Tại Đồng Nai, hiện có 81 ngàn người nằm trong nhóm đối tượng bảo trợ xã hội.Tùy theo hoàn cảnh sống, tình trạng sức khỏe, độ tuổi mà tỉnh có những chính sách hỗ trợ đặc thù riêng nhằm chăm sóc tốt về điều kiện sống cho những hoàn cảnh kém may mắn này.
Tại Đồng Nai, hiện có 81 ngàn người nằm trong nhóm đối tượng bảo trợ xã hội.Tùy theo hoàn cảnh sống, tình trạng sức khỏe, độ tuổi mà tỉnh có những chính sách hỗ trợ đặc thù riêng nhằm chăm sóc tốt về điều kiện sống cho những hoàn cảnh kém may mắn này.
Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh tổ chức chương trình trao vốn cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin tại TP.Biên Hòa trong tháng 1-2021. Ảnh: N.Hiên |
Những người nằm trong nhóm đối tượng bảo trợ xã hội được xem là nhóm người yếu thế, dễ bị tác động từ đời sống xã hội. Do đó, để hỗ trợ người nằm trong nhóm bảo trợ xã hội, trong nhiệm kỳ vừa qua, tỉnh Đồng Nai đã thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chế độ chính sách chung do Trung ương ban hành. Tỉnh chủ động thực hiện các giải pháp chăm lo, hỗ trợ các đối tượng bảo trợ xã hội nhằm giúp từng hoàn cảnh ổn định cuộc sống.
* Chăm lo cho người yếu thế
Trong dịp Tết Nguyên đán hằng năm, UBND tỉnh đều ban hành kế hoạch hỗ trợ tiền Tết đối với từng trường hợp cụ thể. Trong đó, tỉnh dành mức trợ cấp 400 ngàn đồng/người đối với đối tượng ở các trung tâm bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập được Nhà nước công nhận; đối tượng tại Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật thuộc Sở GD-ĐT; đối tượng đang được hưởng chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên tại cộng đồng; người lang thang cơ nhỡ tập trung đón tết tại Trung tâm Bảo trợ huấn nghệ cô nhi Biên Hòa. Riêng hộ nghèo (gồm có hộ nghèo B là hộ không có đối tượng còn khả năng lao động, chủ hộ chủ yếu là người hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội) được nhận mức trợ cấp 800 ngàn đồng.
Vào tháng 5-2020, trước những khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân, nhất là các đối tượng yếu thế, UBND tỉnh đã thực hiện hỗ trợ cho trên 67,3 ngàn đối tượng bảo trợ xã hội với số tiền trên 100 tỷ đồng.
Từ năm 2015 đến nay, tỉnh duy trì đều đặn việc tổ chức tôn vinh người khuyết tật vượt khó nhân Ngày quốc tế Người khuyết tật (3-12), Hội thi văn nghệ người khuyết tật tỉnh Đồng Nai, Giải thể thao người khuyết tật tỉnh Đồng Nai… Qua đó, đã có 1,5 ngàn người khuyết tật được tuyên dương và 1,5 ngàn người khuyết tật tham gia vào các hoạt động văn hóa, thể thao được tổ chức dành cho người khuyết tật. |
Đặc biệt, từ năm 2017, UBND tỉnh đã ban hành quy định mức trợ cấp xã hội, mức trợ giúp xã hội cho các đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh. Căn cứ vào từng trường hợp cụ thể mà mức trợ cấp dao động từ 300-900 ngàn đồng/người/tháng. So với mức trợ cấp của Trung ương từ 30-480 ngàn đồng/tháng/người thì giá trị trợ cấp của tỉnh cao hơn nhiều lần. Tính chung trong giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh đã có hơn 380 ngàn lượt người thuộc đối tượng bảo trợ xã hội được trợ cấp thường xuyên với số tiền trên 1,8 ngàn tỷ đồng.
Ông Tôn Hòa Lộc (61 tuổi, ngụ P.Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) cho hay, ông bị khuyết tật cả hai chân. Hằng tháng, ông được Nhà nước trợ cấp 450 ngàn đồng. Cùng với tiền công kiếm được từ cửa tiệm sửa chữa, bán đồng hồ ngay tại nhà đã giúp ông bớt túng thiếu trong cuộc sống. “Tôi nhận thấy sự quan tâm của Nhà nước về chế độ đối với người nằm trong nhóm đối tượng bảo trợ như tôi đúng, đủ, kịp thời” - ông Tôn Hòa Lộc nói.
Riêng với trẻ em nằm trong nhóm đối tượng bảo trợ xã hội, theo ông Hoàng Văn Long, Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh, trong nhiệm kỳ vừa qua, Sở LĐ-TBXH đã triển khai hỗ trợ cho hơn 43 ngàn trẻ em với tổng kinh phí hơn 28 tỷ đồng. Trong số này có 250 trẻ em bị dị tật hàm mặt, tật về cột sống, ung thư xương, các bệnh hiếm gặp về máu đã được trợ giúp điều trị, phẫu thuật để ổn định sức khỏe.
