Ngày 25-5, tại Trung tâm hội nghị Eros Palace (phường Tân Tiến, TP.Biên Hòa), Sở Y tế tổ chức Hội nghị khoa học - kỹ thuật ngành Y tế Đồng Nai lần thứ 7-2019.
Ngày 25-5, tại Trung tâm hội nghị Eros Palace (phường Tân Tiến, TP.Biên Hòa), Sở Y tế tổ chức Hội nghị khoa học - kỹ thuật ngành Y tế Đồng Nai lần thứ 7-2019.
Một ca nối đốt ngón tay bị đứt lìa cho bệnh nhân dưới kính hiển vi của Bệnh viện đa khoa Thống Nhất |
Hội nghị được tổ chức 3 năm một lần nhằm tạo điều kiện để cán bộ, bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên ngành Y tế chia sẻ, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công việc tại đơn vị mình.
* Tạo sức lan tỏa
TS-BS.Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế chia sẻ: “Chúng tôi muốn qua hội nghị khoa học kỹ thuật lần này sẽ góp phần động viên, khích lệ y, bác sĩ, điều dưỡng tích cực tham gia nghiên cứu khoa học hơn nữa. Bởi một khi bản thân có ý thức tự học, tự đào tạo các y bác sĩ, điều dưỡng sẽ có ý thức nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người bệnh, hướng tới sự hài lòng cho người bệnh. Đơn giản như làm sao để chẩn đoán sớm, điều trị bệnh kịp thời, phát hiện đúng bệnh để cho bệnh nhân chuyển viện đã là thành công”. |
TS-BS.Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế cho biết, nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ bắt buộc đối với tất cả các y, bác sĩ trong quá trình hành nghề. Dù ở bất kỳ vị trí nào thì công tác nghiên cứu cũng sẽ giúp ích ít nhiều cho công việc chuyên môn của y, bác sĩ, điều dưỡng, cán bộ, nhân viên ngành Y tế.
“Trước đây, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học chưa được đội ngũ bác sĩ trong tỉnh quan tâm đúng mức. Thường chỉ những người đi học chuyên khoa I, chuyên khoa II, thạc sĩ, tiến sĩ mới quan tâm đến nghiên cứu khoa học, còn đa phần các bác sĩ khác chưa ý thức được tầm quan trọng của vấn đề này” - TS-BS.Phan Huy Anh Vũ cho hay.
Hội nghị khoa học kỹ thuật ngành Y tế Đồng Nai lần thứ 7 không chỉ gói gọn trong phạm vi của tỉnh như trước kia mà quy tụ khoảng 500 đại biểu đến từ các tỉnh, thành khu vực miền Đông Nam bộ, Tây Nam bộ, các viện, trường đại học y dược, cao đẳng dạy nghề, các sở y tế, bệnh viện đa khoa tỉnh, các công ty dược, mỹ phẩm… tham dự.
Số lượng bài báo cáo khoa học đăng ký tham gia hội nghị khoa học lần này là 92, tăng 14 bài so với hội nghị lần trước. Ban tổ chức đã lựa chọn 67 bài báo cáo tiêu biểu để báo cáo tại hội nghị. Các bài báo cáo tập trung vào các lĩnh vực chuyên môn gồm: nội - nhi - nhiễm (18 bài), ngoại - sản (15 bài), dược - cận lâm sàng (13 bài), y tế dự phòng (11 bài), điều dưỡng - kiểm soát nhiễm khuẩn - đào tạo, quản lý (10 bài).
