Trong bối cảnh đô thị hóa nhanh, không gian đô thị ngày càng chật hẹp thì nhu cầu tận hưởng những không gian xanh của người dân đô thị đang ngày càng cấp thiết.
Bài 2: Công viên bị chiếm dụng
Trong bối cảnh đô thị hóa nhanh, không gian đô thị ngày càng chật hẹp thì nhu cầu tận hưởng những không gian xanh của người dân đô thị đang ngày càng cấp thiết.
Xe chở rác đến bãi trung chuyển cạnh Công viên Long Bình gây ô nhiễm môi trường, khiến nhiều người dân không muốn đến công viên này. Ảnh: P.Liễu |
[links()]Trong khi số lượng công viên đã ít, chưa đủ chuẩn, chưa đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ đời sống tinh thần của người dân thì nhiều khoảng xanh đẹp, vị trí đắc địa của công viên lại bị hàng quán, dịch vụ chiếm dụng...
* Hàng quán bủa vây...
Công viên 30-4 (thuộc phường Tân Biên) nằm cạnh quốc lộ 1 và đường Nguyễn Ái Quốc, bên còn lại giáp một khu chợ tự phát. Vốn đã nhỏ, công viên lại đang bị chiếm dụng cả ngày lẫn đêm. Ban ngày, hàng quán bủa vây, bàn ghế bày chật kín trên phần lối đi xung quanh; phía trong công viên được chủ quán tận dụng làm chỗ giữ xe, giữa công viên thì biến thành nơi để đồ của những người bán buôn ở chợ tạm. Buổi tối những quán cà phê, người bán mì gõ tiếp tục bày bàn ghế tràn lan khiến công viên càng thêm chật chội, không còn chỗ để người dân ở các phường Hố Nai, Tân Biên, Tân Hòa đến thư giãn.
Theo kiến trúc sư Hà Duy Thạch, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Đồng Nai, công viên là mảng xanh rất giá trị trong đời sống đô thị, không chỉ giúp cải thiện ô nhiễm, hạn chế tiếng ồn mà còn góp phần tạo dựng không gian kiến trúc cảnh quan, tạo sự tương tác cộng đồng. Quy hoạch những công viên đạt chuẩn ở Biên Hòa là rất khó. Tuy nhiên, nếu có điều kiện mở rộng không gian xanh, dù nhỏ cũng cần xem xét trong một tổng thể thống nhất với những mảng xanh đang có, để tạo ra một nét đặc trưng cảnh quan cho đô thị Biên Hòa. |
Nằm ở trung tâm thành phố nên người dân đến công viên thuộc Trung tâm hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh (Công viên Quảng trường tỉnh) tập thể dục, thư giãn, giải trí rất đông.
Thế nhưng, trong công viên này hiện có tới 5 quán cà phê được kinh doanh từ hoạt động “xã hội hóa”. Các quán cà phê “chiếm” những khoảng xanh lớn, vị trí đẹp. Ngoài ra, còn 2 khu vực khác kinh doanh trò chơi trẻ em, cùng với hàng chục xe đẩy bán thức ăn nhanh đứng bán dọc đường nội bộ... khiến không gian chung cho người dân bị cắt xén khá nhiều.
Thông thường vào mỗi sáng chủ nhật, vợ chồng chị Nguyễn Ngọc Uyên (ngụ phường Tân Mai) đưa hai con nhỏ đến Công viên Quảng trường tỉnh chơi. Khu vui chơi thiếu nhi công cộng có xích đu, cầu trượt, bập bênh được đặt trong một góc sân nhỏ với diện tích khá khiêm tốn. Trẻ em chơi ở đây chỉ được một chút trước khi nắng lên bởi thiếu bóng mát, trong khi đó sát bên là một quán cà phê với khoảng không gian rất rộng, vị trí đẹp, cây cối xanh mát.
Chị Uyên nói: “Công viên là của chung nhưng những chỗ đẹp, cây tỏa bóng mát thì dành cho các quán cà phê, chỗ các cháu nhỏ chơi vừa chật hẹp, vừa nắng nóng. Đơn vị quản lý công viên có thể cho thuê chỗ trong công viên để thu tiền đầu tư trở lại cho công viên, nhưng chức năng chính của công viên vẫn là để phục vụ cộng đồng thì bảo đảm người dân phải được hưởng điều tốt nhất”.
Phản ảnh của chị Uyên hoàn toàn có lý. Bởi theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 9257:2012, tỷ lệ phân chia các khu trong công viên, khu vui chơi giải trí trẻ em phải được dành từ 8-10% diện tích, trong khi thực tế sân chơi cho các cháu ở công viên hiện khá khiêm tốn.
Công viên Long Bình (thuộc phường Bình Đa) là “lá phổi xanh” của cả trăm ngàn cư dân ở các phường Long Bình, Tam Hiệp, Tam Hòa, Bình Đa... Tuy nhiên, ngoài việc bị hàng quán lấn chiếm làm nơi buôn bán, mấy năm nay bãi trung chuyển rác nằm ở khu vực cuối công viên gây ô nhiễm nghiêm trọng bầu không khí ở đây nên người dân ít tới lui vui chơi hoặc tập thể dục, tạo nên một nghịch lý, trong khi người dân thiếu khoảng không gian xanh, rất muốn tìm đến công viên để vui chơi, thư giãn thì nơi đây, một công viên rất xanh, rất đẹp lại không “kéo” được người dân đến hưởng thụ.
Giải thích về việc một số không gian xanh trong các công viên trên địa bàn thành phố bị hàng quán “chiếm dụng” để kinh doanh, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa Doãn Văn Đồng cho biết: “Cho các hàng quán ăn uống, cà phê, kinh doanh trò chơi thiếu nhi vào công viên hoạt động là chủ trương “xã hội hóa” của thành phố. Tiền thu về từ hoạt động xã hội hóa này được nộp vào ngân sách và đây cũng là nguồn để tái đầu tư, tu sửa, nâng cấp các công viên. Những dịch vụ này cũng góp phần “kéo” người dân đến công viên vui chơi, thư giãn”.
* Hướng đến thành phố xanh
Đánh giá về hiện trạng không gian xanh ở TP.Biên Hòa hiện nay, Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Phạm Anh Dũng cho hay, công viên cũng như những mảng xanh trên địa bàn Biên Hòa được đầu tư khá nhiều, nhưng so với các tiêu chí của đô thị loại I, nhu cầu còn rất lớn. Hiện nay, ngoài việc từng bước chấn chỉnh các hoạt động “lấn chiếm” công viên, quy hoạch lại các khu vực trong công viên theo tỷ lệ quy định, thành phố đang tập trung nghiên cứu quy hoạch mở rộng một số công viên để tạo thêm không gian xanh cho Biên Hòa.
Theo ông Phạm Anh Dũng, một trong những thuận lợi cho việc mở rộng “lá phổi xanh” ở TP.Biên Hòa chính là UBND tỉnh đã quyết định quy hoạch khu đất rất đẹp, rộng hơn 3 hécta ở cạnh Khu di tích Nhà lao Tân Hiệp (thuộc phường Tân Tiến) để xây dựng Công viên B5. Đây là một trong những tín hiệu vui cho cư dân các phường Tân Tiến, Tân Phong, Tân Mai... Trong khi đó, cư dân các phường Trảng Dài, Tân Hòa, Hố Nai sắp tới cũng sẽ có được Công viên Xóm Mai với diện tích lên đến 200 hécta với các hạng mục chuẩn quốc gia.
Cùng với Công viên Xóm Mai, Công viên B5, lãnh đạo tỉnh và thành phố đang nỗ lực mở rộng “lá phổi xanh” ra nhiều khu vực khác, trong đó có quy hoạch phát triển tuyến công viên ven sông Đồng Nai và sông Cái tiếp nối với Công viên Nguyễn Văn Trị, để phát triển Biên Hòa thành một thành phố ven sông đúng nghĩa, hướng đến mục tiêu trở thành thành phố đáng sống, văn minh, hiện đại và là thành phố xanh.
Phương Liễu
Ông Trần Văn Cung (ngụ phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa):
Cần bớt hàng quán lại để dành không gian thoáng đãng cho người dân
Ngày nào tôi cũng đến Công viên Quảng trường tỉnh để tập thể dục. Đây là một công viên trung tâm, đi lại thuận lợi, nhiều cây xanh rất cần thiết cho người dân. Tuy nhiên, tôi thấy ở đây còn nhiều hàng quán, lại hoạt động ở những vị trí đẹp nên không gian chung của công viên bị chiếm dụng. Người dân đến vui chơi, tập thể dục chủ yếu đi trên vỉa hè và con đường trước mặt Trung tâm hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh. Theo tôi, cần phải quy hoạch lại hàng quán về một góc và chỉ cho 1-2 quán phục vụ giải khát cho người dân. Ban Quản lý công viên cũng nên thường xuyên kiểm tra các ghế đá, bồn cây, dụng cụ tập thể dục bị hư hỏng để thay mới hoặc sửa chữa.
Bà Trần Thị Minh Duyên (phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa):
Người dân mong chờ Công viên Xóm Mai đã quá lâu
Qua các buổi họp tiếp xúc cử tri, tôi được biết thành phố đã quy hoạch xây dựng một số công viên ở Biên Hòa, trong đó có Công viên Xóm Mai có quy mô khá lớn dành cho người dân các phường Trảng Dài, Tân Hòa, Hố Nai... nên rất phấn khởi, nhưng chờ đợi đã mấy năm rồi chưa thấy động tĩnh gì. Chúng tôi mong Nhà nước sớm xây dựng công viên, vì không chỉ để có chỗ người dân đến thư giãn, vui chơi, tập thể dục, mà công viên có nhiều cây xanh sẽ góp phần lọc khói bụi vì khu vực này quá đông dân cư, lượng xe lưu thông qua lại hằng ngày rất lớn.
An Nhiên (ghi)