Báo Đồng Nai điện tử
En

"Dẫn đường" cho học sinh trên mạng xã hội

04:12, 14/12/2017

Mạng xã hội như Facebook, Zalo... ngày càng được nhiều người sử dụng, đặc biệt là với học sinh, sinh viên. Vì thế, một số thầy cô đã trở thành những "người dẫn đường" cho học sinh trên mạng xã hội.

Mạng xã hội như Facebook, Zalo... ngày càng được nhiều người sử dụng, đặc biệt là với học sinh, sinh viên. Vì thế, một số thầy cô đã trở thành những “người dẫn đường” cho học sinh trên mạng xã hội.

Học sinh Trường THCS Trần Phú (huyện Xuân Lộc) tiếp cận với internet.
Học sinh Trường THCS Trần Phú (huyện Xuân Lộc) tiếp cận với internet.

 Theo Phó hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn Trần Văn Hiền (phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa), mạng xã hội với nhiều tiện ích đã giúp học sinh tiếp cận với thông tin đa dạng, phong phú hơn. Tuy nhiên, do kỹ năng ứng xử với thông tin trên mạng xã hội còn hạn chế nên học sinh rất cần thầy cô bên cạnh trong vai trò “dẫn đường” trên mạng xã hội.

* Dẫn đường trên mạng

Trang Facebook của Trường THPT Lê Quý Đôn hiện có trên 15 ngàn lượt người theo dõi, chủ yếu là học sinh và phụ huynh. Các thông tin về hoạt động của nhà trường như: hoạt động dạy và học, sinh hoạt kỹ năng, xã hội từ thiện, thông báo của trường... được cập nhật thường xuyên, có tính tương tác cao. Mỗi thông tin cập nhật trên trang Facebook của trường thường có khoảng  5 ngàn lượt người truy cập. Thầy Trần Văn Hiền chia sẻ: “Trang Facebook của trường được giao cho 2 người quản trị, thông tin và hình ảnh được chọn lọc, thẩm định kỹ trước khi đăng, đảm bảo tính định hướng theo tinh thần “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”.

 TS.Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, giảng viên Trường đại học sư phạm TP.Hồ Chí Minh, cho biết: “Mỗi thầy cô giáo cần giúp học sinh có kỹ năng ứng xử văn hóa khi tham gia mạng xã hội. Trước khi tham gia mạng xã hội, học sinh cần có sự hiểu biết, tỉnh táo, quản lý tốt cảm xúc cá nhân. Mỗi lời nói, hình ảnh học sinh đăng tải trên mạng xã hội đều phải tự chịu trách nhiệm, đặc biệt không để mạng xã hội chiếm mất quá nhiều thời gian, chi phối nhiệm vụ học tập và quan hệ gia đình và bạn bè”.

Ở nhiều lớp học của Trường THPT Lê Quý Đôn đã có những trang Facebook để kết nối, chia sẻ thông tin giữa các thành viên trong lớp, trong đó có giáo viên chủ nhiệm. Nhiều giáo viên tham gia mạng xã hội Facebook, Zalo để kết bạn với học sinh và phụ huynh. Mạng xã hội không chỉ giúp thầy cô nắm bắt thông tin của học sinh mà còn giúp học sinh giải đáp được nhiều vấn đề trong học tập, phát hiện và uốn nắn kịp thời những điều chưa chuẩn.

Cô Thái Thị Quỳnh Trang, giáo viên Trường THPT Trấn Biên (TP.Biên Hòa), chia sẻ: “Thấy học sinh tiếp cận với Facebook rầm rộ, lúc đầu tôi có chút ngần ngại, lo các em bị chi phối việc học tập. Với suy nghĩ không thể đứng ngoài thế giới học sinh, tôi đã lập trang Facebook cá nhân để tiếp cận học sinh, qua đó tôi hiểu hơn về cá tính của nhiều học sinh... Có những điều học sinh không dám nói với thầy cô, nhưng lại sẵn sàng chia sẻ thoải mái trên mạng xã hội, từ đó tôi đã “gặp” các em trên Facebook để chia sẻ và định hướng cho học sinh”.

Còn Tổng phụ trách Đội Trường THCS Trần Hưng Đạo Trần Văn Lập (xã Bảo Bình, huyện Cẩm Mỹ), cho biết hàng ngày thầy đều vào mạng xã hội để nắm tình hình tư tưởng học sinh trên Facebook. Có những thông tin lệch lạc, hình ảnh không phù hợp do học sinh đăng tải trên mạng, thầy lại xuống lớp tìm gặp giải thích cho học sinh hiểu và tự điều chỉnh. Thầy Lập trăn trở: “Học sinh tiếp cận với internet ngày càng dễ dàng, tuy nhiên các thông tin tiêu cực trên mạng xã hội đầy rẫy thực sự là mối đe dọa với học sinh”.

 * An toàn trên mạng xã hội

Mạng xã hội với những ứng dụng như: Facebook, Zalo, YouTube... được ví như “thế giới phẳng”. Thầy cô giáo cần hòa mình trong “thế giới phẳng” để biết được ở đó hàng ngày học sinh đang làm gì, suy nghĩ gì và chia sẻ những gì. Từ sự gần gũi sâu sát với học sinh sẽ định hướng cho các em những suy nghĩ và hành động chuẩn mực.

Hiệu trưởng Trường TH-THCS-THPT song ngữ Lạc Hồng Đỗ Thị Lan Đài (TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Chúng tôi đã chú trọng trang bị kỹ năng cần thiết cho học sinh tiếp cận với mạng xã hội để không chỉ đạt được mục đích hiệu quả mà còn an toàn. Cụ thể, nhà trường đã mời chuyên gia đào tạo kỹ năng sống để nói về ứng xử trên mạng xã hội cho cả học sinh và giáo viên. Từ đó hình thành trong học sinh ý thức khi lên mạng xã hội thì đăng tải thông tin gì cho có văn hóa, phù hợp và thông tin nào thì nên tiếp cận và chia sẻ”.

Ở Đồng Nai từng có không ít clip bạo lực học đường được “tung” lên mạng xã hội; hiện tượng học sinh “sống ảo”, khoe thân câu like trên facebook cũng không hiếm gặp. Có những bức xúc trong học đường không được xử lý kịp thời dẫn tới tình trạng học sinh lên mạng “xả”... Những hành động đó đã để lại hệ quả xấu trong xã hội, nhất là với nhà trường nơi học sinh gây ra sự việc. Việc định hướng cho học sinh kỹ năng giáo tiếp và ứng xử có văn hóa trên mạng xã hội rất cần có sự chung tay của gia đình, nhà trường và tổ chức Đoàn - Hội trong trường học và khu dân cư.

Theo Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đào Đức Trình, nhờ xu hướng giáo dục mở, đặc biệt là cơ hội tiếp cận intetnet và thiết bị thông minh ngày càng phổ biến nên học sinh ngày càng nhạy bén với thông tin, nhất là ở khu vực thành thị. Vì thế giáo viên đứng lớp không chỉ đóng vai trò là người truyền đạt kiến thức, mà còn phải chủ động đi trước trong tiếp cận các mạng xã hội phổ biến hiện nay như: Facebook, Zalo, YouTube...  Thầy cô cần là người đồng hành để giúp học sinh luôn tỉnh táo, ứng xử thông minh trong “thế giới ảo” khi độ tuổi các em còn chưa có đủ sự chín chắn cần thiết, đặc biệt là giúp các em tỉnh táo trước những thông tin xuyên tạc của các thế lực phản động.

Công Nghĩa

Tin xem nhiều