Cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam kéo dài gần 15 năm, dù đã huy động sức mạnh quân sự tối tân và hiện đại, nhưng quân đội Mỹ đã thua. Cuộc chiến có quy mô lớn nhất, dài ngày nhất, gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người đã khép lại.
[links()]Cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam kéo dài gần 15 năm, dù đã huy động sức mạnh quân sự tối tân và hiện đại, nhưng quân đội Mỹ đã thua. Cuộc chiến có quy mô lớn nhất, dài ngày nhất, gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người đã khép lại.
Từ chiến trường trở về, nhiều người lính cách mạng đã không biết mình mang theo cả “bóng ma” chất độc da cam về để rồi di truyền chết sang cho những đứa con (Ảnh TTXVN) |
Hàng triệu quân giải phóng và dân thường đã ngã xuống. Trong số những người lính giải phóng may mắn trở về và cả những thường dân vô tội đã không hề biết trong cơ thể mình nhiễm chất độc hủy diệt kia. Sự nghiệt ngã đeo bám lấy họ cùng những thế hệ con cháu họ cho đến tận bây giờ khi chiến tranh đã đi qua 46 năm...
* Người lính và sự trở về nghiệt ngã…
Chiến tranh kết thúc, nhiều đồng đội nằm lại ở chiến trường, ông Phạm Văn Tạo (ở xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) may mắn lành lặn trở về. Mấy năm sau, ông lấy vợ nhưng không có con và ông cũng không biết rằng, CĐHH của quân đội Mỹ ngày nào nơi chiến trường đã hủy diệt những mầm sống trong ông. Chưa hết đau đớn bởi căn bệnh vô sinh, vừa chạm tuổi 50, ông đã ra đi vì căn bệnh ung thư máu.
Bà Nguyễn Thị Xuyến – vợ ông - cho chúng tôi xem những dòng nhật ký đã nhòe mực của ông Tạo viết 26 năm trước. Nước mắt bà không ngừng chảy khi nhìn lên tấm di ảnh của ông trên bàn thờ. “... Sau trận đánh ác liệt đó, đồng đội tôi nằm lại ở chiến trường khá nhiều. Số còn lại tiếp tục tiến về phía trước. Nhưng tôi không bao giờ biết kể từ ngày ấy, những thế hệ mới, nguyên vẹn trong tôi và đồng đội tôi sẽ không bao giờ được thành hình khi hứng chịu thứ chất độc hóa học chết người ấy...”...
“...Những năm tháng ở chiến trường, cái chết luôn rình rập, nhưng chúng tôi chẳng hề run sợ. Nhưng giờ đây tôi thấy sợ cái “bóng ma” hậu chiến đã đeo bám tôi và đồng đội tôi nhiều năm qua... “, “...Tôi đã run lên khi đọc thư của một đồng đội cũ: “… Mình đã vô cùng đau đớn và sợ hãi khi vợ mình vừa sinh ra một đứa bé không có mắt, không có tay nhưng lại có đến 3 cái chân. Thế đấy Tạo ơi, chiến tranh đã đi qua nhiều năm. Trên những mảnh đất bom cày đạn xới ngày nào giờ cũng đã xanh tươi … Nhưng đồng đội mình, nỗi buồn chiến tranh vẫn đeo đẳng mãi trong từng thân phận…”...
Ông Tạo là một trong số 13 ngàn nạn nhân chất độc da cam của Đồng Nai đã phải sống những tháng ngày leo loét, khổ đau trước khi cuộc đời khép lại bằng một căn bệnh hiểm nghèo. Đồng đội của ông ở K8 (Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 3, Sư đoàn 324B - ông Nguyễn Văn Trường (xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) trở về từ chiến trường với tỷ lệ thương tật 40%. Về đời thường, ông Trường lấy vợ, mơ ước một gia đình nhỏ hạnh phúc. Nhưng rồi ông đã phải đối diện với thực tế phũ phàng khi 3 thế hệ trong gia đình ông đều bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam ông mang về từ cuộc chiến.
