Để có thể chiến thắng dịch bệnh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, toàn quốc chuyển công tác phòng dịch Covid-19 từ phòng ngự là chính sang kết hợp hài hòa giữa phòng ngự và tấn công, lấy tấn công là chính, tiến tới dập dịch Covid-19.
Việt Nam đang phải đối mặt với đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 (bắt đầu từ ngày 27-4) với rất nhiều khó khăn như: sự lây lan nhanh của các biến chủng virus SARS-CoV-2, mầm bệnh đã xuất hiện trong cộng đồng. Để có thể chiến thắng dịch bệnh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, toàn quốc chuyển công tác phòng dịch Covid-19 từ phòng ngự là chính sang kết hợp hài hòa giữa phòng ngự và tấn công, lấy tấn công là chính, tiến tới dập dịch Covid-19.
Xét nghiệm SARS-CoV-2 ở Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Ảnh: Hạnh Dung |
Bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, tỉnh Đồng Nai đã và đang có nhiều cách làm sáng tạo, chủ động không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, đảm bảo thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Bài 1: Chặn đứng nguồn lây trong cộng đồng
Sau hơn nửa tháng ghi nhận ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng ở TP.Long Khánh liên quan đến ổ dịch tại Đà Nẵng, tỉnh Đồng Nai không ghi nhận thêm bất kỳ ca nhiễm thứ phát nào. Tất cả các trường hợp F1, F2 của ca bệnh đều đã có kết quả xét nghiệm 3 lần âm tính với SARS-CoV-2.
* Chạy đua với thời gian, thần tốc truy vết
Mã số bệnh nhân 2999 sẽ còn được người dân TP.Long Khánh nhớ mãi bởi đây là ca bệnh Covid-19 đầu tiên của thành phố sau hơn 1,5 năm xuất hiện dịch bệnh trong cả nước và là ca lây nhiễm trong cộng đồng đầu tiên sau hơn 8 tháng tỉnh Đồng Nai không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.
BS Trịnh Bửu Lễ, Giám đốc Trung tâm Y tế TP.Long Khánh chia sẻ, xác định việc điều tra, truy vết ca bệnh là mấu chốt để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh nên trong vòng 24 giờ, dưới sự chỉ đạo, hỗ trợ của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, TP.Long Khánh đã khẩn trương huy động các lực lượng để hoàn thành cơ bản các yêu cầu đề ra trong công tác điều tra, truy vết, khoanh vùng, cách ly. Anh em làm việc cật lực, xuyên đêm không nghỉ, “chạy đua” với thời gian để hạn chế thấp nhất sự lây lan của dịch bệnh.
Tính đến nay, tỉnh Đồng Nai ghi nhận 30 ca nhiễm Covid-19 (gồm 4 ca lây nhiễm trong cộng đồng, 26 ca nhập cảnh từ nước ngoài được cách ly ngay). Trong số 30 ca bệnh có 22 trường hợp đã được điều trị khỏi, xuất viện, còn 8 trường hợp đang được điều trị tại Bệnh viện Phổi Đồng Nai. Các bệnh nhân sức khỏe ổn định, không có dấu hiệu của bệnh đường hô hấp. |
BS Trần Thị Thúy Nguyệt, Trưởng trạm Y tế P.Xuân Thanh (TP.Long Khánh) kể, sau khi bà B.T.T. (ca bệnh số 2999) đến trạm y tế khai báo về việc mới trở về từ Đà Nẵng và có tiếp xúc với người tiếp xúc với ca bệnh Covid-19 ở Đà Nẵng, nhân viên y tế của trạm đã xếp bà T. vào diện F2, có nguy cơ nhiễm bệnh cao, yêu cầu bà T. cách ly tại nhà. Ngay trong sáng 4-5, các tổ phòng, chống Covid-19 cộng đồng của phường được kích hoạt, lực lượng chức năng đã đến nhà bà T. để điều tra, truy vết những người có tiếp xúc với bà T., lấy mẫu bệnh phẩm để gửi đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh làm xét nghiệm.
“Tối 4-5, nhận được kết quả bà T. dương tính với SARS-CoV-2, toàn thể nhân viên trạm y tế gồm 7 người ngay lập tức phối hợp với lực lượng công an, các tổ phòng, chống Covid-19 cộng đồng thực hiện điều tra, truy vết các trường hợp thuộc diện F1, F2; mở rộng điều tra các trường hợp F3; phối hợp phong tỏa khu vực nhà bà T., không cho người dân đến gần. Đến tận 3 giờ sáng hôm sau, chúng tôi mới hoàn tất các công việc như phối hợp đưa bà T. và 8 đối tượng F1 đi cách ly tập trung, phun thuốc khử khuẩn ở những nơi bà T. lui tới, làm báo cáo gửi các đơn vị liên quan…” - BS Nguyệt cho hay.
Cũng thức xuyên đêm để làm nhiệm vụ điều tra, truy vết F1, F2, F3 là các nhân viên y tế, công an, các tổ phòng, chống Covid-19 cộng đồng của P.Xuân An, TP.Long Khánh.
BS Lư Kim Ngân, Trưởng trạm Y tế P.Xuân An kể lại: “Nhận được thông tin về ca dương tính, chúng tôi vào cuộc ngay. Trong đêm 4-5 và những ngày sau đó, tất cả ban, ngành, đoàn thể của phường đã đoàn kết, trên dưới một lòng, đặt nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 lên hàng đầu. Chúng tôi đã điều tra, truy vết được 7 trường hợp F1, 34 F2 và 68 F3. Với phương châm không để “lọt sổ” bất kỳ trường hợp nào, tất cả các anh chị em đã nỗ lực làm suốt đêm, “chạy đua” với thời gian để đưa các F1, F2 nguy cơ cao đi cách ly, F3 cách ly tại nhà. Bởi chúng tôi hiểu, nếu lơ là, chậm trễ, để đến sáng hôm sau, các F1, F2, F3 di chuyển đến nơi khác, tiếp xúc với những người khác, việc điều tra, truy vết, dập dịch sẽ vô cùng khó khăn”.
