Hậu quả tàn khốc của chất độc hóa học do quân đội Mỹ sử dụng trong cuộc chiến tranh Việt Nam đã để lại những tác động to lớn về môi trường và sức khỏe con người. Đặc biệt, sự tổn thương nặng nề về thể chất, tinh thần của hơn 4,8 triệu người phơi nhiễm và gần 3 triệu người từ những thế hệ tiếp nối đã tạo ra gánh nặng rất lớn cho chính phủ Việt Nam, cộng đồng và cho chính gia đình nạn nhân.
[links()]Hậu quả tàn khốc của chất độc hóa học do quân đội Mỹ sử dụng trong cuộc chiến tranh Việt Nam đã để lại những tác động to lớn về môi trường và sức khỏe con người. Đặc biệt, sự tổn thương nặng nề về thể chất, tinh thần của hơn 4,8 triệu người phơi nhiễm và gần 3 triệu người từ những thế hệ tiếp nối đã tạo ra gánh nặng rất lớn cho chính phủ Việt Nam, cộng đồng và cho chính gia đình nạn nhân.
Đại diện USAID và Việt Nam ký thỏa thuận về khoản tài trợ 65 triệu đô la cung cấp, hỗ trợ trực tiếp cho người khuyết tật nặng (A. Lộc) |
Nhận thức được tác động và hậu quả to lớn này, những năm qua Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách khắc phục hậu quả chất độc hóa học (CĐHH) và hỗ trợ, chăm sóc nạn nhân chất độc da cam (CĐDC). Cùng với đó là sự chung tay xoa dịu nỗi đau da cam của cộng đồng với tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau”...
Trong 5 năm trở lại đây, Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh đã vận động trên 41 tỷ đồng để chăm sóc sức khỏe, xây, sửa nhà ở, vay vốn không lãi, trao học bổng cho con em các gia đình nạn nhân... Chỉ riêng quý I-2021, các cấp hội trong tỉnh đã vận động tiền mặt và hiện vật với giá trị hơn 3,5 tỷ đồng. Trong thời gian này, số tiền 5,8 tỷ đồng từ Quỹ chăm sóc nạn nhân da cam cũng đã được sử dụng để hỗ trợ vốn cho nhiều gia đình nạn nhân làm kinh tế gia đình; tặng hàng ngàn suất học bổng cho con em gia đình nạn nhân, trợ cấp khó khăn đột xuất cũng như giúp chi phí mai táng khi nạn nhân qua đời |
* Nhiều chính sách nhân văn, kịp thời
Thắng lợi mùa xuân 1975 đã khép lại cuộc chiến tranh được coi là dài nhất, khốc liệt nhất lịch sử loài người. Ngay trong những năm đầu sau khi chiến tranh kết thúc, công cuộc kiến thiết đất nước bắt đầu, giữa bộn bề khó khăn, nhưng Đảng và Chính phủ đã rất quan tâm đến hậu quả của CĐHH của Mỹ để lại.
Ngày 15-10-1980, Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) đã có Quyết định số 288-TTg về Thành lập Ủy ban quốc gia điều tra hậu quả chiến tranh hóa học của Mỹ ở Việt Nam, nhằm có một cuộc điều tra cụ thể, đầy đủ những tác động tàn khốc của CĐHH lên con người và môi trường tại những vùng đất mà quân đội Mỹ đã phun rải trong thời gian chiến tranh.
Đặc biệt, ngày 10-1-2004, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) được thành lập như một ngôi nhà chung cho những số phận da cam. Đây là một bước tiến quan trọng, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước với nhiệm vụ khắc phục hậu quả CĐHH, hỗ trợ đời sống tinh thần, vật chất cho các nạn nhân da cam.
