Để giúp người nhiễm HIV/AIDS không bị gián đoạn việc điều trị, ổn định sức khỏe nhằm chống chọi với nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, nhiều tháng qua, Khoa Phòng chống HIV/AIDS (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh - CDC Đồng Nai), cùng các nhóm đồng đẳng đã có nhiều cách làm sáng tạo trong hoạt động điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS.
Để giúp người nhiễm HIV/AIDS không bị gián đoạn việc điều trị, ổn định sức khỏe nhằm chống chọi với nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, nhiều tháng qua, Khoa Phòng chống HIV/AIDS (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh - CDC Đồng Nai), cùng các nhóm đồng đẳng đã có nhiều cách làm sáng tạo trong hoạt động điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS.
BS CKI Vũ Thị Ngọc, Khoa Phòng chống HIV/AIDS tư vấn cho một bệnh nhân về cách phòng tránh lây nhiễm Covid-19. Ảnh: Phương Liễu |
“Những người nhiễm HIV như tôi, sức đề kháng rất kém nên nguy cơ lây nhiễm các bệnh qua đường hô hấp rất cao, trong đó có virus SARS-CoV-2. Trong thời gian thực hiện phong tỏa, cách ly y tế, nhờ thuốc điều trị ARV được chuyển đến tận nơi, kịp thời nên tôi đã “chống chọi” qua được đợt dịch bệnh” - anh P.T.Q. (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa), một người sống chung với HIV đã 8 năm cho biết.
* Dịch bệnh không làm gián đoạn điều trị bằng thuốc ARV
Đến nay, dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát, hoạt động của Khoa Phòng, chống HIV/AIDS cũng đã mở cửa đón bệnh nhân trở lại điều trị.
Có mặt tại phòng khám vào ngày đầu tuần, anh P.T.Q. cho biết, anh rất vui khi vượt qua được thời điểm dịch bệnh bùng phát. Anh Q. kể, khi khu vực nhà anh bị phong tỏa vào ngày 15-7, anh chỉ còn vài ngày thuốc ARV. Vợ anh làm việc “3 tại chỗ” ở công ty, bị nhiễm virus SARS-CoV-2 nên được đưa đi cách ly y tế tập trung. Anh là F1, lại nhiễm HIV nên được cách ly tại nhà. Những ngày đó, anh rất chới với, lo sợ, bởi nếu hết thuốc ARV, điều trị gián đoạn, sức đề kháng sẽ suy giảm, nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 cao, tính mạng của anh sẽ bị đe dọa.
“Lo lắng, tôi đã gọi điện cho một bác sĩ ở Khoa Phòng, chống HIV/AIDS. Bác sĩ tư vấn cho tôi cách chăm sóc sức khỏe tại nhà và cho biết sẽ bằng mọi cách gửi thuốc ARV đến cho tôi tiếp tục điều trị. 3 ngày sau, số lượng thuốc ARV dùng trong 2 tháng đã được gửi đến nơi tôi sinh sống. Nhờ đó, việc điều trị HIV của tôi không bị gián đoạn, tôi có đủ sức khỏe vượt qua dịch bệnh” - anh Q. chia sẻ.
Gần chục năm sống chung với HIV, ông T.C.T. (ngụ xã Thiện Tân, H.Vĩnh Cửu) hiện vẫn khỏe mạnh. Mỗi tháng một lần, ông đều đến Khoa Phòng chống HIV/AIDS để khám bệnh và lấy thuốc về uống. Những ngày dịch bệnh Covid-19 bùng phát, khu vực ông sinh sống không bị phong tỏa, nhưng vào tháng 7-2021, trụ sở CDC Đồng Nai (thuộc P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) lại nằm trong khu vực thiết lập cách ly y tế nên ông không thể vào khám bệnh, lấy thuốc. Thế nhưng, tháng đó ông được báo tin đến chốt kiểm soát phòng dịch giữa P.Trảng Dài (TP.Biên Hòa) với xã Thiện Tân (H.Vĩnh Cửu) để nhận thuốc ARV ở đây. Vì thế, trong suốt mấy tháng dịch bệnh diễn ra căng thẳng, ông vẫn được điều trị bằng thuốc ARV đầy đủ.
Theo chị L.T.H., một bệnh nhân HIV ngụ P.Tân Phong, yếu tố sống còn của người có HIV/AIDS là uống thuốc ARV đầy đủ, đúng giờ, không để điều trị bị gián đoạn vì có thể gây ra tình trạng kháng thuốc, dẫn tới điều trị thất bại. Bởi thế, trong thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn ra, chị H. cũng như nhiều bệnh nhân HIV khác từng lo lắng khi cách ly, phong tỏa kéo dài có thể làm gián đoạn việc điều trị, gây ra những hậu quả tiêu cực cho sức khỏe. Song, nhờ sự hỗ trợ của các đồng đẳng viên, thuốc ARV đã được đưa đến tận các chốt kiểm soát phòng dịch, chị chỉ việc ra ký nhận thuốc về uống.
* Nỗ lực hỗ trợ người bệnh
Hiện 8 phòng khám và điều trị HIV/AIDS trong toàn tỉnh đã trở lại hoạt động và đang điều trị ngoại trú cho khoảng 5 ngàn người nhiễm HIV/AIDS. Riêng phòng khám tại trụ sở chính phụ trách điều trị ngoại trú cho khoảng 2 ngàn người nhiễm trong và ngoài tỉnh, trong đó có nhiều bệnh nhân rải rác thuộc các tỉnh, thành lân cận như: Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận và TP.HCM...