* Trắng đêm làm xét nghiệm
Là người trực tiếp lấy mẫu bệnh phẩm của ca bệnh số 2999, kỹ thuật viên Nguyễn Mạnh Hảo, Trưởng khoa Xét nghiệm Trung tâm Y tế TP.Long Khánh cho hay, trước ca bệnh này, anh đã thực hiện lấy nhiều mẫu bệnh phẩm đối với các ca F1, F2 trên địa bàn thành phố. Do đó, anh thực hiện nghiêm việc mặc đồ bảo hộ để lấy mẫu theo đúng quy định. Cũng trong bộ đồ bảo hộ kín từ đầu đến chân, kỹ thuật viên Nguyễn Mạnh Hảo cùng đồng nghiệp đã lấy gần 300 mẫu bệnh phẩm của các trường hợp F1, F2 và những người dân sống trong khu vực phong tỏa tại KP.2, P.Xuân Thanh - nơi ở của bệnh nhân B.T.T.
Kỹ thuật viên Khoa Xét nghiệm Trung tâm Y tế TP.Long Khánh lấy mẫu xét nghiệm lần thứ 3 cho các đối tượng F1, F2 của ca bệnh số 2999 trong khu cách ly tập trung. Ảnh: H.Dung |
“Ngoài việc lấy mẫu xét nghiệm theo định kỳ đối với người đang cách ly tập trung, bất kể khi nào có ca nghi ngờ mắc Covid-19, được lãnh đạo điều động, chúng tôi đều sẵn sàng lên đường” - anh Hảo nói.
Sau khi mẫu bệnh phẩm được các địa phương chuyển đến, các kỹ thuật viên, nhân viên y tế của 3 phòng xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2 của tỉnh là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất lại khẩn trương làm nhiệm vụ.
Quy trình xét nghiệm SARS-CoV-2 trong phòng xét nghiệm là sắp xếp mẫu, đánh code, đưa vào phòng tách chiết để tách chiết bộ gen của SARS-CoV-2, pha hóa chất, đặt phản ứng PCR, chạy máy và phân tích kết quả.
Từ đầu dịch đến nay, tỉnh Đồng Nai đã thực hiện xét nghiệm hơn 67,3 ngàn mẫu bệnh phẩm. Trong đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thực hiện hơn 22,9 ngàn mẫu, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai thực hiện hơn 24,2 ngàn mẫu, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất thực hiện gần 20 ngàn mẫu. Còn lại do Viện Pasteur TP.HCM và Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM thực hiện. |
Kỹ thuật viên Nguyễn Thanh Thế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, trong số các khâu thì khâu tách chiết là quan trọng và vất vả nhất vì phải làm thủ công, cần tập trung cao độ. “Sau hơn 1,5 năm làm công việc này, chúng tôi đã quen với việc thường xuyên phải làm việc thâu đêm trong bộ đồ bảo hộ kín mít và phòng xét nghiệm có nguy cơ lây nhiễm cao. Dù ngày hay đêm, ngày thường hay lễ, tết, chúng tôi đều sẵn sàng làm nhiệm vụ để cho kết quả xét nghiệm nhanh nhất, chính xác nhất. Chúng tôi luôn tự dặn mình phải thực hiện các khâu thật cẩn trọng, không được để ra sơ suất. Bởi chỉ một sơ suất nhỏ trong phòng xét nghiệm, dịch bệnh có thể lây lan ra cộng đồng và ảnh hưởng đến sức khỏe của nhiều người” - kỹ thuật viên Nguyễn Thanh Thế bộc bạch.
TS-BS Nguyễn Sĩ Tuấn, Trưởng khoa Vi sinh Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất chia sẻ, so với 3 đợt dịch trước đây, đợt dịch lần thứ 4 có tính chất và mức độ phức tạp hơn rất nhiều. Chính bởi thế, 10 cán bộ, nhân viên có chứng chỉ thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 của khoa luôn trong tư thế sẵn sàng, căng mình làm nhiệm vụ. Tính chất là mẫu bệnh phẩm đến giờ nào sẽ làm xét nghiệm giờ đó. Nhiều khi kỹ thuật viên vừa mới thực hiện xét nghiệm mẫu cũ xong, thay đồ bước ra khỏi phòng xét nghiệm, có mẫu mới đến lại phải nhanh chóng mặc đồ bảo hộ, nhào vào phòng xét nghiệm để làm tiếp.
“Kết quả xét nghiệm virus SARS-CoV-2 hoàn toàn khác biệt so với làm những xét nghiệm khác. Bởi xét nghiệm này mang tính cộng đồng rất lớn. Việc xác định ca dương tính hay âm tính sẽ kéo theo một chuỗi các hoạt động liên quan đến điều tra, truy vết, khoanh vùng, cách ly, làm xét nghiệm cho những đối tượng liên quan. Vì thế, chúng tôi phải liên tục cập nhật kiến thức, trao đổi thông tin với đồng nghiệp trong tỉnh, Viện Pasteur TP.HCM để đưa ra kết quả cuối cùng đảm bảo an toàn nhất cho cộng đồng” - BS Tuấn tâm sự.
Hạnh Dung
Bài 2: Những người hùng nơi tuyến đầu chống dịch