Ngoài các báo cáo khoa học của y, bác sĩ trong tỉnh, Ban tổ chức còn nhận được nhiều bài báo cáo của chuyên gia đầu ngành đang làm việc tại các bệnh viện, trường đại học y dược ở TP.Hồ Chí Minh và một số bệnh viện các tỉnh lân cận. Tiêu biểu là một số đề tài: Hiệu quả Insulin trộn sẵn trong điều trị đái tháo đường type 2 của TS-BS.Phan Hữu Hên, Phó trưởng khoa Nội tiết Bệnh viện Chợ Rẫy; Xuất huyết tiêu hóa trên - điều trị và quản lý nguy cơ tái phát xuất huyết tiêu hóa của PGS-TS-BS.Bùi Hữu Hoàng, Trưởng khoa Nội tiêu hóa Bệnh viện đại học y dược TP.Hồ Chí Minh, Phó chủ tịch Hội Gan mật TP.Hồ Chí Minh; Cập nhật Guideline Eau trong quản lý điều trị Luts của PGS-TS.Vũ Lê Chuyên, Chủ tịch Hội Tiết niệu - thận học Việt Nam…
* Hướng tới phục vụ người bệnh tốt hơn
Để hoàn thành một đề tài nghiên cứu khoa học, các y, bác sĩ, điều dưỡng phải thực hiện trong thời gian khá dài nhằm đưa ra được kết luận hoặc những đề xuất, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Điều dưỡng Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai tận tình chăm sóc bệnh nhi đang điều trị tại bệnh viện |
Nhóm bác sĩ Nguyễn Tất Trung, Nguyễn Thị Bích Vân, Nguyễn Văn Tường, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai đã tiến hành nghiên cứu trên 158 bệnh nhân điều trị tại Khoa Nội tim mạch của Bệnh viện đa khoa Đồng Nai từ tháng 12-2016 đến tháng 8-2018 để đưa ra được kết luận “Hạ natri máu thường gặp ở bệnh nhân suy tim nặng, làm kéo dài thời gian nằm viện, tăng tỷ lệ chuyển tuyến và tỷ lệ tử vong”.
Điểm mới của Hội nghị khoa học kỹ thuật ngành Y tế Đồng Nai lần thứ 7-2019 là Ban tổ chức sẽ không in ấn tài liệu, kỷ yếu để cấp cho từng đại biểu. Thay vào đó, mỗi đại biểu sẽ cài phần mềm QR và quét mã QR do Ban tổ chức cung cấp. Sau khi quét mã QR, toàn bộ tài liệu, thông tin liên quan đến hội nghị sẽ xuất hiện trên điện thoại thông minh của đại biểu, giúp đại biểu lưu trữ dễ dàng, bất kể khi nào cần cũng có thể mở ra xem mà không lo bị mất hay để quên tài liệu như trước đây. |
Còn bác sĩ Trần Viết Hợi, Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai đã tiến hành nghiên cứu bằng phương pháp mô tả cắt ngang với 82 bệnh nhân bị viêm gan siêu vi C mạn tính từ tháng 6-2016 đến tháng 6-2018 để đưa ra kiến nghị “Biểu hiện lâm sàng của viêm gan siêu vi C mạn tính không điển hình, đa số là không có triệu chứng lâm sàng nên cần khuyến nghị người dân khám sức khỏe định kỳ và xét nghiệm sàng lọc để phát hiện và điều trị bệnh kịp thời”.
Đem đến hội nghị khoa học lần này đề tài Đánh giá kết quả phẫu thuật xương thuyền bằng kim Kirschner có ren tại Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, bác sĩ CKII Nguyễn Tường Quang, Trưởng khoa và bác sĩ Nguyễn Quốc Lữ, Phó trưởng khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình, bỏng Bệnh viện đa khoa Thống Nhất mong muốn được chia sẻ phương pháp phẫu thuật xương thuyền bằng kim Kirschner với các đồng nghiệp trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, để người dân trong tỉnh biết được Bệnh viện đa khoa Thống Nhất đã và đang thực hiện được kỹ thuật này, cho kết quả phục hồi tốt lên đến 90%. Những bệnh nhân bị gãy xương thuyền có thể đến Bệnh viện đa khoa Thống Nhất để được chẩn đoán, điều trị mà không phải tốn nhiều thời gian, công sức, chi phí lên các bệnh viện tuyến trên.
Có thể nói, công tác nghiên cứu khoa học đã được các bệnh viện trong tỉnh thực hiện thường xuyên và đem lại những kết quả tích cực. Hằng năm, các bệnh viện đều tổ chức hội nghị khoa học kỹ thuật cấp bệnh viện để các y, bác sĩ, cán bộ, nhân viên chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm với nhau.
Bác sĩ CKII Ngô Đức Tuấn, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cho hay, năm 2018 bệnh viện thực hiện được 65 đề tài nghiên cứu khoa học thuộc nhiều lĩnh vực như: nội, ngoại, dược, sản, điều dưỡng, nữ hộ sinh, kỹ thuật viên, chẩn đoán hình ảnh… Tất cả những đề tài đều xuất phát từ thực tiễn, những kỹ thuật hay sẽ được ứng dụng vào lĩnh vực lâm sàng để chăm sóc sức khỏe cho người bệnh ngày càng tốt hơn.
Hạnh Dung