Ra đời cách đây 16 năm, đến nay Google Maps (Bản đồ Google) đã vượt xa khái niệm về một chiếc bản đồ thông thường, và với việc ứng dụng ngày càng nhiều những công nghệ mới nhất như trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), dữ liệu lớn (Big Data)…, Google Maps đã có những tính năng hữu ích và tiện lợi hơn hẳn so với chính nó cách đây vài năm.
Ra đời cách đây 16 năm, đến nay Google Maps (Bản đồ Google) đã vượt xa khái niệm về một chiếc bản đồ thông thường, và với việc ứng dụng ngày càng nhiều những công nghệ mới nhất như trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), dữ liệu lớn (Big Data)…, Google Maps đã có những tính năng hữu ích và tiện lợi hơn hẳn so với chính nó cách đây vài năm.
Lớp hiển thị thời tiết và chất lượng không khí trên Google Maps giúp bạn biết điều kiện thời tiết, nhiệt độ và chất lượng không khí hiện tại của nơi đến. Nguồn: Google |
* Hướng dẫn đường đi theo thời gian thực (real time)
Người xưa có câu “Đường đi ở trong miệng”, ý nói muốn biết điểm đến ở đâu, đi hướng nào thì cứ… hỏi người xung quanh. Lời dạy không sai, nhưng độ tin cậy của lời nói quả là khá thấp, chưa kể là không tìm ra người để hỏi hay người được hỏi cũng… không biết đường. Chuẩn mực hơn, người ta dùng bản đồ, và tốt nhất là bản đồ số được cập nhật thường xuyên để tiện dụng khi đi trên đường, sử dụng trên thiết bị di động.
Ở thời kỳ đầu tiên của mình, Google Maps là một bản đồ như vậy. Ngoài tính năng như bản đồ giấy bình thường, khi ta xác định điểm đi và điểm đến Google Maps sẽ vạch ra một lộ trình trên bản đồ, đồng thời tính cự ly phải đi.
Không dừng lại ở đó, người dùng muốn biết là đi từ điểm A đến điểm B mất thời gian bao lâu chứ không chỉ là khoảng cách giữa 2 điểm. Câu trả lời không đơn giản là Thời gian = Đường dài/Khoảng cách, mà nó lệ thuộc là đi bằng gì, xe máy hay xe hơi; quãng đường đó có tốt không, trung bình xe đi được bao nhiêu km/giờ; thời điểm mà người dùng đang hỏi có phải giờ cao điểm không, có xảy ra kẹt xe không… Google Maps đã xử lý được tất cả những dữ liệu đó để cho ra đáp án. Nhờ sự phát triển của công nghệ thông tin, đặc biệt là công nghệ Big Data, Google Maps đã gần như tức thời tổng hợp toàn bộ dữ liệu của các phương tiện di chuyển có mặt trên quãng đường ấy trong thời gian xác định, xác định mật độ của các phương tiện di chuyển trên đường hiện thời để tính ra ngay vận tốc trung bình khi di chuyển trên đoạn đường ấy. Google Maps cũng có thể xác định ngay theo thời gian thực những đoạn đường nào trong quãng đường ấy đang xảy ra tắc nghẽn giao thông để người lái xe có thể chọn hướng đi phù hợp.
Như nhiều người đã biết và từng sử dụng, ngay sau đó ta có thể tiếp tục để Google Maps hướng dẫn đi trên đường bằng lời nói (tiếng Việt) để đến nơi một cách thuận tiện nhất.
Đến đây, Google Maps đã vượt quá xa khái niệm của một chiếc bản đồ thông thường để trở thành một người dẫn đường ảo tận tụy và đáng tin cậy. Thế nhưng Google Maps vẫn không ngừng phát triển và họ vừa giới thiệu những ứng dụng công nghệ mới nhất, hầu hết đều ứng dụng AI.
* Chế độ Live View để tìm phương hướng trong nhà
Người ta thường dùng Google Maps để tìm đường đi ở… ngoài đường, nghĩa là nơi có những con đường, có thể định hướng tương đối dễ dàng. Thế nhưng có khi ta ở trong những không gian kín rất rộng, như sân bay hay trung tâm thương mại chẳng hạn, lúc ấy thật khó mà định hướng để tìm lối ra hay đến một vị trí nào đó trong sân bay/trung tâm thương mại nếu dùng Google Maps.
Chế độ Live View của Google Maps vừa ra đời nhằm giúp người dùng khắc phục khó khăn đó nhờ vào các chỉ dẫn thực tế tăng cường (AR). Chế độ Live View được hỗ trợ bởi một công nghệ mang tên bản địa hóa toàn cầu, sử dụng AI để quét hàng chục tỷ hình ảnh trong Street View (Chế độ Xem phố) để hiểu định hướng của bạn. Những tiến bộ mới giúp Google Maps hiểu được độ cao và vị trí chính xác của các vật thể bên trong tòa nhà, để có thể ứng dụng Chế độ Live View cho một số địa điểm khó xác định phương hướng nhất trong khuôn viên như: sân bay, trạm trung chuyển hay trung tâm thương mại.
