Là người trực tiếp phẫu thuật cứu chữa cho bệnh nhân, bác sĩ ngoại khoa phải có đôi bàn tay khéo léo và "thần kinh thép" để tập trung cao độ trong ca phẫu thuật.
Là người trực tiếp phẫu thuật cứu chữa cho bệnh nhân, bác sĩ ngoại khoa phải có đôi bàn tay khéo léo và “thần kinh thép” để tập trung cao độ trong ca phẫu thuật.
Ê-kíp phẫu thuật của Khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai thực hiện một ca phẫu thuật. Ảnh: H.Dung |
Nhiều bác sĩ ngoại khoa chia sẻ, trong phòng mổ, họ thường phải “cân não” để đưa ra lựa chọn, phán đoán và xử lý tình huống nhằm đem lại điều tốt đẹp nhất cho người bệnh. Bởi, nếu không có cái đầu “lạnh” hoặc chỉ một đường dao run, rất có thể bệnh nhân sẽ chết trên tay bác sĩ.
* “Luôn đứng giữa làn tên mũi đạn”
BS Vũ Công Tầm, Trưởng khoa Phẫu thuật, gây mê hồi sức Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai là người được nhiều đồng nghiệp kính nể không chỉ bởi độ “mát tay” của ông trong quá trình phẫu thuật cho bệnh nhi mà còn bởi cái tâm luôn hướng về người bệnh.
Ngày hậu phẫu thứ 5 được xem là ngày đen tối của ngoại khoa, bởi các mối nối trong ca phẫu thuật sau 5 ngày nếu không tốt sẽ bị bung ra. Khi đó, việc xử lý rất phức tạp. Các bác sĩ ngoại khoa thường phải chờ 5-7 ngày, đến khi bệnh nhân ăn được mới có thể thở phào nhẹ nhõm và xem như cuộc phẫu thuật thành công. |
Gần 30 năm trong nghề, BS Tầm chia sẻ, bác sĩ phẫu thuật luôn phải đứng giữa “làn tên mũi đạn”, bởi trước khi vào phòng mổ, bác sĩ không thể biết trong bụng bệnh nhi như thế nào. Ông thường gặp nhất là phẫu thuật viêm ruột thừa, đây là kỹ thuật tưởng chừng đơn giản nhưng lại không hề đơn giản. Có bệnh nhân khám 5 lần vẫn không thể chẩn đoán được bệnh, siêu âm, chụp CT vẫn không ra kết quả. Trong những trường hợp này, nếu không tiến hành phẫu thuật để bệnh diễn tiến nặng, bệnh nhi bị vỡ ruột thừa tử vong. Nhưng nếu làm phẫu thuật, mở bụng bệnh nhi ra mà bệnh nhi không bị viêm ruột thừa, bác sĩ cũng sẽ gặp “vấn đề”.
Quá trình phẫu thuật, bác sĩ ngoại khoa, nhất là bác sĩ phẫu thuật nhi gặp khá nhiều áp lực do diện tích cơ thể của bệnh nhi rất nhỏ. Có những bệnh nhi là trẻ sinh non, cân nặng chỉ từ 1-2kg, bề ngang của cơ thể chỉ to bằng bàn tay của bác sĩ phẫu thuật một chút. Nếu không thận trọng, tỉ mỉ, tiên lượng được tình trạng của bệnh nhân, bác sĩ ngoại khoa sẽ rất dễ gặp phải “tai nạn”, mà hậu quả là chính mạng sống của bệnh nhi.
Trong các loại phẫu thuật, BS Tầm cho rằng, khó nhất là phẫu thuật liên quan đến tá tràng. Tá tràng là phần đầu của ruột non, kéo dài từ môn vị của dạ dày đến góc tá tràng - hỗng tràng. Mặc dù chỉ dài bằng 12 đốt ngón tay nhưng tá tràng là một thành phần quan trọng trong hệ tiêu hóa vì là nơi dịch tụy và dịch mật đổ vào tại nhú tá lớn và nhú tá bé trên tá tràng. Việc khâu nối tá tràng khi xảy ra sự cố rất vất vả và căng thẳng, nếu không khéo léo sẽ gây xì rò, thiếu máu nuôi, không thể cắt bỏ đoạn tá tràng vì không có đoạn thay thế.
“Tôi thường có thói quen sau khi khâu nối vết thương cho bệnh nhi sẽ kiểm tra tổng quát xem dạ dày, ruột, tá tràng… của bệnh nhi đã ổn chưa, có thông suốt không. Nhờ đó mà phát hiện, xử lý được khá nhiều trường hợp bị dị tật kép, đem lại cơ hội sống cho bệnh nhi” - BS Tầm cho hay.
* Tinh thần làm việc tập thể
Bác sĩ trực tiếp phẫu thuật là yếu tố then chốt cho thành công của một ca phẫu thuật. Tuy nhiên, không thể không kể đến sự góp sức thầm lặng và vô cùng cần thiết của cả ê kíp phẫu thuật, từ bác sĩ gây mê đến kỹ thuật viên dụng cụ. Bởi vậy, một yêu cầu khác đối với bác sĩ ngoại khoa là phải có tinh thần làm việc tập thể, cởi mở và thân thiện.
BS Nguyễn Tường Quang, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình - bỏng Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất bộc bạch, nếu không có tinh thần tập thể thì khó có thể làm bác sĩ ngoại khoa. Không ít khi trong quá trình phẫu thuật, máu bệnh nhân tuôn xối xả, bác sĩ ngoại khoa phải thật sự bình tĩnh để phối hợp với cả ê-kíp xử lý tình huống tốt. Hoặc có những trường hợp bệnh nhân nhập viện trong tình trạng tai nạn rất nặng, cơ thể giập nát, biến dạng, bác sĩ ngoại khoa phải cẩn thận thực hiện từng thao tác để cứu chữa cho bệnh nhân.
Còn theo BS Lê Ngân, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, bác sĩ ngoại khoa phải có được sức khỏe tốt bởi có những ca phẫu thuật kéo dài suốt 6-7 giờ. Những lúc đó, tinh thần tập thể càng được đề cao và tất cả mọi người trong ê-kíp đều phải tập trung, tỉnh táo, phối hợp nhịp nhàng để thực hiện những mũi khâu cuối cùng.
Hạnh Dung