Báo Đồng Nai điện tử
En

'Hậu Covid-19' - Trường nghề tăng tốc

10:05, 11/05/2020

Cùng với các trường phổ thông, cao đẳng, đại học, từ ngày 4-5, các trường nghề trên địa bàn tỉnh đã đón học sinh quay trở lại học tập sau kỳ nghỉ dài để phòng tránh dịch Covid-19.

Cùng với các trường phổ thông, cao đẳng, đại học, từ ngày 4-5, các trường nghề trên địa bàn tỉnh đã đón học sinh quay trở lại học tập sau kỳ nghỉ dài để phòng tránh dịch Covid-19.

Thay vì làm việc nhóm như trước đây, học sinh được yêu cầu hạn chế làm việc nhóm, giữ khoảng cách an toàn khi thực hành tại xưởng. Trong ảnh: Học sinh Trường cao đẳng Nghề công nghệ cao Đồng Nai thực hành tại xưởng. Ảnh: H.Yến
Thay vì làm việc nhóm như trước đây, học sinh được yêu cầu hạn chế làm việc nhóm, giữ khoảng cách an toàn khi thực hành tại xưởng. Trong ảnh: Học sinh Trường cao đẳng Nghề công nghệ cao Đồng Nai thực hành tại xưởng. Ảnh: H.Yến

Vừa không được lơ là trong công tác chống dịch, các trường nghề còn phải lo việc thực tập cho học sinh, tăng cường dạy văn hóa cho học sinh lớp 12 để các em sẵn sàng trước kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.

* Đảm bảo công tác phòng, chống dịch

Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 (H.Long Thành) có gần 3,6 ngàn học sinh, sinh viên, trong đó có 30% đến từ các tỉnh ngoài Đồng Nai. Với số lượng người học đông, trường rất chú trọng công tác giáo dục, tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19. Ngoài phun xịt khử khuẩn trước khi mở cửa, nhà trường còn trang bị đầy đủ nước rửa tay ở các khu phòng học, xưởng thực hành. Học sinh, sinh viên được yêu cầu đeo khẩu trang khi đến trường.

Trường cao đẳng Nghề Hòa Bình - Xuân Lộc (H.Trảng Bom) cũng là trường có số lượng học sinh, sinh viên đông. Thực hiện chính sách hỗ trợ cho học sinh, sinh viên bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhà trường đã có chính sách hỗ trợ tiền xe cho học sinh ở tỉnh xa. Theo đó, tùy theo địa phương cư trú, học sinh có thể được hỗ trợ tối đa lên đến 1 triệu đồng.

Hiện nay, Trường cao đẳng Nghề Hòa Bình - Xuân Lộc có khoảng 1,4 ngàn học sinh, sinh viên ở nội trú. Vì thế, công tác phòng, chống dịch được trường đặc biệt chú trọng. Các biện pháp vệ sinh phòng bệnh được thực hiện đúng theo tinh thần chỉ đạo của tỉnh. Học sinh được đo thân nhiệt, đeo khẩu trang trước khi vào trường học.

“Đến nay, hầu hết  học sinh, sinh viên đã quay lại trường, hoạt động giảng dạy, học tập đã gần trở lại như trước đây” - TS Trịnh Thanh Toản, Phó hiệu trưởng nhà trường cho hay.

Trường cao đẳng Nghề công nghệ cao Đồng Nai (H.Long Thành) có ít sinh viên ngoại tỉnh nhưng công tác phòng, chống dịch vẫn được thực hiện quyết liệt. Theo nắm bắt tình hình của nhà trường, học sinh trong quá trình nghỉ học đều hạn chế đi ra ngoài, không đi chơi xa. Đây là điều giúp nhà trường thêm phần yên tâm để tập trung cho công tác chuyên môn.

* Điều chỉnh lịch thực tập

Với các trường nghề, đây là thời điểm để học sinh, sinh viên đi thực tập tại các doanh nghiệp. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hiện nay hoạt động này phải ngưng lại. Tùy theo điều kiện riêng, các trường có những điều chỉnh kế hoạch thực tập cho học sinh, sinh viên.