Nếu bạn đang phải đón máy bay hoặc tàu hỏa, Live View có thể giúp bạn tìm thang máy và thang cuốn gần nhất, cổng, sân ga, nơi nhận hành lý, quầy làm thủ tục, phòng vé, phòng vệ sinh, máy ATM... Các mũi tên và chỉ dẫn đi kèm sẽ chỉ bạn đi đúng đường. Và nếu bạn cần mua nhanh một món đồ nào đó từ trung tâm mua sắm, hãy sử dụng Live View để xem cửa hàng cần tìm ở tầng nào và đường đi đến đó để bạn có thể ra vào trong tích tắc. Chế độ Live View trong nhà hiện đã khả dụng trên Android và iOS tại một số trung tâm thương mại ở Chicago, Long Island, Los Angeles, Newark, San Francisco, San Jose và Seattle. Tính năng này sẽ bắt đầu triển khai trong những tháng tới tại một số sân bay, trung tâm mua sắm và trạm trung chuyển ở Tokyo, Zurich, và thêm nhiều thành phố hơn nữa đang trong quá trình triển khai.
Bên cạnh các tùy chọn đường đi như trước đây, Google Maps sẽ thêm lộ trình “thân thiện môi trường”. Trong ảnh: Ngoài đường đi nhanh nhất mất 15 phút thì Google Maps còn gợi ý đường đi tiết kiệm nhiên liệu nhất (tức ít khí thải ảnh hưởng môi trường nhất) mất 17 phút. Nguồn: Google |
* Có thêm một lớp bản đồ về thời tiết và chất lượng không khí trên Google Maps
Với lớp hiển thị thời tiết mới, bạn có thể nhanh chóng xem các điều kiện thời tiết và nhiệt độ hiện tại cũng như dự báo tại một khu vực. Lớp hiển thị chất lượng không khí mới cho bạn biết mức độ trong lành (hoặc ô nhiễm) của không khí như thế nào - thông tin này đặc biệt hữu ích đối với người bị dị ứng, ở trong khu vực nhiều khói bụi hoặc dễ cháy. Dữ liệu từ các đối tác như The Weather Company, AirNow.gov và Central Pollution Board hỗ trợ cho các lớp hiển thị này và sẽ bắt đầu triển khai trên Android và iOS trong những tháng tới. Lớp hiển thị thời tiết sẽ khả dụng trên toàn cầu và lớp hiển thị chất lượng không khí sẽ bắt đầu ra mắt ở Úc, Ấn Độ và Hoa Kỳ, cùng với nhiều quốc gia hơn nữa trong thời gian tới.
* Có thêm các tùy chọn đi lại thân thiện với môi trường
Đối với mỗi cặp điểm A và B, Google Maps sẽ cho ra vài tùy chọn lộ trình khác nhau với những khoảng cách và thời gian đi khác nhau để người dùng chọn lựa. Sắp tới, bên cạnh những tùy chọn này sẽ có thêm tùy chọn mới gọi là “tùy chọn đi lại thân thiện với môi trường”.
Với những dữ liệu chuyên sâu từ Phòng Thí nghiệm năng lượng tái tạo quốc gia thuộc Bộ Năng lượng Hoa Kỳ, Google đang xây dựng một mô hình định tuyến mới nhằm tối ưu hóa để giảm mức tiêu thụ nhiên liệu dựa trên các yếu tố như độ nghiêng của đường và mức độ tắc nghẽn giao thông. Google Maps sẽ mặc định chọn tuyến đường có lượng khí thải carbon thấp nhất khi nó có cùng thời gian di chuyển dự kiến với tuyến đường nhanh nhất. Trong trường hợp tuyến đường thân thiện với môi trường có thể làm tăng đáng kể thời gian di chuyển của bạn, Google Maps sẽ cho phép bạn so sánh tác động CO2 tương đối giữa các tuyến đường để bạn có thể chọn. Tính năng tuyến đường thân thiện với môi trường sẽ ra mắt ở Hoa Kỳ trên Android và iOS vào cuối năm nay và dần mở rộng ra toàn cầu.
Nhiều thành phố trên thế giới đã thiết lập các khu vực phát thải thấp - khu vực hạn chế các phương tiện gây ô nhiễm như một số xe chạy bằng dầu diesel hoặc xe có dán nhãn khí thải cụ thể - để giúp giữ cho không khí trong lành. Hiện nay, Google đang nghiên cứu các cảnh báo mới để giúp người lái xe hiểu rõ hơn khi lưu thông qua các khu vực này. Bạn có thể nhanh chóng biết liệu phương tiện của mình có được phép lưu thông trong khu vực hay không để lựa chọn phương tiện di chuyển thay thế hoặc đi một tuyến đường khác. Cảnh báo vùng phát thải thấp sẽ ra mắt vào tháng 6 này ở Đức, Hà Lan, Pháp, Tây Ban Nha và Vương quốc Anh trên Android và iOS và thêm nhiều quốc gia khác trong thời gian tới.
Những cải tiến ứng dụng công nghệ mới này của Google Maps có thể chưa có mặt tại Việt Nam (chế độ Live View, lớp bản đồ về thời tiết và chất lượng không khí) hay người Việt chưa cảm thấy cần thiết (tùy chọn đi lại thân thiện với môi trường) nhưng chắc chắn rằng không lâu nữa chúng sẽ trở thành quen thuộc như những tính năng hữu dụng của Google Maps mà ta đang quen dùng hiện nay.
Phạm Hoài Nhân
(tham khảo Google News)