hỗ trợ về lương, thu nhập để nhân viên y tế an tâm công tác, tăng thu nhập tỷ lệ thuận với khối lượng công việc. Đặc biệt, cần có sự hỗ trợ, tăng cường nhân lực về lâu dài cho các trạm y tế.
* Xây dựng chế độ hỗ trợ phù hợp cho nhân viên y tế
Tại nhiều cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh vừa qua, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đề nghị Sở Y tế nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh kế hoạch đầu tư cho hệ thống y tế cơ sở, nhất là các trạm y tế trong tình hình mới. Đồng thời, đề xuất chế độ hỗ trợ phù hợp với nhân viên y tế suốt nhiều tháng qua đã căng mình chống dịch, vì sức khỏe của nhân dân.
Mới đây, UBND tỉnh đã có văn bản gửi Sở Y tế, Sở KH-ĐT, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, UBND các huyện, thành phố về việc đầu tư các trạm y tế xã, phường trên địa bàn tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh tiếp tục làm chủ đầu tư đối với các dự án đầu tư, nâng cấp sửa chữa các trạm y tế trên địa bàn các huyện, thành phố đã được giao chủ đầu tư. Khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, đảm bảo pháp lý để đầu tư nhằm đưa vào sử dụng sớm nhất. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh rút kinh nghiệm trong công tác lập hồ sơ, quản lý thi công xây dựng, đưa vào khai thác dự án còn chậm và chưa đáp ứng nhu cầu đặt ra của ngành Y tế và của các địa phương.
Giao UBND các huyện, thành phố làm chủ đầu tư đối với các dự án đầu tư hoặc nâng cấp sửa chữa các trạm y tế trên địa bàn các huyện, thành phố trong giai đoạn 2021-2030, trước mắt là giai đoạn 2021-2025. Lãnh đạo tỉnh giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, TP.Long Khánh, TP.Biên Hòa tổ chức rà soát nhu cầu, thứ tự ưu tiên để đề xuất đầu tư xây dựng hoặc nâng cấp sửa chữa các trạm y tế giai đoạn 2021-2025, khái toán sơ bộ kinh phí đầu tư, lập danh mục cụ thể gửi Sở KH-ĐT trong tháng 11-2021. Trên cơ sở danh mục dự án do Sở Y tế đề xuất, giao Sở KH-ĐT chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổng hợp tham mưu UBND tỉnh xử lý trong tháng 11-2021.
Riêng việc đầu tư và cải tạo, nâng cấp các trung tâm y tế huyện, đối với trung tâm y tế các huyện: Định Quán, Cẩm Mỹ, Long Thành, Nhơn Trạch, TP.Biên Hòa, UBND tỉnh giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh khẩn trương thực hiện hoàn chỉnh hồ sơ, đảm bảo đủ điều kiện để khởi công dự án trong thời gian sớm nhất, kịp thời phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh của ngành Y tế.
Đối với Trung tâm Y tế H.Thống Nhất nói riêng và các huyện còn lại, giao Sở Y tế rà soát lại cơ sở vật chất và việc quản lý sử dụng trong tình hình dịch bệnh Covid-19 có khả năng còn tiếp diễn để tổng hợp đề xuất nâng cấp, sửa chữa cho phù hợp.
* Thu hút nhân lực chất lượng cao về tuyến cơ sở
Trả lời các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV vừa qua, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, để củng cố, hoàn thiện tổ chức của mạng lưới y tế cơ sở, Bộ Y tế sẽ rà soát hệ thống văn bản về hệ thống y tế cơ sở để sửa đổi, bổ sung kịp thời, tạo sự thống nhất, ổn định về tổ chức bộ máy và hoạt động của y tế cơ sở.
Việc hoàn thiện tổ chức mạng lưới y tế cơ sở sẽ theo hướng trung tâm y tế huyện đa chức năng, quản lý toàn diện và điều phối nguồn lực cho y tế trên địa bàn huyện. Nghiên cứu đề xuất thành lập trạm y tế theo cụm dân cư và quy mô dân số; thí điểm trung tâm y tế huyện thuộc UBND huyện quản lý; sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị y tế tuyến cơ sở đảm bảo thực hiện theo nguyên lý y học gia đình, thúc đẩy sự phối hợp giữa các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập và giữa các tuyến y tế, cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên tục và lồng ghép.
Đồng thời, xác định phạm vi cung ứng dịch vụ của mạng lưới y tế cơ sở, trong đó xem xét đến tính đặc thù, phù hợp với các vùng, miền khác nhau. Sửa đổi, bổ sung gói dịch vụ y tế cung cấp tại y tế cơ sở kèm theo đơn giá/định mức dịch vụ làm cơ sở để phân bổ ngân sách dựa trên kết quả hoạt động và kết quả đầu ra, đảm bảo cung ứng đủ thuốc, trang thiết bị cơ bản cho y tế cơ sở, đẩy mạnh quản lý một số bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế xã.
Cùng với đó, tăng cường đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh chuyển giao kỹ thuật từ tuyến trên xuống cơ sở. Đổi mới cơ chế tài chính cho hoạt động của y tế cơ sở để đảm bảo sự hỗ trợ bền vững về tài chính cho y tế cơ sở thông qua cơ chế cung ứng dịch vụ được bảo hiểm y tế hay ngân sách nhà nước thanh toán.
Bộ cũng sẽ tiếp tục đào tạo và đào tạo lại để đáp ứng đủ số lượng cán bộ y tế các tuyến theo yêu cầu của công tác phòng, chống dịch, đặc biệt chú trọng và tăng cường đào tạo cán bộ y tế các chuyên khoa. Tiếp tục triển khai các đề án đào tạo nhân lực y tế cho vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa; từng bước đảm bảo số lượng và chất lượng nhân lực y tế đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân tại tuyến cơ sở, vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa.
Bộ trưởng Y tế NGUYỄN THANH LONG cho hay: “Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục nâng cao năng lực cho hệ thống y tế dự phòng và y tế cơ sở để thực hiện tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân; nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh gắn với đổi mới y tế cơ sở. Thực hiện đãi ngộ xứng đáng đối với cán bộ y tế; có các chính sách đủ mạnh để khuyến khích người có trình độ chuyên môn làm việc tại y tế cơ sở, các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, biên giới, hải đảo và trong lĩnh vực y tế dự phòng”. |
Hạnh Dung