Chương trình giáo dục phổ thông mới bắt đầu thực hiện với lớp 1 từ năm học 2020-2021. Khi áp dụng chương trình mới này thay vì học 1 buổi, học sinh sẽ phải học 2 buổi/ngày. Chính vì điều này mà nhiều trường tiểu học, nhất là tại TP.Biên Hòa đang phải bối rối với câu chuyện đáp ứng đủ lớp học.
Chương trình giáo dục phổ thông mới bắt đầu thực hiện với lớp 1 từ năm học 2020-2021. Khi áp dụng chương trình mới này thay vì học 1 buổi, học sinh sẽ phải học 2 buổi/ngày. Chính vì điều này mà nhiều trường tiểu học, nhất là tại TP.Biên Hòa đang phải bối rối với câu chuyện đáp ứng đủ lớp học.
Hiệu trưởng Trường tiểu học An Bình (phường An Bình, TP.Biên Hòa) Nguyễn Thị Thanh Nhã cho biết, trường đang tích cực chuẩn bị cho việc áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm học 2020-2021. Tuy nhiên, nỗi lo lớn nhất vẫn là làm sao có đủ lớp học cho học sinh lớp 1 học 2 buổi/ngày. Vì vậy, nhà trường đang tính toán và đề ra các phương án để làm sao thực hiện có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới, trong đó có cả phương án cho học sinh lớp 1 học cả ngày thứ bảy.
Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ áp dụng với học sinh lớp 1 từ năm học 2020-2021, lộ trình đến năm học 2024-2025 sẽ phủ kín tới học sinh lớp 5. Một trong những yêu cầu khi áp dụng chương trình này là học sinh phải có đủ phòng học để học đủ 2 buổi/ngày. |
Long Thành là một trong 2 địa phương có tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đạt thấp của tỉnh (chỉ sau TP.Biên Hòa). Do dân số cơ học đông nên trường lớp ở nhiều xã đang xuống cấp, quá tải. Có trường nằm ngay trung tâm thị trấn Long Thành nhưng có sĩ số 48 em/lớp. Đối với những trường tiểu học thời gian tới sẽ phải di dời để thực hiện dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành thì việc đáp ứng đủ cơ sở vật chất để áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ thêm phần khó khăn.
Theo lãnh đạo nhiều địa phương, nhất là những địa phương có nhiều khu công nghiệp như TP.Biên Hòa, Trảng Bom, Nhơn Trạch và Long Thành, nhu cầu đầu tư trường lớp trong những năm tới sẽ là rất lớn để có thể nâng cao tỷ lệ trường chuẩn quốc gia, đồng thời đáp ứng cho việc áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới. Tuy nhiên, việc xây dựng thêm trường lớp sẽ không hề dễ dàng, vì ngoài vấn đề vốn đầu tư rất lớn, còn là khó khăn về quỹ đất, biên chế giáo viên…
UBND TP.Biên Hòa cho hay, quỹ đất dành cho giáo dục ngày càng khan hiếm, thậm chí có cũng khó triển khai vì dân cư ở đông đúc, việc đền bù giải phóng mặt bằng sẽ tốn nhiều chi phí cũng như thời gian thực hiện. Do đó UBND TP.Biên Hòa đã tính toán đến giải pháp linh hoạt, đó là tận dụng diện tích mặt bằng hiện có để xây trường học cao tầng, học sinh sẽ học ở 3 tầng thấp nhất, phòng hội đồng và hội trường sẽ bố trí ở tầng cao nhất.
Thành Nam