Ngày đứa con đầu lòng chào đời, ông Trường đã rất hạnh phúc. Nhưng hy vọng ấy vụt tắt khi con ông mang trên mình rất nhiều dị tật. Mấy năm sau, vợ ông sinh thêm một người con trai, rồi lại thêm một người con gái nữa nhưng cả hai cũng đều bị dị tật, gù lưng, vẹo cột sống, hai chân quặt quẹo và phải nằm một chỗ. Buồn hơn là 2 đứa cháu ngoại của ông ra đời cũng bị liệt bẩm sinh một bên chân. Năm 2007, Hội đồng giám định y khoa tỉnh Đồng Nai đã xác định ông bị nhiễm chất độc da cam ở mức 69%, 3 đứa con của ông nhiễm từ 40-72%. Ông Trường buồn bã: “Nhìn thấy con, cháu mình trong hình hài dị tật, tôi xót xa vô cùng. Chẳng biết cái chất độc quái ác ấy còn đeo đuổi đến tận bao giờ ...”.
Hai cha con ông Trương Văn Thành (xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu) cùng bị bệnh ung thư da do chất độc hóa học ông mang về từ cuộc chiến (Ảnh N.Hạnh) |
Trong căn nhà nhỏ ở TP.Biên Hòa, ông Nguyễn Văn Bát, một người lính giải phóng năm xưa cũng đang phải đối mặt với bệnh tật và cuộc sống đầy giẫy khó khăn khi gia đình ông có tới 7 người bị di chứng từ chất độc da cam. Ngoài bản thân ông bị nhiễm từ chiến trường, thì 3/4 người con của ông bị bệnh nặng bẩm sinh, chỉ có người con gái lớn của ông bị ảnh hưởng nhẹ, lập gia đình, sinh cho ông 2 đứa cháu ngoại thì cả hai đều bị di chứng về thần kinh – hậu quả hủy diệt từ cuộc chiến tranh của Mỹ để lại.
“Chiến tranh đã khép lại, nhưng rất nhiều người lính giải phóng đã phải gánh “vết thương” chiến tranh không bao giờ lành - qua hình ảnh những đứa con dị tật, quằn quại trên giường” – ông Bát nói với giọng buồn bã.
* Ám ảnh những hình hài không nguyên vẹn
Những người lính giải phóng hứng chịu với CĐHH ở chiến trường đã và đang phải sống những tháng ngày đau đớn vì chất độc da cam. Thế nhưng có những người chưa một lần ra trận mà vẫn bị nhiễm thứ chất độc hủy diệt này và cả hai đều có chung một nỗi đau không năm tháng...
Mới gần 60 tuổi, nhưng bà Đào Thị Kiều (ngụ xã Bình Hòa, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) già nua như người hơn 70 tuổi. Hàng ngày bà vẫn đang tần tảo kiếm sống để nuôi những đứa con dị tật của mình. Bà Kiều kể, sau năm 1975, lúc ấy bà khoảng 10 tuổi. Nhà sống gần sân bay Biên Hòa nên hàng ngày bà theo mẹ vào sân bay Biên Hòa lượm lặt nhặt ve chai kiếm sống. Mẹ con bà cũng như nhiều người khác không biết rằng, sân bay Biên Hòa là “điểm nóng” tồn dư CĐHH, chất độc da cam/dioxin lớn nhất cả nước.
Những ngày đi đào, bới, móc kim loại và những vật dụng quân trang của Mỹ bỏ lại sau chiến tranh, đoàn người nhặt ve chai như mẹ con bà đã vô tình đi vào những khu vực chứa hóa chất đã bị vỡ tràn sau những trận tập kích của đặc công Trung đoàn 113 vào những ngày tháng 4 lịch sử. Từ đây, bà Kiều cũng như nhiều người khác không biết rằng chất độc hủy diệt ấy đã ngấm vào xương tủy. Lớn lên, bà Kiều lấy chồng và sinh con. Nhưng rồi, 7 trong số 8 đứa con của bà đã phải mang thân phận tật nguyền, sống thực vật trong những hình hài méo mó, quặt quẹo trên giường. Có lẽ không một lời nào có thể tả hết nỗi đau mà vợ chồng bà phải gánh chịu từ hậu quả chất độc da cam/dioxin.