Bệnh nhân đến chốt kiểm soát phòng dịch ở khu vực giáp ranh giữa TP.Biên Hòa và H.Vĩnh Cửu để ký nhận thuốc ARV về điều trị tại nhà thời điểm thực hiện giãn cách xã hội. Ảnh: Phương Liễu |
Vì nhiều lý do, nhiều bệnh nhân HIV/AIDS không thể đến khám bệnh và điều trị trực tiếp. Để đảm bảo người bệnh không bị gián đoạn trong điều trị, lãnh đạo, đội ngũ nhân viên y tế Khoa Phòng chống HIV/AIDS đã triển khai nhiều giải pháp để bệnh nhân được thăm khám, tiếp cận nguồn thuốc, không để ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng người nhiễm.
BS CKI Nguyễn Xuân Quang, Trưởng khoa Phòng chống HIV/AIDS chia sẻ, thời gian trước đây, khi toàn tỉnh thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh, Khoa đã lập một chốt khu vực giáp ranh giữa P.Trảng Dài (TP.Biên Hòa) và xã Thiện Tân (H.Vĩnh Cửu). Tại chốt này, bác sĩ và nhân viên y tế trực từ 6-18 giờ để tư vấn, khám bệnh và cấp thuốc cho người bệnh. Hiện nay, dù nhiều nơi không còn bị phong tỏa, cách ly y tế nhưng nhiều người bệnh về quê trong đợt vừa rồi chưa vào hoặc bị kẹt lại tại những nơi đang bị phong tỏa chưa trở lại khám và lấy thuốc định kỳ.
“Đối với những trường hợp này, nếu được sự đồng ý của người bệnh, Khoa sẽ cử người liên lạc với phòng khám HIV gần nơi bệnh nhân đang ở, sau đó chuyển thông tin điều trị của bệnh nhân về nơi đó, để người bệnh không bị gián đoạn trong điều trị” - BS Nguyễn Xuân Quang cho biết.
Ngoài ra, Khoa Phòng chống HIV/AIDS cũng cử nhân viên đem thuốc đến các trạm y tế phường, xã để gửi cho bệnh nhân nếu người bệnh đồng ý nhận thuốc ARV theo kênh này hoặc gửi thuốc cho bệnh nhân qua đường bưu điện. Thường thì thuốc ARV được cấp 1 tháng, nhưng thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, Cục Phòng chống HIV/AIDS cho các phòng khám cấp 3 tháng thuốc ARV cho bệnh nhân để họ không phải đi lại nhiều lần, bảo đảm phòng, chống dịch. Chính nhờ sự nỗ lực, áp dụng nhiều hình thức cấp phát linh động của Khoa mà thuốc đến tay bệnh nhân rất kịp thời.
Bên cạnh những nỗ lực của lãnh đạo, nhân viên Khoa Phòng chống HIV/AIDS, còn có sự tham gia nhiệt tình của mạng lưới đồng đẳng viên làm công tác hỗ trợ người nhiễm. Là một trong những người hoạt động rất nhiệt tình, anh M.N.S., Trưởng Nhóm Xuân Hợp (TP.Biên Hòa) cho hay: “Nhờ sự tin tưởng và hỗ trợ rất nhiệt tình của các bác sĩ, nhân viên y tế các phòng khám HIV, nhóm đã cử một số thành viên nhận thuốc tại các cơ sở rồi chạy đi giao cho bệnh nhân tại các chốt phong tỏa, hoặc gửi theo đường bưu điện. Hiện nay, nhóm đang nhận hỗ trợ, chuyển thuốc cho 45 bệnh nhân trong toàn tỉnh”.
Là người vừa khám bệnh, vừa làm công tác tư vấn, từ khi làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 bùng phát từ cuối tháng 4-2021 đến nay, mỗi ngày BS Vũ Thị Ngọc đã tiếp nhận và giải đáp từ 100-150 lượt cuộc gọi của bệnh nhân HIV/AIDS trong và ngoài tỉnh.
Theo BS Ngọc, vấn đề bệnh nhân quan tâm nhiều nhất vẫn là nhiễm HIV đồng nhiễm Covid-19; người nhiễm HIV có nên tiêm vaccine ngừa Covid-19; làm gì để tránh lây nhiễm Covid-19 khi phải đi làm tại công ty; khi đi tiêm vaccine có cần phải khai mình là người nhiễm HIV không... Những lo lắng của người nhiễm cũng là điều dễ hiểu. Căn cứ vào tình trạng bệnh của người nhiễm, BS Ngọc đã kịp thời giải đáp mọi thắc mắc của bệnh nhân, giúp người bệnh yên tâm điều trị và biết cách phòng tránh lây nhiễm Covid-19 trong quá trình sinh hoạt và lao động, làm việc.
BS CK1 NGUYỄN XUÂN QUANG, Trưởng khoa Phòng chống HIV/AIDS khuyến cáo, để tăng sức đề kháng cho bệnh nhân HIV/AIDS trong đợt dịch Covid-19, ngoài việc ăn uống đủ chất, nghỉ ngơi đủ giấc, tập luyện thể thao thì việc quan trọng nhất mà các bệnh nhân phải làm là tuân thủ điều trị thuốc ARV. Khi tuân thủ điều trị, sức đề kháng tăng lên, người nhiễm HIV sẽ kháng được nhiều bệnh, trong đó có virus SARS-CoV-2 (một loại virus lây qua đường hô hấp) vốn là kẻ thù số một của những người đã nhiễm HIV/AIDS. |
Phương Liễu