Báo Đồng Nai điện tử
En

Dấu hiệu trẻ tăng động, giảm chú ý

07:01, 30/01/2018

Thời gian gần đây, số lượng trẻ đến khám, điều trị tăng động, giảm chú ý tại Bệnh viện tâm thần trung ương 2 khá nhiều. Trung bình một tháng có hơn 2 ngàn lượt trẻ đến khám tại bệnh viện, trong đó các trường hợp bị tăng động, giảm chú ý chiếm đến 30-40% và tập trung ở độ tuổi từ 5-12 tuổi.

Thời gian gần đây, số lượng trẻ đến khám, điều trị tăng động, giảm chú ý tại Bệnh viện tâm thần trung ương 2 khá nhiều. Trung bình một tháng có hơn 2 ngàn lượt trẻ đến khám tại bệnh viện, trong đó các trường hợp bị tăng động, giảm chú ý chiếm đến 30-40% và tập trung ở độ tuổi từ 5-12 tuổi.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Kim Hòa, Trưởng khoa Nhi Bệnh viện tâm thần trung ương 2, dấu hiệu trẻ bị tăng động, giảm chú ý là trẻ không tập trung vào bất cứ việc gì, chạy nhảy liên tục không nghỉ ngơi, nói quá nhiều và khó chơi trong yên lặng, thường xuyên phá phách… Thông thường khi nào phụ huynh không dạy nổi con, trẻ đi học bị cô giáo phản ánh liên tục về tình trạng trẻ lên lớp không học, phá phách, ngồi ngơ ngác thì mới chịu đem con đi khám. Những trường hợp này nếu phát hiện, điều trị sớm thì khả năng đáp ứng và học tốt, nếu bé không đáp ứng điều trị thì thường kèm theo các bệnh khác nữa.

Bác sĩ Hòa cho biết nguyên nhân của bệnh tăng động, giảm chú ý vẫn chưa rõ, các yếu tố nguy cơ có thể là do di truyền, môi trường, quá trình ăn uống… Các dấu hiệu thường gặp ở trẻ khi nhập viện đó là: khó khăn trong việc duy trì sự chú ý vào công việc hoặc trò chơi; không lắng nghe, không hoàn thành công việc, bài tập đã được hướng dẫn; làm mất đồ đạc, các dụng cụ học tập, đồ chơi; hay quên trong các hoạt động hàng ngày. Ngồi một chỗ không yên, thường hay nhấp nhổm trên ghế, vận động chân tay, vặn vẹo người; chạy leo trèo quá mức trong tình huống khi các hoạt động đó không thích hợp; nói quá nhiều…

Do đó, khi trẻ bị tăng động, giảm chú ý cần áp dụng điều trị bằng thuốc và kết hợp với giáo dục đặc biệt giúp cho trẻ hồi phục các kỹ năng cơ bản để hòa nhập.  Khi các bé vào điều trị sẽ được tập cách điều chỉnh hành vi, tập nói, tập cầm bút, chú ý tập trung vào một vị trí cụ thể và kỹ năng tiền học đường để ra hòa nhập với mọi người. Đồng thời, tư vấn cho phụ huynh cần kiên trì và phải quan tâm chú ý đến bé. Để giúp trẻ sớm phục hồi các kỹ năng, phụ huynh nên sử dụng các hình ảnh, câu chuyện, trò chơi nhằm khích lệ bé nói, chơi đùa với trẻ giống như người bạn.

Bác sĩ Hòa lưu ý, phải có sự phối hợp giữa phụ huynh và giáo viên để giám sát, quan tâm để bé phục hồi các kỹ năng cơ bản, Quá trình uống thuốc song song với học tập cho đến lúc trưởng thành, nếu không điều trị bé không học được. Việc phát hiện, điều trị và can thiệp sớm tăng động giảm chú ý ở trẻ là rất cần thiết, giúp bé có khả năng đáp ứng tốt và không bị gián đoạn việc học. Khi bệnh đã nặng không điều trị, không chỉ ảnh hưởng đến bản thân bé mà còn ảnh hưởng đến những người xung quanh. Do đó, phụ huynh cần quan tâm đến bé, đồng thời giáo viên cần phản ánh với phụ huynh khi thấy các bé có những triệu chứng trên, giúp phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời.

Thảo Anh (ghi)

Tin xem nhiều