Kể về những tháng ngày cơ cực và tủi nhục, bà Kiều cho biết, bà cũng từng ước mơ một cuộc sống bình yên, hạnh phúc bên chồng và những đứa con. Nhưng rồi sự nghiệt ngã đã lấy đi tất cả khi đứa con đầu lòng ra đời không biết cười, biết khóc, đặt đâu nằm đó với đôi mắt vô tri vô giác. 4 đứa con sinh sau đó cùng chung số phận. Cứ ngỡ ông trời đùa cợt với mình thế đã đủ, ông bà đã sinh thêm 2 người con trai nữa. Và, một lần nữa số phận trêu ngươi, hai người con này ra đời mềm oặt do không có xương sống. Chỉ đến người con thứ 8 thì may mắn nên vóc nên hình, tâm thần bình thường.
Cả 3 người con của gia đình ông Phạm Văn Bưởi (huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) bị dị tật do nhiễm chất độc da cam/dioxin. (Ảnh TTXVN) |
Gần 46 năm qua, khoảng thời gian dài của một đời người, ông bà oằn mình với nỗi lo cơm áo và quần quật chăm sóc những đứa con ngây ngô, oặt oẹo. Rồi hai người con trai trong số 8 người con của ông bà ra đi, rồi chồng bà cũng ra đi trong khi trong lòng còn biết bao trăn trở về những đứa con ngây dại. Bà Kiều hết nước mắt khóc cho con, cho chồng và cho phận mình...
Không có lời nào nói cho hết về những đau xót trước thảm cảnh của những gia đình nạn nhân chất độc da cam. Bởi sinh con ra, ai cũng muốn các con lành lặn, xinh xắn, thông minh. Thế nhưng, chính chất độc da cam với sức hủy diệt khủng khiếp của 60 năm về trước đã cướp đi tất cả niềm vui, hạnh phúc và hy vọng của nhiều gia đình.
Sau năm 1975, ngày trở về, ông Phạm Văn Điển (ở phường Long Bình, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) được gia đình chào đón bởi đã sống sót trở về từ chiến trường Quảng Trị khốc liệt. Đất nước hòa bình, ông lập gia đình với một cô gái cùng quê Hưng Yên. Vợ ông lần lượt sinh đôi hai cô con gái đầu lòng nhưng cả hai đều mang nhiều dị tật, chỉ ít ngày sau khi chào đời, hai đứa con song sinh của ông đã mất. Vẫn biết các con bị nhiều dị tật, có sống cũng quá khổ, nhưng đó là núm ruột của mình nên ông bà rất đau đớn. Một năm sau, ông được bù đắp bằng một cậu con trai kháu khỉnh, lành lặn. Ông bật khóc khi đón đứa con trai lành lặn từ tay cô y tá. Người con trai ấy lớn lên khỏe mạnh và ông bà lại sinh thêm 2 người con gái. Tất cả đều cũng lành lặn, xinh tươi. Ngôi nhà vang tiếng cười đùa của những đứa trẻ khiến ông Điển phần nào nguôi ngoai nỗi đau mất con trước đây.
Những tưởng ông sẽ được hạnh phúc khi nhìn thấy các con lớn lên thành người. Song, hy vọng của ông chợt tối dần khi cả 3 đứa con chưa qua tuổi thứ 10 nối tiếp nhau xuất hiện những biểu hiện lạ như vẹo cột sống, lệc mặt, vẹo cổ, lác mắt. Các con ông sa sút trí tuệ nhanh chóng và dần biến thành những đứa trẻ thiểu năng. Cả tiếng nói cười cũng mất dần và cho đến một ngày nọ, 3 đứa con của ông đã trở thành những đứa trẻ bại liệt, bại não, không còn nhận biết được gì.
Nỗi đau tưởng chừng không thể chịu nổi, song ông Điển và vợ còn như chết đi sống lại khi bị những người xung quanh dè bỉu cho rằng ông bà sống ác nên bị… ông trời trừng phạt. Mãi sau này, khi các thông tin về di chứng chất độc da cam được công bố, người ta đã hiểu hơn về hậu quả của chất độc da cam mà ông đã hứng trải khi còn ở chiến trường Thành cổ Quảng Trị. Năm 2000, ông và 3 con được chứng nhận là nạn nhân CĐDCchất độc da cam những đứa con tật nguyền. Hiện sức khỏe ông cũng bắt đầu suy kiệt bởi sự hủy hoại của chất độc quái ác năm xưa.
Phương Liễu
Xem tiếp Bài 3: Vươn về phía mặt trời