Báo Đồng Nai điện tử
En

Nuôi dưỡng đam mê khoa học cho con

10:01, 30/01/2020

Vốn là thợ cơ khí, anh Phạm Quang Khải (ngụ ấp 3, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu) đã hướng dẫn, hỗ trợ cho con gái và các bạn hoàn thiện phần cơ khí sản phẩm máy lau nhà và hút bụi tự động để tham gia cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng.

Vốn là thợ cơ khí, anh Phạm Quang Khải (ngụ ấp 3, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu) đã hướng dẫn, hỗ trợ cho con gái và các bạn hoàn thiện phần cơ khí sản phẩm máy lau nhà và hút bụi tự động để tham gia cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng.

Anh Phạm Quang Khải hướng dẫn con gái Phạm Phương Vy và bạn là Mai Anh Dũng về nguyên tắc  vận hành của máy lau nhà, hút bụi tự động
Anh Phạm Quang Khải hướng dẫn con gái Phạm Phương Vy và bạn là Mai Anh Dũng về nguyên tắc vận hành của máy lau nhà, hút bụi tự động. Ảnh: H.Yến

Anh Khải xác định sẽ tiếp tục đồng hành cùng con trong những “mùa” thi tiếp theo để cùng con nuôi dưỡng đam mê nghiên cứu, thực hành khoa học.

* “Thắng lớn” ngay lần đầu đi thi

Sản phẩm máy lau nhà và hút bụi tự động do nhóm học sinh: Phạm Phương Vy, Mai Anh Dũng, Nguyễn Thụy Gia Hân, học sinh lớp 5 Trường tiểu học Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu) cùng nhau thực hiện. Năm nay, cả 3 học sinh này đang học lớp 6/1 Trường THCS-THPT Huỳnh Văn Nghệ.

Em Phạm Phương Vy nhớ lại: “Ngay khi nghe thầy giới thiệu về cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng em đã quyết định sẽ tham gia cuộc thi này. Khi tìm ý tưởng dự thi, em đã nghĩ mình phải làm một sản phẩm có thể giúp ích cho mẹ của em. Vì vậy, em quyết định sẽ làm chiếc máy lau nhà tự động”.

Sau khi có ý tưởng, Vy và các bạn lên mạng để tìm kiếm thông tin về các loại máy lau nhà, hút bụi hiện có trên thị trường. Các em nhận thấy chưa có sản phẩm nào kết hợp 2 tính năng này nên đã quyết định sẽ làm chiếc máy “hai trong một”. Ngoài thầy giáo là người hướng dẫn chính, nhóm còn được cha của Vy là anh Phạm Quang Khải hỗ trợ phần gia công, lắp ráp cơ khí.

Máy hút bụi, lau nhà gồm 2 tính năng: lau nhà, hút bụi. Máy chạy bằng pin sạc. Phía trên cùng là motor để hút bụi. Phần cơ khí do anh Khải giúp các con làm nên khá chắc chắn. Còn phần phía dưới (chổi quét, ống hút bụi, giẻ lau nhà) do các học sinh tự lắp ráp nên khá đơn giản: giẻ lau được làm từ miếng mút lau bảng, ống nhựa bơm nước dùng làm ống hút bụi, “chổi” quét rác cũng làm từ sợi nhựa và khá thưa. Để hạn chế hư hỏng đồ do va đạp chạm với máy hút bụi, lau nhà, nhóm của Vy đã vặn nắp chai nhựa xung quanh vành máy.

So với những máy lau nhà, hút bụi khác đang có mặt trên thị trường, chắc chắn chiếc máy “hai trong một” do Phương Vy và các bạn làm sẽ không thể nào sánh bằng. Tuy nhiên, điều quan trọng là các em có ý tưởng và biết cách thức để biến ý tưởng thành thực tế.

Kết quả, sản phẩm đoạt giải ba cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng cấp huyện, giải nhì cấp tỉnh, giải khuyến khích cấp quốc gia. Với những học sinh vùng sâu, vùng xa lần đầu đến với sân chơi sáng tạo, thì đây là một thành công lớn.

* Đồng hành cùng con

Theo thể lệ của cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng thì “người dự thi được quyền nhờ sự giúp đỡ của người khác làm sản phẩm theo đúng ý tưởng sáng tạo của mình (trừ lĩnh vực phần mềm tin học)”. Đây là cơ hội để các bậc phụ huynh có thể đồng hành, giúp đỡ con tham gia cuộc thi.

Chị Nguyễn Thị Ái Loan, mẹ của Phương Vy chia sẻ: “Qua sản phẩm đầu tay này, tôi thấy con mình tiến bộ hẳn. Còn ba của cháu thì đã xác định là năm nào cũng sẽ đồng hành cùng con tham gia cuộc thi này”.

Thực tế, không có nhiều phụ huynh sẵn sàng đồng hành, đầu tư thời gian, công sức để cho con tham gia những sân chơi sáng tạo khoa học, kỹ thuật như anh Khải. Ngay trong chính nhóm thực hiện sản phẩm của Vy cũng có trường hợp phụ huynh không ủng hộ con tham gia mặc dù con rất thích. Tâm lý của phần đông phụ huynh vẫn mong muốn con chú tâm vào việc học kiến thức ở trong sách giáo khoa để thi được điểm cao.

Tuy nhiên, anh Khải lại cho rằng, con của mình cần phải được thực hành, sáng tạo nhiều hơn. Chính quá trình làm việc này sẽ khơi gợi niềm đam mê khám phá, nghiên cứu khoa học của trẻ. Quá trình học thông qua thực hành này cũng giúp trẻ có nhiều kinh nghiệm hơn, nhờ đó tránh được những bỡ ngỡ, sai lầm khi bắt tay vào làm việc trong thực tế.

“Tôi chắc chắn sẽ cổ vũ con tiếp tục tham gia cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng để con có cơ hội tiếp cận với khoa học nhiều hơn. Không chỉ Vy mà tôi còn khuyến khích cả em trai của Vy nữa. Trong đợt thi tiếp theo, hai chị em Vy sẽ cùng làm chung một sản phẩm” - anh Khải cho biết.

Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc nhằm khơi dậy tiềm năng và phát huy tư duy sáng tạo của thanh, thiếu niên, nhi đồng toàn quốc, đồng thời giúp các em trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng sáng tạo, xây dựng ước mơ các em trở thành nhà sáng chế trong tương lai.

Thanh, thiếu niên, nhi đồng trong cả nước từ 6-19 tuổi đều có quyền dự thi, trong đó khuyến khích các em nhỏ tuổi ở miền núi, biên giới, hải đảo, dân tộc thiểu số tham gia.

 Người dự thi được quyền nhờ sự giúp đỡ của người khác làm sản phẩm theo đúng ý tưởng sáng tạo của mình (trừ lĩnh vực phần mềm tin học).  Mô hình, sản phẩm bắt buộc phải có một bản thuyết minh, hình ảnh kèm theo. Vì vậy, các thí sinh thường xuyên ghi lại hình ảnh, clip về quá trình hoàn thiện sản phẩm; quá trình lắp ráp, vận hành sản phẩm để gửi kèm cho ban giám khảo cuộc thi.

Hải Yến

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích