Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 3: Vươn về phía mặt trời

09:03, 18/03/2021

Cơ thể dị dạng, bệnh tật, khiếm khuyết chức năng... nhiều nạn nhân chất độc da cam (CĐDC) đang phải đối mặt với sức khỏe sa sút, tinh thần tổn thương. Thậm chí có những thân phận da cam phải đối diện với một thực tại ... sống không bằng chết.

[links()]Cơ thể dị dạng, bệnh tật, khiếm khuyết chức năng... nhiều nạn nhân chất độc da cam (CĐDC) đang phải đối mặt với sức khỏe sa sút, tinh thần tổn thương. Thậm chí có những thân phận da cam phải đối diện với một thực tại ... sống không bằng chết.

Cậu bé “chim cánh cụt” Hồ Hữu Hạnh dù bị khuyết đôi tay nhưng em vẫn có thể làm mọi việc bằng đôi chân của mình (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Cậu bé “chim cánh cụt” Hồ Hữu Hạnh dù bị khuyết đôi tay nhưng em vẫn có thể làm mọi việc bằng đôi chân của mình (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Thế nhưng, trên “mảnh đất” khô cằn của những số phận da cam ấy, đã có những nạn nhân không đầu hàng số phận khi như chồi non lách mình trong bụi gai vươn lên với sức sống mãnh liệt. Điều đó chứng minh, dù chất độc hóa học (CĐHH) tàn phá cơ thể, giết chết lý tưởng và hy vọng của nhiều người, nhưng không gì có thể bóp nghẹt được tinh thần nghị lực và ý chí vươn lên.

*  Chuyện của Hạnh “chim cánh cụt”

Ảnh hưởng bởi CĐDC từ người cha, cậu bé Hồ Hữu Hạnh (ở xã Gia Canh, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) sinh ra đã không có đôi tay. Chỉ với đôi chân, Hạnh đã làm được tất cả mọi việc trong nhà và viết tiếp trang đời của mình bằng nghị lực và ý chí. Từ thân phận da cam khiếm khuyết, giờ đây Hạnh đã là một sinh viên năm thứ nhất ngành Công nghệ thông tin của Trường Đại học Lạc Hồng. Nhiều người gọi Hạnh là “Nick Vujicic” của Việt Nam.

Nhớ lại cái ngày Hạnh chào đời, bà Bùi Thị Hợp, mẹ của Hạnh kể, tỉnh dậy sau sinh, bà bồi hồi mong được nhìn mặt con trai yêu quý của mình, nhưng chồng bà cứ lần lữa, ông rưng rưng nước mắt nói dối vợ con còn non nớt nên bác sĩ chưa cho vào với mẹ. Nhưng rồi không giấu được lâu, khi đón con trai, bà Hợp đã ngất đi khi nhìn thấy một đứa bé không có đôi tay...

Hồ Hữu Hạnh giờ đây đã trở thành sinh viên khoa Công nghệ thông tin (Trường ĐH Lạc Hồng) với ước mơ trở thành một Youtuber (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Hồ Hữu Hạnh giờ đây đã trở thành sinh viên khoa Công nghệ thông tin (Trường ĐH Lạc Hồng) với ước mơ trở thành một Youtuber (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Chỉ bằng đôi chân, từ nhỏ Hạnh đã tập làm hết mọi việc từ vệ sinh cá nhân đến những việc lặt vặt trong nhà với tất cả sự hồn nhiên của một đứa trẻ. Dù khiếm khuyết, nhưng ngay từ nhỏ Hồ Hữu Hạnh đã tỏ ra là một cậu bé thông minh khi đòi mẹ cho đi học. Hạnh viết bài, lên bảng làm bài tập bằng những ngón chân linh hoạt không kém gì chúng bạn làm bằng tay. 12 năm ròng rã đến trường, có 8 năm Hạnh tự đạp xe đi học bằng cách tựa vai và cằm vào tay lái, chân mải miết đạp xe từ nhà đến trường rồi từ trường về nhà. Đôi vai của Hạnh chằng chịt vết thương do bị té ngã. Không ít lần bị bạn bè trêu chọc và đặt cho cái tên...chim cánh cụt,  điều đó khiến Hạnh tự ti nhưng không làm em nhụt chí. 12 năm học, Hạnh đều đạt danh hiệu học sinh giỏi.

