Báo Đồng Nai điện tử
En

Kiểm soát thực phẩm tại các bếp ăn tập thể

09:05, 22/05/2020

Trong số các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra gần đây, phần lớn diễn ra tại các bếp ăn tập thể, suất ăn công nghiệp và trường học do việc kiểm soát nguyên liệu đầu vào vẫn chưa được thực hiện tốt.

Trong số các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh, phần lớn diễn ra tại các bếp ăn tập thể, suất ăn công nghiệp và trường học do việc kiểm soát nguyên liệu đầu vào vẫn chưa được thực hiện tốt. Cùng với đó, người trực tiếp chế biến thức ăn chưa nắm rõ các quy định về an toàn thực phẩm.

Nhân viên nhà bếp Công ty TNHH Sơn Hà (TP.Biên Hòa) chuẩn bị thức ăn cho bữa ăn giữa ca của công nhân lao động trong công ty. Ảnh: H.Lộc
Nhân viên nhà bếp Công ty TNHH Sơn Hà (TP.Biên Hòa) chuẩn bị thức ăn cho bữa ăn giữa ca của công nhân lao động trong công ty. Ảnh: H.Lộc

Để siết chặt quản lý và nâng cao chất lượng của các bếp ăn tập thể tại doanh nghiệp, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh (Sở Y tế) đã và đang phối hợp với các ngành chức năng, các doanh nghiệp triển khai mô hình kiểm soát thực phẩm tại các bếp ăn tập thể.

* Nguyên nhân chủ yếu do nhiễm vi sinh vật

Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Nguyễn Văn Hữu cho biết, chi cục đang xin ý kiến của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) để xử lý vi phạm trong vụ ngộ độc thực phẩm tập thể xảy ra hồi cuối tháng 3 vừa qua tại H.Trảng Bom.

Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Nguyễn Văn Hữu cho hay: “Việc thực hiện tốt mô hình điểm các bếp ăn tập thể còn góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Từ đó, tạo chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về vấn đề an toàn thực phẩm. Khi thực hiện mô hình này, chất lượng thực phẩm được kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản, lưu thông và sử dụng”.

Theo đó, vào ngày 24-3, sau bữa cơm trưa, 149 công nhân lao động của Công ty TNHH Starite International Việt Nam (tên gọi khác là Công ty Kỳ Lợi, đóng tại Khu công nghiệp Bàu Xéo, H.Trảng Bom) có triệu chứng ói, đau bụng, mệt mỏi. Các công nhân này ngay lập tức được đưa đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế H.Trảng Bom và Bệnh viện Đại học Y dược Shing Mark.

Theo điều tra của các cơ quan chức năng, Công ty Kỳ Lợi hợp đồng với Công ty TNHH Thiên Hồng Phúc để nấu ăn tại công ty cho công nhân. Buổi trưa xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm, có 750 công nhân đã ăn các món chay như: nấm xào cải ngọt, khổ qua nhồi nấm mèo.

Sau khi lấy mẫu thực phẩm để làm xét nghiệm, cơ quan chức năng xác định nguyên nhân dẫn đến ngộ độc là do thực phẩm bị nhiễm vi sinh vật.

Theo lãnh đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, trong năm 2019, toàn tỉnh xảy ra 7 vụ ngộ độc thực phẩm với 98 người mắc. Trong đó có 1 vụ ngộ độc thực phẩm với 5 người mắc do độc tố tự nhiên; 5 vụ ngộ độc thực phẩm với 86 người mắc do vi sinh vật và 1 vụ ngộ độc thực phẩm với 7 người mắc không rõ nguyên nhân. Cơ quan chức năng đã tiến hành xử lý những trường hợp vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm, để xảy ra ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng.

* Hiệu quả của mô hình điểm bếp ăn tập thể

Để hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra ở các bếp ăn tập thể tại các doanh nghiệp trong tỉnh, mô hình điểm bếp ăn tập thể đã được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh phối hợp với các nhà thầu cung cấp suất ăn công nghiệp và chủ doanh nghiệp thực hiện tại 21 đơn vị với tổng số 32 bếp ăn tập thể.

Riêng trong năm 2019, chi cục đã xây dựng mới mô hình điểm bếp ăn tập thể tại 3 công ty gồm: Công ty TNHH MTV Quỳnh Trâm Thảo (H.Trảng Bom, chuyên nấu và cung cấp các suất ăn công nghiệp cho các doanh nghiệp); Công ty CP Dệt Texhong Nhơn Trạch (H.Nhơn Trạch) và Chi nhánh sản xuất của Công ty TNHH Changshin Việt Nam (Khu công nghiệp Lộc An - Bình Sơn, H.Long Thành).

Bà Đoàn Thị Kim Loan, Phó chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Changshin Việt Nam cho biết, nhằm đảm bảo sức khỏe cho người lao động, từ nhiều năm trước, tại trụ sở chính của công ty đóng tại H.Vĩnh Cửu đã triển khai mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể của công ty. Công ty ý thức được rằng, chỉ khi sức khỏe của người lao động được đảm bảo, bữa ăn có đầy đủ chất dinh dưỡng, đảm bảo vệ sinh, an toàn thì người lao động mới có đủ sức khỏe để làm việc lâu dài, cống hiến cho doanh nghiệp.

“Ngay sau khi được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh tập huấn, hướng dẫn, chúng tôi đã cải thiện một số điều kiện liên quan để đảm bảo tiêu chuẩn của mô hình điểm bếp ăn tập thể như: không sử dụng dụng cụ chứa đựng thực phẩm chính bằng nhựa màu; tất cả các nguyên liệu sản phẩm đều phải có nhãn mác, bao bì; thực hiện lưu mẫu thực phẩm 24 giờ đúng quy định; cải tạo cơ sở vật chất tại khu vực chế biến thực phẩm; sắp xếp kho bảo quản nguyên liệu thực phẩm khô thông thoáng hơn…” - bà Loan cho hay.

Mới đây, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tại Công ty TNHH Changshin Việt Nam đã thực hiện trang bị các vách ngăn giữa những người lao động trong bữa ăn giữa ca nhằm tránh tiếp xúc trực tiếp, đảm bảo sức khỏe cho người lao động.

Trong khi đó, tại bếp ăn tập thể của Công ty TNHH Olympus Việt Nam (H.Long Thành), Công ty TNHH Bosch Việt Nam (H.Long Thành), Công ty TNHH Hyosung Việt Nam (H.Nhơn Trạch)… việc bố trí, sắp xếp các điều kiện cơ sở vật chất được thực hiện rất khoa học, bài bản.

Chị Trần Ngọc Linh, người lao động của Công ty TNHH Hyosung Việt Nam chia sẻ, bản thân chị cảm thấy rất thoải mái mỗi lần xuống nhà ăn để dùng bữa trưa sau nửa ngày làm việc. Nhà bếp thường xuyên thay đổi các món ăn giúp công nhân lao động không nhàm chán. Nhà ăn rộng rãi, thông thoáng khiến bữa ăn cũng trở nên vui vẻ hơn.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều