Nhiều năm qua, Trường cao đẳng y tế Đồng Nai đã phối hợp chặt chẽ với các cơ sở y tế trong tỉnh hướng dẫn, đào tạo thực tế lâm sàng cho sinh viên của trường. Nhờ đó, khi ra trường, sinh viên không còn bỡ ngỡ, còn cơ sở y tế không phải đào tạo lại.
Nhiều năm qua, Trường cao đẳng y tế Đồng Nai đã phối hợp chặt chẽ với các cơ sở y tế trong tỉnh hướng dẫn, đào tạo thực tế lâm sàng cho sinh viên của trường. Nhờ đó, khi ra trường, sinh viên không còn bỡ ngỡ, còn cơ sở y tế không phải đào tạo lại.
Sinh viên ngành điều dưỡng Trường cao đẳng Y tế Đồng Nai thực hành tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Ảnh: B. Nhàn |
Hiệu trưởng Trường cao đẳng y tế Đồng Nai Nguyễn Hồng Quang cho hay, hầu như các phó giám đốc của bệnh viện lớn, bác sĩ trưởng, phó khoa các bệnh viện đều tham gia công tác giảng dạy tại trường. Từ đó, họ sẽ góp ý cho trường điều chỉnh chương trình đào tạo để gắn với thực tế hơn.
* Giảng dạy, học tập ngay từ thực tế
Ngoài các giờ dạy trên lớp, giáo viên của trường cũng tham gia khám, chữa bệnh tại bệnh viện nhằm hạn chế tình trạng giáo viên của trường chỉ giỏi về lý thuyết, không thành thạo thực hành. Cô Phạm Thị Lưu Luyến, Phó trưởng khoa Y Trường cao đẳng y tế Đồng Nai cho hay, hầu hết các giảng viên của trường là bác sĩ, điều dưỡng đều có chứng chỉ hành nghề. Ngoài giờ lên lớp, giảng viên của trường vừa đến bệnh viện hướng dẫn sinh viên thực tập, vừa tham gia khám, chữa bệnh tại bệnh viện.
Phát biểu tại lễ khai giảng năm học mới của Trường cao đẳng y tế Đồng Nai mới đây, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp đề nghị nhà trường tiếp tục đổi mới tư duy, nâng tầm nhìn chiến lược trong đào tạo; đồng thời, làm tốt hơn nữa công tác phối hợp với các bệnh viện trong tỉnh, tạo điều kiện cho sinh viên rèn luyện kỹ năng thực hành, đáp ứng yêu cầu công việc sau khi ra trường. Hạnh Dung |
Hiện nay, cô Luyến đang tham gia khám, chữa bệnh tại Khoa Nội tổng hợp của Bệnh viện đa khoa Thống Nhất. “Nếu chỉ giảng dạy, không tiếp xúc với bệnh nhân, chúng tôi sẽ bị “lụi nghề” và không ai muốn vậy. Khi đi khám bệnh, chúng tôi vẫn còn giữ lại được sự “nhạy cảm lâm sàng” để truyền lại cho sinh viên của mình. Cũng nhờ có sự phối hợp giữa nhà trường - bệnh viện, được cập nhật kiến thức mới, kỹ thuật mới, chúng tôi mới gắn bó với nghề giáo hơn” - cô Luyến tâm sự.
Hiện tại, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai có 54 giảng viên lâm sàng hướng dẫn sinh viên của Trường cao đẳng y tế Đồng Nai đến thực tập. Các giảng viên này chủ yếu là trưởng, phó khoa; điều dưỡng trưởng khoa; trưởng ê-kíp trực có năng lực, có chứng nhận sư phạm để hướng dẫn sinh viên. Do đây là ngành học thực nghiệm lâm sàng, các giảng viên đều phải dạy lý thuyết kèm theo “cầm tay chỉ việc” cho sinh viên trên thực tế bệnh nhân tại các khoa bệnh khác nhau.
Khác với nhiều ngành học khác, sinh viên theo ngành y phải đi thực tập tại các bệnh viện, trạm y tế từ sớm. Cựu sinh viên lớp cao đẳng điều dưỡng 10C Trần Thị Dung chia sẻ, học ngành y khá áp lực vì lý thuyết và thực hành phải đi đôi với nhau. Ngay học kỳ 2 của năm nhất, sau khi nắm kiến thức nền của ngành học, sinh viên của trường đã bắt đầu đi thực tập tại các bệnh viện, tuy chưa nhiều. “Cuộc chạy đua” bắt đầu từ năm học thứ 2. “Buổi sáng, chúng em đi thực tập tại các bệnh viện, buổi chiều học lý thuyết, thực hành trên mô hình tại trường và tham gia trực tối như những điều dưỡng thực sự tại các khoa của bệnh viện” - cựu sinh viên Trần Thị Dung cho biết.
* “Cung” không đủ “cầu”
Ngay khi đi thực tập, sinh viên của trường tham gia vào công việc của điều dưỡng, hộ lý, kỹ thuật viên tại các bệnh viện. Qua đó, các em vừa học được nghề, vừa giúp nhân viên của bệnh viện giảm bớt áp lực công việc. Ngoài thực tập ở các bệnh viện tuyến tỉnh, các em còn đi thực tế tại cộng đồng ở các trạm y tế phường, xã từ 3-4 tuần/năm học. Đây là cơ hội để các em nắm bắt được mô hình bệnh tật cùng cách chăm sóc, phòng ngừa bệnh tật trong cộng đồng.
Nhờ việc học đi đôi với hành ngay từ ban đầu và dần thích nghi môi trường nhiều áp lực của bệnh viện, đa số sinh viên của trường đã tìm ngay được việc làm sau khi tốt nghiệp. Thậm chí, vài năm gần đây, nguồn nhân lực mà trường đào tạo không đủ đáp ứng nhu cầu của các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh.
Giảng viên Trường cao đẳng y tế Đồng Nai hướng dẫn sinh viên thực tập trên mô hình. Ảnh: B. Nhàn |
Thầy Nguyễn Hồng Quang cho hay, một số bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh “than” không tuyển được điều dưỡng của trường đủ theo nhu cầu. Nguyên nhân, nhiều sinh viên cũ của trường khi làm việc tại các bệnh viện ở TP.Hồ Chí Minh đã thành lập Câu lạc bộ Cựu sinh viên của trường. Hằng năm, sau đợt nhà trường công bố tốt nghiệp mỗi khóa, họ về lại trường để tuyển điều dưỡng, kỹ thuật viên, hộ lý… trực tiếp cho các bệnh viện tại TP.Hồ Chí Minh.
Phó trưởng phòng điều dưỡng Bệnh viện đa khoa Đồng Nai Trần Thị Hường cho biết, có đến 90% điều dưỡng, hộ lý, kỹ thuật viên… của bệnh viện đều được đào tạo từ Trường cao đẳng y tế Đồng Nai. Thực tế, khi nhận sinh viên của trường vào làm việc, bệnh viện chỉ việc đào tạo thêm theo chuyên khoa, không phải đào tạo lại những kiến thức nền do các em đã thực tập tại bệnh viện thời gian dài. “Chúng tôi ưu tiên nhận sinh viên của trường vào làm việc do các em đã khá quen với môi trường làm việc của bệnh viện. Những năm trước, 100% điều dưỡng, hộ lý… của bệnh viện đều được đào tạo từ trường này. Vài năm gần đây, số lượng sinh viên của trường không đủ cung ứng so với nhu cầu của bệnh viện” - chị Hường cho hay.
Bích Nhàn