Bây giờ chàng trai “chim cánh cụt” Hồ Hữu Hạnh đã trở thành một thanh niên trưởng thành, một sinh viên đại học. Trò chuyện với chúng tôi, Hạnh cho biết: “Em không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình và cho chính mình. Theo đuổi học hành là để tự mình lo cho tương lai và cũng muốn gửi thông điệp đến với những người khuyết tật khác rằng, cố gắng nhất định sẽ thành công”.

Mới đây, Hạnh đã được tuyên dương tại Hội nghị Người trẻ nghị lực ở Hà Nội và được mời tham gia chuyến thăm văn phòng của Google tại Singapore. Chuyến đi đã đem đến cho Hạnh những trải nghiệm mới mẻ và tại đây Hạnh được Giám đốc Vùng Việt Nam - Lào - Campuchia của Google ngỏ ý mời đến làm việc sau khi Hạnh hoàn thành chương trình đại học và có thể giao tiếp bằng tiếng Anh. “Đây là một cơ hội rất tốt. Em nhất định sẽ nắm bắt lấy” – Hạnh nói bằng giọng quyết tâm.Hiện nay, ngoài thời gian học tập trung ở giảng đường, Hạnh còn làm thêm marketing online cho một trang thương mại điện tử để vừa có tiền đóng học, vừa tích lũy kinh nghiệm. Ước mơ lớn nhất của Hạnh là làm một Youtuber. Trước khi vào đại học, Hồ Hữu Hạnh đã làm được khá nhiều video, clip và cả những thước phim ngắn đáng yêu, đăng trên kênh Youtube, với mong muốn tiếp thêm năng lượng tích cực cho những ai đang thất vọng, hụt hẫng vì số phận. 

Hai “thầy giáo” đặc biệt Trần Hoài Phi – Trần Hoài Phú luôn rất yêu đời (Ảnh N.Hạnh)
Hai “thầy giáo” đặc biệt Trần Hoài Phi – Trần Hoài Phú luôn rất yêu đời (Ảnh N.Hạnh)

Chia sẻ những khó khăn, Hạnh tâm sự: “Khi còn nhỏ chân em ngắn và dẻo. Giờ lớn, chân cũng dài và cứng hơn nên thao tác không còn được dễ dàng như trước. Song, mỗi khi nhìn về tấm gương nghị lực của Nick Vujicic, “chiến binh” không tay không chân người Úc nổi tiếng thế giới, Hạnh lại thấy mình mình may mắn hơn khi còn đôi chân để đi lại, chạy nhảy. Hạnh muốn chứng minh một điều, dù số phận trớ trêu, nhưng với nghị lực vươn lên thì không có việc gì là... không thể.

* “Tàn” nhưng không ... “phế”

Đã 20 năm nay lớp học tại nhà của hai “thầy giáo” đặc biệt Trần Hoài Phú, Trần Hoài Phi (xã Long Giao, huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai) chưa bao giờ vắng bóng học trò.  Sinh ra với thân thể không bình thường bởi di chứng từ CĐDC, nhưng hai anh em Hoài Phú – Hoài Phi luôn lạc quan, sống có ích cho mình và mọi người.

Trần Hoài Phú chào đời năm 1982 trong niềm hạnh phúc của cha mẹ. Cùng 2 anh chị của mình, Phú lớn lên như những đứa trẻ bình thường khác. Nhưng rồi lên 7,  sức khỏe của Phú kém dần khi tay chân em có biểu hiện co rút, cột sống bắt đầu cong vẹo và gù lên... Những biến chứng mỗi ngày một nặng khiến Phú từ một bé trai xinh xắn, thông minh, nghịch ngợm thành một đứa trẻ tật nguyền phải nằm ngồi một chỗ với hình hài thảm hại. Nhiều năm chữa trị tốn kém nhưng tình trạng thương tật của Phú không cải thiện, mẹ em – bà Hoàng Thị tuyết phải đành bỏ cuộc. Thương con, bà Tuyết chỉ còn biết dành thời gian để tập vật lý trị liệu với hy vọng tình trạng tật nguyền của con sẽ giảm bớt phần nào.