Theo đó, hầu hết các trường đều điều chỉnh lịch trình học tập. Các module lý thuyết được đẩy lên học trong giai đoạn này, thời gian thực tập sẽ dời lại sau, theo lịch nhận thực tập của doanh nghiệp; nội dung thực hành vẫn được tiến hành bình thường. Điều khác là học sinh không làm việc theo nhóm như trước đây mà sẽ làm việc độc lập, giữ khoảng cách trong cả lớp học lý thuyết và xưởng thực hành.

Trong khi đó, Trường cao đẳng Nghề công nghệ cao Đồng Nai (H.Long Thành) lại chọn giải pháp cho học sinh, sinh viên thực tập ngay tại trường. Theo đó, toàn trường có khoảng 1,8 ngàn học sinh, sinh viên thực tập trong thời gian này.

“Trước đây, số lượng này tỏa ra thực tập tại 30-40 doanh nghiệp. Hiện nay, lại dồn hết ở trường, do đó trường cũng phải chịu nhiều áp lực, phải chia ca thực tập, giáo viên phải làm tăng giờ... Máy móc của trường có thể đáp ứng được nhưng học sinh thực tập tại trường sẽ không được như ở doanh nghiệp, vì trong doanh nghiệp, các em được làm ra sản phẩm thật với các tiêu chuẩn, tiêu chí thật. Các em còn được tiếp xúc môi trường làm việc để sau này không bỡ ngỡ khi đi làm. Ngoài ra, ở doanh nghiệp, các em sẽ được tiếp cận nhiều máy móc hiện đại hơn” - TS Lê Anh Đức, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề công nghệ cao Đồng Nai chia sẻ.

Ưu tiên thời gian cho học sinh lớp 12

Thời gian năm học 2019-2020 còn rất ít. Vì vậy, hiện nay các trường nghề đều ưu tiên những điều kiện tốt nhất cho học sinh nghề đang học lớp 12. Tăng tiết học, sắp xếp giờ hợp lý... là những việc mà tất cả các trường đều thực hiện.

ThS Nguyễn Khánh Cường, Hiệu trưởng Trường công nghệ quốc tế Lilama 2 cho hay: “Trường chúng tôi hiện có khoảng 400 học sinh khối 12. Các em đã được ưu tiên học trong khung giờ tốt để thuận lợi cho việc tiếp thu bài. Giáo viên thực hiện đánh giá năng lực học sinh để hỗ trợ về kiến thức, kỹ năng làm bài cho các em”.

Trường cao đẳng nghề Hòa Bình - Xuân Lộc (H.Trảng Bom) hiện có gần 700 học sinh lớp 12. Trong thời gian nghỉ học, nhà trường có tổ chức học trực tuyến cho các em. Tuy nhiên, trong tuần đầu tiên quay lại trường, giáo viên dành phần lớn thời gian để củng cố kiến thức rồi mới tiến hành dạy chương trình mới.

“Học sinh lớp 12 đều đã hoàn thành chương trình học nghề nên các em chỉ phải tập trung học văn hóa. Khi bước sang giai đoạn ôn thi, chúng tôi sẽ sắp xếp để các em được học cả thứ bảy, chủ nhật. Buổi tối, các em được tự học với sự giám sát, hỗ trợ của giáo viên. Các học sinh lớp 12 ở ngoại trú được khuyến khích vào nội trú để có thêm thời gian học bài” - TS Trịnh Thanh Toản cho biết.

Còn tại Trường cao đẳng Nghề cơ giới và thủy lợi (H.Trảng Bom) hiện có khoảng 360 học sinh lớp 12. Theo đại diện Ban giám hiệu nhà trường, mặc dù Bộ GD-ĐT đã có giảm tải chương trình, nhà trường cũng tổ chức dạy trực tuyến nhưng khi học sinh quay lại trường vẫn cần nhiều thời gian để củng cố kiến thức. Về chương trình học kỳ 2, do nhà trường đã dạy từ trước Tết nên đến nay không phải “chạy đua” với thời gian. Nhờ đó, áp lực tâm lý của học sinh lớp 12 cũng được giảm bớt.

Hải Yến

Tin xem nhiều