Cùng với đó là rất nhiều chủ trương đưa ra các biện pháp mạnh mẽ về chế độ, chính sách và đầu tư kinh phí cho hoạt động hỗ trợ, chăm sóc, chữa trị cho các nạn nhân thông qua những chính sách, chế độ ưu đãi đối với người hoạt động kháng chiến và những người dân bị nhiễm CĐHH như: trợ cấp thường xuyên và đột xuất, hỗ trợ chăm sóc nuôi dưỡng tại cộng đồng, tại các cơ sở bảo trợ xã hội, hỗ trợ học văn hóa, học nghề, học bổng và tìm kiếm việc làm… Đồng thời, Việt Nam cũng tăng cường vận động một số nước, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ tham gia giúp đỡ nạn nhân CĐDC với tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Hai nạn nhân da cam thế hệ thứ 3 (ở phường Phước Tân, TP. Biên Hòa) được chăm sóc y tế (Ảnh P.Liễu) |
Có dịp gặp Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, Phó chủ tịch Trung ương Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin trong một chuyến công tác về Đồng Nai, Thiếu tướng cho biết: “Ngay sau khi được thành lập năm 2004, Hội đã lập dự án “Giúp đỡ các nạn nhân CĐDC trong cuộc sống”. Hiện Hội Trung ương cũng như Hội các cấp đã và đang rất nỗ lực trong việc vận động các nguồn lực để chăm sóc, giúp đỡ các nạn nhân da cam, cũng như tiếp tục tổ chức thu thập hồ sơ, chứng cứ để tiến hành khiếu kiện dân sự các công ty hóa chất của Mỹ ra tòa án quốc tế, tiếp tục đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân da cam.
Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ chia sẻ thêm, hầu hết nạn nhân CĐDC có cuộc sống hết sức khó khăn, thường xuyên phải chịu đau đớn bệnh tật, tổn thất, mất mát về tinh thần. Để kịp thời động viên, xoa dịu nỗi đau da cam, thời gian qua, tuy các chế độ, chính sách của Nhà nước đối với nạn nhân da cam là người hoạt động kháng chiến và con của người hoạt động kháng chiến đã có - nhưng vẫn tiếp tục được sửa đổi, bổ sung để kiện toàn các chính sách tốt nhất, hỗ trợ nhiều nhất cho nạn nhân da cam.
Theo ông Thổ, hiện mức trợ cấp cho nạn nhân CĐDC hằng tháng tăng dần nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu cuộc sống. Do vậy, Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thường xuyên kiến nghị với Đảng, Nhà nước tăng chế độ trợ cấp cho các nạn nhân theo hướng năm sau cao hơn năm trước, nhằm bù đắp phần nào những tổn thương mà các nạn nhân đang phải đối mặt.
Đặc biệt công tác chăm sóc sức khỏe cho nạn nhân da cam rất được quan tâm. Riêng tại Đồng Nai, năm 2020, Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, Hệ thống Tiêm chủng VNVC (thuộc Công ty CP Vacxin Việt Nam), Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cùng Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã phối hợp tổ chức hoạt động khám sức khỏe toàn diện, xét nghiệm, siêu âm cho gần 1 ngàn nạn nhân CĐDC trong toàn tỉnh.
Phó chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam Nguyễn Thị Ngọc Phượng cho hay, công tác khám sức khỏe toàn diện cho các nạn nhân ở Đồng Nai, nhằm giúp cơ quan chức năng sẽ đánh giá tình trạng sức khỏe của các nạn nhân CĐDC trên địa bàn. Nếu phát hiện nạn nhân có bệnh tật cần điều trị, Ban tổ chức sẽ xem xét để hỗ trợ miễn phí. Thông qua chương trình cũng đã phát hiện và điều trị y tế cho khoảng 200 nạn nhân.
* Cùng cộng đồng vào cuộc…
Là nạn nhân ảnh hưởng CĐDC từ người cha tham gia chiến đấu tại chiến trường tây nguyên trở về, những năm qua cuộc sống của gia đình chị Dương Thị Phương Thúy (xã Phú Thịnh, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) rất khó khăn trong cuộc sống khi căn nhà cũ đã xuống cấp trầm trọng. Mới đầu năm 2021, Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh và huyện cũng như có sự hỗ trợ của Đoàn Luật sư tỉnh, sự giúp đỡ của nhiều nhà hảo tâm khác, Căn nhà Nhân ái có diện tích 50m2 khang trang, sạch đẹp đã được trao cho gia đình chị Thúy. “Nhiều năm qua, gia đình tôi đã phải sống trong ngôi nhà xập xệ, nắng dọi, mưa dột. Giờ đây nhờ sự chung tay của các nhà hảo tâm, tôi đã có căn nhà đẹp, an toàn để ở. Tôi rất biết ơn về sự sẻ chia này” - chị Thúy xúc động nói.