Còn đối với nhóm người cao tuổi, từ năm 2019, tỉnh đã ban hành quyết định triển khai tăng mức chúc thọ người từ 70 tuổi đến trên 100 tuổi cao hơn mức trung ương quy định. Số tiền mừng thọ thấp nhất là 700 ngàn đồng và cao nhất là 3 triệu đồng/người. Đồng thời, năm 2017, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch về việc thực hiện Đề án nhân rộng mô hình CLB liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Hiện toàn tỉnh có khoảng 100 CLB Liên thế hệ tự giúp nhau với gần 5 ngàn thành viên. Nội dung hoạt động của các CLB này tập trung tổ chức các hoạt động trợ giúp nâng cao kiến thức về chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa, chữa trị các bệnh thường gặp của tuổi già. Song song đó, mỗi CLB tùy theo điều kiện thực tế của địa phương, hội viên để vận động xây dựng các nguồn lực của hội viên nhằm giúp vốn kinh doanh, sản xuất cho chính hội viên cao tuổi của CLB.
* Cộng đồng cùng tham gia trợ giúp người yếu thế
Theo bà Nguyễn Thị Phương Anh, Phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh, thông qua chương trình Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo, hiện đang có hơn 3,2 ngàn địa chỉ đặc biệt khó khăn được giúp đỡ. Những hoàn cảnh được trợ giúp nhân đạo hằng tháng bằng tiền mặt, quà (là thực phẩm, nhu yếu phẩm…) đều là người khuyết tật, người già neo đơn, người mắc bệnh tâm thần.
Hội Chữ thập đỏ tỉnh trao quà Tết cho người mù tại TP.Biên Hòa. Ảnh: Văn Truyên |
Mỗi năm, thông qua vận động các nguồn lực, nhiều tổ chức, cá nhân còn thực hiện các chương trình trao quà cho khoảng 1,4 ngàn người khuyết tật, người nằm trong nhóm đối tượng bảo trợ xã hội tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh và có 14 cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập được cấp có thẩm quyền công nhận hoạt động. Nữ tu Trần Thị Kim Hường, Giám đốc Cơ sở Bảo trợ xã hội dưỡng lão tình thương Suối Tiên (xã Cây Gáo, H.Trảng Bom) cho hay, để cơ sở duy trì hoạt động cần có nguồn lực ổn định. Cụ thể, ngoài nguồn thu nhập từ việc chăn nuôi, trồng trọt thì một phần kinh phí hoạt động của cơ sở chính là từ sự chung tay góp sức từ cộng đồng bằng vật chất cũng như việc làm thiện nguyện.
Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin H.Định Quán Dương Anh cho biết thêm, cùng với kinh phí do ngân sách cấp, mỗi năm Trung tâm Điều dưỡng phục hồi chức năng nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh huyện - nơi đang chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục 29 nạn nhân da cam còn nhận được nhiều sự quan tâm của các cá nhân, tập thể trong tổ chức sinh hoạt trong nạn nhân, chăm sóc nạn nhân.
Song song đó, nhiều chương trình trợ giúp người khuyết tật, đối tượng bảo trợ xã hội vươn lên cũng được thực hiện. Bà Đào Nguyên, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh cho hay, nhiều năm qua, đơn vị đã thực hiện và duy trì chương trình trao vốn cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Mới đây vào tháng 1-2021, Hội đã trao vốn hỗ trợ sinh kế cho 28 gia đình có nạn nhân da cam tại các huyện Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu và TP.Biên Hòa. Mỗi trường hợp được hỗ trợ từ 5-10 triệu đồng/hộ. Đây là chương trình thiết thực nhằm động viên tinh thần, hỗ trợ về vật chất giúp các gia đình khó khăn có nạn nhân da cam/dioxin vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, tạo việc làm, tăng thu nhập cho gia đình.
Ông Nguyễn Chiến Thắng (61 tuổi, ngụ xã Long Tân, H.Nhơn Trạch) cho hay, ông là nạn nhân da cam/dioxin, do 2 mắt bị mờ dần nên thị lực rất kém. Mới đây, ông được nhận 4 triệu đồng từ chương trình trao vốn cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin do Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh trao. Số tiền này được ông sử dụng để làm vốn bán vé số kiếm thu nhập hằng ngày.
Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã trợ cấp thường xuyên cho gần 172 ngàn lượt người cao tuổi và gần 202 ngàn lượt người khuyết tật và hộ gia đình chăm sóc người khuyết tật cùng gần 6,8 ngàn lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. 5 năm qua, đã có có gần 14 ngàn lượt người khuyết tật được khám và điều trị phục hồi chức năng, mổ mắt, mổ tai mũi họng, mổ răng hàm mặt, cấp máy trợ thính và dụng cụ hỗ trợ vận động. |
Văn Truyên