BS Đặng Công Chánh, Trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, bệnh táo bón ở trẻ mặc dù không gây ra biến chứng nguy hiểm nghiêm trọng nhưng để tình trạng này kéo dài sẽ khiến trẻ chậm phát triển, giảm sức đề kháng và suy dinh dưỡng.
BS Đặng Công Chánh, Trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, bệnh táo bón ở trẻ mặc dù không gây ra biến chứng nguy hiểm nghiêm trọng nhưng để tình trạng này kéo dài sẽ khiến trẻ chậm phát triển, giảm sức đề kháng và suy dinh dưỡng.
Bác sĩ đang thăm khám cho trẻ bị táo bón tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. Ảnh: T.Anh |
Có con gái 3 tuổi bị táo bón đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, chị Hoàng Thị H. (ngụ P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) cho biết, tình trạng táo bón của bé C. con chị kéo dài 3 tháng nay, kể từ khi bé chuyển từ ăn cháo sang ăn cơm. 3-4 ngày cháu mới đi cầu được 1 lần. Lo lắng cho con, chị đưa bé C. đến Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai khám, bác sĩ chẩn đoán bé bị táo bón. Do tình trạng táo bón kéo dài nên bé C. phải thụt tháo bằng cách bơm nước vào hậu môn.
Theo BS Chánh: “Táo bón mặc dù không gây biến chứng nguy hiểm nhưng nếu để tình trạng này kéo dài sẽ khiến phân tích tụ nhiều trong ruột bé, gây chướng bụng, đầy hơi, trẻ ăn không ngon miệng, chán ăn, ăn khó tiêu. Do bé không ăn được, kém hấp thu sẽ dẫn đến nguy cơ suy dinh dưỡng, chậm lớn, dễ mắc bệnh và ảnh hưởng đến sự phát triển của bé. Bên cạnh đó, việc ứ đọng phân kéo dài làm cho các độc tố do vi trùng tiết ra không được thải ra ngoài lâu ngày có thể đưa đến tình trạng nhiễm độc, sốc nhiễm trùng”.
BS Chánh cho hay, nguyên nhân của táo bón là do trẻ mắc các bệnh lý như: phình đại tràng bẩm sinh, suy giáp, bại não, chậm phát triển vận động, gù lưng, cong vẹo cột sống… những bệnh lý này làm cho tình trạng táo bón kéo dài. Bên cạnh đó, do chế độ ăn, uống một số loại sữa công thức quá nhiều chất đạm, uống ít nước, thay đổi chế độ ăn ở một số trẻ, chuyển từ chế độ ăn loãng (như uống sữa mẹ, sữa công thức chuyển sang ăn cháo, cơm) rất dễ bị táo bón nếu trẻ không được bổ sung thêm nước.
Dấu hiệu để nhận biết trẻ bị táo bón hay không rất đơn giản, trẻ có thể có một trong những triệu chứng sau: trẻ đi cầu ít hơn 3 lần/tuần; khó đi, rặn nhiều, đau quanh hậu môn khi đi cầu; phân có máu, phân khô rắn, hạt lổn nhổn. Một số trẻ thường đau, chướng bụng, chán ăn mệt mỏi, thay đổi tính tình và suy dinh dưỡng. Còn khi trẻ bị són phân thì khi đó táo bón đã kéo dài, do phân ứ đọng trong trực tràng quá nhiều và trẻ không nín lại được nữa.
“Với trẻ táo bón kéo dài, việc điều trị là dùng thuốc để làm mềm phân, nếu không cải thiện thì có thể kết hợp với điều trị bằng phương pháp thụt tháo. Ngoài việc điều trị theo sự hướng dẫn của bác sĩ thì bé cần thay đổi chế độ ăn uống, bổ sung chất xơ, ăn nhiều rau củ, trái cây và cho bé uống thêm nước tùy theo độ tuổi, cân nặng. Tập cho trẻ thói quen không được nín, nhịn đi cầu, nếu trẻ lớn thì tập thói quen tăng cường vui chơi vận động. Đặc biệt, khi thấy trẻ có dấu hiệu của táo bón, phụ huynh nên đưa trẻ đi khám để có các hướng điều trị đúng, vì nếu để táo bón kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ” - BS Chánh khuyến cáo.
Thảo Anh