Công ty ANCO tặng heo cho những hộ nạn nhân da cam trên địa bàn huyện Cẩm Mỹ để giúp phát triển kinh tế gia đình (Ảnh P.Liễu) |
Chị Thúy không phải là trường hợp hiếm được nhận Căn nhà Nhân ái dành cho nạn nhân CĐDC. Trong những năm qua, hơn 100 Căn nhà Nhân ái - sự chung tay đóng góp của cộng đồng - đã được trao cho những nạn nhân da cam có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nhà ở.
Chiến tranh đã qua đi hơn 45 năm nhưng những hậu quả của nó để lại rất tàn khốc trên đất nước Việt Nam nhỏ bé này. Hàng triệu người dân đã và đang phải hứng chịu nỗi đau chiến tranh qua từng thế hệ, biết bao số phận đã ra đi và còn biết bao số phận đang sống trong đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần. Thấu hiểu nỗi đau này, nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã cùng Chính phủ chung tay chia sẻ nỗi đau với các nạn nhân.
Một trong những doanh nghiệp gắn bó với Hội Nạn nhân chất độc da cam Đồng Nai trong thời gian khá dài và hỗ trợ rất nhiều cho gia đình các nạn nhân, phải kể đến Công ty cổ phần dinh dưỡng nông nghiệp quốc tế (ANCO – Khu công nghiệp Sông Mây, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai).
Quỹ “ANCO đồng hành vì nạn nhân chất độc da cam” được lãnh đạo ANCO khởi xướng từ năm 2007. Nhiều năm đồng hành với nạn nhân da cam, ANCO đã vận động quyên góp được số tiền hơn 5,6 tỷ đồng để hỗ trợ các nạn nhân da cam Đồng Nai cũng như một số địa phương là “điểm nóng” về CĐDC/dioxin.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Đồng Nai, một người nhiều năm gắn bó với hoạt động chăm sóc nạn nhân da cam cũng như đồng hành cùng ANCO, bà cho biết: “ANCO đã đồng hành cùng Hội Nạn nhân chất độc da cam trong rất nhiều chương trình từ thiện “Vượt khó cùng ANCO” như: tặng quà, xây sửa nhà tình thương, trao học bổng, tặng xe lăn, xe lắc … với số tiền từ 500 đến 700 triệu đồng/năm. Tôi rất trân trọng sự chia sẻ của ANCO. Bởi doanh nghiệp không chỉ là đem tiền, quà đến tặng, mà còn giúp đỡ các nạn nhân những chiếc “cần câu” đó là cung cấp heo giống, thức ăn gia súc cho những gia đình nạn nhân để họ phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống. “Tôi đã thấy niềm vui, nụ cười, sự hài lòng trong ánh mắt của nhiều nạn nhân da cam khi nhắc đến ANCO” – bà Hạnh cho hay.
Bà Đào Nguyên, Chủ tịch Hội Nạn nhân da cam tỉnh Đồng Nai cho biết, với nhiệm vụ kết nối và chăm sóc các nạn nhân bị ảnh hưởng bởi CĐDC, Hội đã tập hợp được gần 2 ngàn hội viên và công tác vận động các mạnh thường quân hỗ trợ nạn nhân da cam vẫn đang tiếp tục. Theo bà Nguyên, Hội rất trân trọng tình cảm của các doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân đã sát cánh cùng Hội trong các chuyến đi thăm và hỗ trợ các nạn nhân da cam. Chính những chuyến đi đó, các nhà tài trợ đã tiếp tục gắn bó chặt chẽ với Hội trong việc trợ giúp cho các nạn nhân da cam, thậm chí tăng thêm mức tài trợ và mở rộng phạm vi chương trình nhân đạo của mình. Điều đó thật đáng quý biết bao khi cùng cộng đồng chia sẻ nỗi đau da cam với các nạn nhân.
Phương Liễu
Xem tiếp Bài cuối: Đấu tranh đòi công lý: Hành trình chưa ngơi nghỉ