Giải pháp nghiên cứu thiết kế và chế tạo xe lăn điện hỗ trợ người khuyết tật của nhóm tác giả Võ Quang Thu, Lê Trọng Đại, Lê Thị Trinh, Trần Minh Tùng (Khoa Cơ điện - điện tử Trường đại học Lạc Hồng) là một trong 2 giải pháp đoạt giải nhì của Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Đồng Nai năm 2018 (không có giải nhất).
Giải pháp nghiên cứu thiết kế và chế tạo xe lăn điện hỗ trợ người khuyết tật của nhóm tác giả Võ Quang Thu, Lê Trọng Đại, Lê Thị Trinh, Trần Minh Tùng (Khoa Cơ điện - điện tử Trường đại học Lạc Hồng) là một trong 2 giải pháp đoạt giải nhì của Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Đồng Nai năm 2018 (không có giải nhất). Giải pháp này còn được Ban giám khảo hội thi đánh giá cao bởi tính nhân văn, hướng đến đối tượng là những người yếu thế trong xã hội.
Nhóm tác giả nhận giải nhì tại lễ trao giải Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Đồng Nai năm 2018. Ảnh: A.YÊN |
Chia sẻ về lý do thực hiện chiếc xe lăn này, sinh viên Lê Trọng Đại chia sẻ, năm 2017 khi biết đến trường hợp một em nhỏ bị bệnh xương thủy tinh mơ ước có chiếc xe lăn để di chuyển dễ dàng, cả nhóm đã cùng bắt tay vào nghiên cứu, chế tạo chiếc xe lăn điện để hỗ trợ em.
Để thực hiện chiếc xe này, trong vòng hơn 1 năm, cả nhóm đã không ngừng nỗ lực đọc tài liệu, quan sát, tìm hiểu thói quen sinh hoạt và đặc điểm cơ thể, vóc dáng của người khuyết tật, tìm kiếm, mua linh kiện lắp ráp chiếc xe. Điểm đặc biệt của chiếc xe lăn điện này là các bộ phận của xe có thể lắp ráp, tháo rời để phù hợp với nhu cầu, địa hình di chuyển của người sử dụng. Chỉ với tay cầm hoặc điện thoại thông minh, người dùng có thể điều khiển chiếc xe di chuyển đến nhiều hướng khác nhau. Xe được tích hợp cơ cấu ngã lưng và nâng gác chân để người khuyết tật cảm thấy thoải mái trong quá trình sử dụng, sinh hoạt. Ngoài ra, phần ghế ngồi còn được thiết kế cửa đóng mở bô vệ sinh giúp người khuyết tật có thể đi vệ sinh ngay trên xe, không cần phải di chuyển.
Chiếc xe lăn có thể di chuyển với tốc độ ổn định 7km/giờ, có tải trọng 130kg. Nhóm tác giả đã tích hợp công nghệ để trên màn hình phía đầu xe hiện lên các thông số về tốc độ xe chạy để người dùng điều khiển tốc độ xe phù hợp địa hình khác nhau. Với việc ứng dụng thiết bị định vị GPS, người khuyết tật có thể yêu cầu sự hỗ trợ của người khác nếu chẳng may trên đường đi gặp sự cố. Đồng thời, người thân của người khuyết tật cũng có thể thông qua điện thoại di động để theo dõi, giám sát được vị trí của người khuyết tật và tình trạng của chiếc xe lăn.
Anh Võ Quang Thu cho hay, chi phí để thực hiện chiếc xe lăn điện có giá từ30-40 triệu đồng, rẻ hơn từ 2-3 lần so với giá thành của một chiếc xe lăn có những tính năng tương tự đang được bán trên thị trường.
An Yên