Không lâu sau, bà Tuyết sinh thêm một đứa con trai nữa và rồi nỗi đau lại ập đến khi Nguyễn Hoài Phi lại “nối gót” anh trở thành đứa trẻ tật nguyền. Đau đớn cùng cực khi cuộc sống vốn khó khăn và chỉ trong một khoản thời gian ngắn bà đã bị CĐDC “bắt” mất hai đứa con trai. Nhìn các con tật nguyền, không có cuộc sống bình thường như bao đứa trẻ khác, lòng bà đau đớn nhọc nhằn nhưng vẫn đong đầy sự yêu thương của một người mẹ dành cho con mình.

Hai “thầy giáo” đặc biệt Trần Hoài Phi – Trần Hoài Phú luôn rất yêu đời (Ảnh N.Hạnh)
Cô gái Nguyễn Thị Hiên (bìa phải) – một nạn nhân da cam vươn lên bằng nghị lực (Ảnh nhân vật cung cấp)

Thấy hai con muốn đi học, bà Tuyết quyết đưa các em đến trường để mong con được hòa nhập với bạn bè. Hành trình cõng con đi học của bà Tuyết cũng thật gian truân, đã  tạo nên sự xúc động mạnh với nhiều người khi biết chuyện của bà. Bởi, tuy dị tật làm cho sinh hoạt, di chuyển của hai anh em Hoài Phú – Hoài Phi gặp nhiều khó khăn, nhưng hai cậu bé luôn là học sinh giỏi. Nhờ thành tích học tập nổi bật, nhiều người trong xóm đưa con đến nhờ Phú và Phi kèm thêm việc học. Căn nhà chật chội, học trò đông dần,  thầy và trò đã  phải dời tạm ra  khoảnh sân phía trước.  Thương hai “thầy giáo” tận tâm, thương lũ học trò nghèo hiếu học, năm 2009, một mạnh thường quân đã xây cho hai “thầy giáo” một gian nhà nhỏ sạch sẽ để làm chỗ dạy học. Và cứ thế, hai  “thầy giáo” đặc biệt cùng nhiều thế hệ học trò gắn bó cùng nhau vượt qua nghịch cảnh.

May mắn hơn Hoài Phú – Hoài Phi, bằng nghị lực mạnh mẽ, cô gái nhỏ nhắn Nguyễn Thị Hiên (P.Hố Nai,TP.Biên Hòa) – một nạn nhân da cam đã trở thành một thành viên tích cực của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Đồng Nai, trở thành động lực và “chia lửa” với những số phận da cam đồng cảnh ngộ.

Mang di truyền CĐDC từ cha trong thời chiến tranh chống Mỹ cứu nước, chưa đầy 1 tuổi, Hiên đã bị teo chân trái và yếu dần chân phải. Không bao lâu thì cả hai  chân mất kiểm soát khiến Hiên chỉ có thể lết  đi. Đến tuổi đi học, ngày ngày đến trường trên lưng mẹ, Hiên lại càng hiểu rằng mình sẽ là gánh nặng nếu như không nỗ lực vươn lên. Năm lên 10 tuổi, Hiên được phẫu thuật và nỗ lực tập luyện, Hiên đã có thể đi lại trên đôi chân của mình dù khó khăn, dù té ngã như cơm bữa. Nhưng không vì thế mà ngăn được cô bé bước đi và truyền cảm hứng cho những số phận tủi nhục vì di chứng da cam.

Được tham gia Dự án Cải thiện cuộc sống người khuyết tật do một tổ chức phi chính phủ triển khai tại Đồng Nai, Hiên đã có sự nhìn nhận khác về khả năng của người khuyết tật rằng, người khuyết tật thể “tàn” nhưng với ý chí và nghị lực thì nhất định không thể ... “phế”. Trong suốt 3 năm tham gia, Hiên cùng dự án hỗ trợ hàng trăm người khuyết tật học nghề, rèn luyện kỹ năng, nhiều người trong số này đã tìm được việc làm và duy trì công việc ổn định. Đó là hạnh phúc rất lớn của cô bé – Hiên tâm sự.

Bà Đào Nguyên, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh cho biết, Đồng Nai là một trong những tỉnh có số lượng nạn nhân da cam nhiều nhất cả nước. Hiện nay trên địa bàn đã có những thế hệ thứ 4 ra đời bị ảnh hưởng bởi CĐDC. Tuy nhiên, nhiều người trong số họ không đầu hàng số phận. Họ đã sống, làm việc chăm chỉ và sáng tạo, không những ổn định cuộc sống của mình mà còn có thể giúp đỡ người khác

Phương Liễu

Xem tiếp Bài 4: Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam

 

Tin xem nhiều