Báo Đồng Nai điện tử
En

Cảnh báo tình trạng sinh con ở tuổi vị thành niên

09:06, 01/06/2020

Tình trạng sinh con ở trẻ vị thành niên (VTN) đang có xu hướng gia tăng. Đây là vấn nạn đang được xã hội quan tâm, bởi hậu quả của tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống tương lai của trẻ mà còn ảnh hưởng đến chất lượng dân số và xã hội.

 

Tình trạng sinh con ở trẻ vị thành niên (VTN) đang có xu hướng gia tăng. Đây là vấn nạn đang được xã hội quan tâm, bởi hậu quả của tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống tương lai của trẻ mà còn ảnh hưởng đến chất lượng dân số và xã hội.

Nữ hộ sinh đang hướng dẫn cho một bà mẹ trẻ cách cho con bú. Ảnh: S.Mai
Nữ hộ sinh đang hướng dẫn cho một bà mẹ trẻ cách cho con bú. Ảnh: S.Mai

Theo BS Nguyễn Thị Phương Anh, Trưởng khoa Sức khỏe sinh sản Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, nếu có sự quan tâm chu đáo chia sẻ đúng cách từ gia đình cùng sự quan tâm từ phía nhà trường, các ban, ngành liên quan thì có thể hạn chế được tình trạng này.

* Làm mẹ ở tuổi học sinh

Trong khi bạn bè đều đặn cắp sách đến trường thì em H.L.A. (15 tuổi, ngụ P.Tân Mai, TP.Biên Hòa) phải nghỉ học để ổn định tâm lý, sức khỏe chuẩn bị sinh con. Cuộc sống của A. trở nên bế tắc, phần vì “bạn trai” biến mất, phần vì không biết làm gì để nuôi con.

A. cho biết, em quen người đàn ông hơn mình 16 tuổi trên mạng xã hội được khoảng 4 tháng. Qua mấy lần nói chuyện, 2 người hẹn hò gặp nhau, rồi A. có thai mà không hề hay biết. Đến khi mẹ của A. phát hiện đưa con đi khám thì thai đã 28 tuần.

“Khi đưa con đi khám, bác sĩ nói thai đã 28 tuần rồi. Tôi thật sự không thể ngờ, chỉ biết ôm con khóc. Lỗi một phần cũng do tôi” - bà T., mẹ A. nghẹn ngào nói. Theo bà T., vợ chồng bà đã ly hôn, A. ở cùng với cha, còn bà đi thêm bước nữa, chỉ thi thoảng mới tranh thủ đến thăm con.

Lau giọt nước mắt trên má, bà T. bộc bạch: “Giờ tôi chỉ biết động viên, an ủi để giúp con ổn định sức khỏe, vượt qua giai đoạn khó khăn này. Trước mắt, tôi sẽ đưa con về gia đình tôi ở chăm sóc, sau đó sẽ lên trường xin bảo lưu kết quả học tập, chờ đến khi cháu thật sự ổn định sẽ cho cháu tiếp tục trở lại trường”.

Nữ hộ sinh Trưởng trại Hậu sản thuộc Khoa Sản Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, khi tiếp nhận chăm sóc những người mẹ trẻ như thế này chị không khỏi cảm thấy thương cảm, bởi các em đang tuổi ăn, tuổi học đã phải làm mẹ. Trong quá trình tiếp xúc, trò chuyện, các em thường thu hẹp bản thân lại do mặc cảm, sợ chưa sẵn sàng cho việc làm mẹ.

* Hậu quả nặng nề

Cơ thể trẻ ở tuổi VTN chưa phát triển đầy đủ, khi sinh con ở độ tuổi này sẽ đối diện với nhiều nguy cơ về tâm lý cũng như sức khỏe.

Theo BS Nguyễn Thị Phương Anh, Trưởng khoa Sức khỏe sinh sản Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong năm 2019 toàn tỉnh có 229 trẻ ở tuổi VTN mang thai đến khám ở các cơ sở y tế có chuyên khoa, nhưng có đến 2.145 trẻ VTN sinh con. Trong 3 tháng đầu năm 2020, có 45 trẻ VTN mang thai đến khám ở các cơ sở y tế có chuyên khoa nhưng có đến 378 trẻ VTN sinh con.

Sự chênh lệch về tỷ lệ mang thai và sinh con ở trẻ VTN là do trong quá trình mang thai, các em sợ nhiều người biết nên đến khám thai ở các cơ sở tư nhân, chỉ đến khi sinh mới đến các cơ sở y tế có chuyên khoa.

BS Phương Anh cho hay, việc mang thai và sinh con ở tuổi VTN để lại hậu quả rất nghiêm trọng và kéo dài. Do khi trẻ mang thai cơ thể chưa phát triển đầy đủ, người mẹ trẻ có tâm lý sợ hãi và dễ xảy ra tình trạng sinh non, thai lưu và hội chứng thần kinh như: tự kỷ, trầm cảm… Em bé do trẻ VTN sinh ra thường nhẹ cân và có nguy cơ tự kỷ cao hơn so với những trẻ được sinh ra từ người mẹ đã trưởng thành. Bên cạnh đó, việc chăm sóc và nuôi dạy em bé không được đảm bảo, bởi người mẹ quá trẻ, chưa có kiến thức, kỹ năng và kinh tế. Việc học hành của những người mẹ trẻ bị gián đoạn sẽ ảnh hưởng đến tương lai sau này.

Theo ThS-BS Nguyễn Mạnh Hoan, Trưởng khoa Sản Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, để hạn chế tình trạng mang thai ở tuổi VTN, điều quan trọng là cần sự chia sẻ từ gia đình trẻ. Cha mẹ không nên né tránh hay chờ khi con trưởng thành, có bạn trai mới giáo dục giới tính mà nên tâm sự cùng trẻ khi trẻ còn nhỏ.

Chẳng hạn, nếu trẻ nhỏ cần chia sẻ cho trẻ cách phát hiện lạm dụng tình dục, trẻ lớn hơn nói về những hậu quả của việc quan hệ tình dục quá sớm... “Phần lớn phụ huynh có quan niệm sợ chia sẻ với con quá sớm như kiểu “vẽ đường cho hươu chạy” nhưng thật ra “hươu” đã chạy từ lâu rồi mà phụ huynh không biết. Để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra, các phụ huynh nên mạnh dạn tâm sự với trẻ càng sớm càng tốt” - Ths.BS Hoan nói.

Sao Mai

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích