Những ngày nghỉ tết trẻ được nghỉ học nhiều, trong khi cha mẹ bận rộn ít dành thời gian chăm sóc con. Do đó, vào thời gian này trẻ rất dễ bị bệnh và gặp những tai nạn thương tích không ngờ.
Những ngày nghỉ tết trẻ được nghỉ học nhiều, trong khi cha mẹ bận rộn ít dành thời gian chăm sóc con. Do đó, vào thời gian này trẻ rất dễ bị bệnh và gặp những tai nạn thương tích không ngờ.
Phụ huynh chú ý tiêm ngừa đầy đủ vaccine ngừa bệnh cho trẻ.Trong ảnh: Trẻ được tiêm vaccine ngừa cúm tại Trung tâm y tế dự phòng Đồng Nai. Ảnh: A.Thư |
Một số tai nạn hay gặp ở trẻ khi người lớn bất cẩn, thiếu chú ý như: té cầu thang, sặc thức ăn, bỏng, điện giật, ngã xuống nước…
* Phòng ngừa tai nạn thương tích
Chẳng ai muốn ngày tết phải đi bệnh viện nên phụ huynh cần canh chừng khi trẻ chơi đùa, nhất là trẻ dưới 5 tuổi. Cha mẹ cũng nên xem xét một lượt những khu vực trẻ vui chơi, loại bỏ những mối nguy cơ tiềm ẩn. Chú ý không cho trẻ ở một mình trên gác xép, lầu cao; nếu có thì phải có cửa hoặc rào chắn chắc chắn phòng ngừa trẻ bị té khi tự ý đi xuống cầu thang. Đặc biệt, không cho trẻ tự ăn các loại kẹo, hạt dưa, hạt bí, rau câu… vì rất dễ bị sặc thức ăn vào đường hô hấp gây ngưng tim ngưng thở, nguy hiểm đến tính mạng.
Tiêm vaccine phòng bệnh Vào những ngày tết do trẻ phải di chuyển nhiều, ăn uống thất thường nên cơ thể dễ suy giảm miễn dịch dễ bị bệnh. Do đó, phụ huynh chú ý ngoài những vaccine tiêm chủng bắt buộc trong chương trình tiêm chủng mở rộng, trẻ dưới 9 tuổi nên được tiêm phòng cảm cúm định kỳ mỗi năm một lần trước mùa lạnh để nâng cao hiệu quả kháng thể do virus luôn biến đổi hàng năm . |
Việc cấp cứu tại chỗ là rất quan trọng. Dùng phương pháp vỗ lưng, ấn ngực nếu thấy trẻ đang ăn đột nhiên bị tím tái khó thở, ho sặc sụa. Hãy nhanh chóng đặt trẻ nằm sấp trên cánh tay hoặc đầu gối của mình và vỗ lưng thật mạnh ngay sau 2 xương bả vai 5 cái để dị vật văng ra ngoài, sau đó lật ngửa trẻ lên ấn vào ngực trẻ 5 cái, lặp lại nhiều lần cho đến khi trẻ hết khó thở.
Trong trường hợp trẻ bị ngưng thở, ngưng tim do điện giật, chết đuối, té bất tỉnh... thì thực hiện các động tác hà hơi thổi ngạt theo cách như sau: người cấp cứu hít một hơi thật dài rồi thổi vào miệng trẻ thật mạnh làm lồng ngực phồng lên, sau đó dùng tay ấn vào vùng trên xương ức, mỗi lần thổi miệng thì ấn tim 5 lần, kéo dài cho đến khi trẻ tự thở được và tim đập lại mới ngừng.
* Chú ý chế độ dinh dưỡng
Tết là khoảng thời gian nhiều người ăn quá mức cần thiết hoặc mải mê với không khí sum vầy mà không ăn uống đủ chất… Rất khó để kiểm soát được vấn đề ăn uống của trẻ trong những ngày tết nên có thể ảnh hưởng đến đường tiêu hóa của trẻ.
Việc ăn uống vô tội vạ trong ngày tết là nguyên nhân chủ yếu khiến trẻ bị rối loạn tiêu hóa, đầy bụng, khó tiêu, thậm chí nhiều trẻ gầy rộc đi sau ngày tết. Do đó, cha mẹ nên cố gắng giữ gìn thói quen sinh hoạt, ăn uống hàng ngày của trẻ. Đặc biệt, hạn chế những thực phẩm chế biến sẵn, giàu đạm, béo, đường, các loại bánh kẹo, nước ngọt có ga… Chú ý bổ sung chất xơ vì các món ăn ngày tết thường nhiều đạm và tinh bột nhưng thiếu rau xanh. Rau xanh là nguồn cung cấp chất xơ quan trọng và dồi dào nhất, giúp hệ tiêu hóa hoạt động khỏe mạnh và bổ sung vitamin cho cơ thể. Uống đủ nước cũng giúp tăng cường trao đổi chất, thanh thải độc cho cơ thể và duy trì sức sống của làn da, vì vậy cần phải được duy trì thường xuyên.
Ngộ độc thực phẩm là một vấn đề nghiêm trọng trong đời sống ngày thường và trong những ngày tết thì việc cảnh giác với ngộ độc thực phẩm càng quan trọng hơn. Ngộ độc thực phẩm thường xảy ra do thiếu vệ sinh, do đó cha mẹ cần cẩn thận với các loại thực phẩm, nhất là thực phẩm tươi sống.
Ngày tết, trẻ sẽ tiếp xúc với đồ ăn nhiều hơn thường nhật. Cha mẹ hãy tạo cho con thói quen rửa tay trước mỗi lần cầm nắm đồ ăn và sau khi đi vệ sinh.
Nên sử dụng khăn giấy mọi lúc mọi nơi. Cha mẹ nên giải thích cho con rằng trong nước mũi có rất nhiều vi khuẩn bé li ti và con nên dùng khăn giấy, tránh để tay chạm vào những vi khuẩn đó. Bạn cũng cần lưu ý vứt ngay giấy đã qua sử dụng vào sọt rác, không được để nguồn vi khuẩn gây bệnh vương vãi trong phòng. Hạn chế cho con dùng chung muỗng, chén dĩa. Cha mẹ nên tránh để con ăn chung kẹo mút, uống chung ống hút hay dùng chung bất cứ vật dụng gì được đưa lên miệng.
TS.BS Nguyễn Trọng Nơi