Bệnh đái tháo đường được thế giới coi là một đại dịch không lây. Hiện nay, bệnh đái tháo đường có xu hướng tăng nhanh và đang trở thành mối quan tâm lớn của toàn xã hội do hậu quả của bệnh mang lại quá nặng nề, trong khi bệnh này hoàn toàn có thể tránh được nếu được dự phòng và tầm soát tốt.
Bệnh đái tháo đường được thế giới coi là một đại dịch không lây. Hiện nay, bệnh đái tháo đường có xu hướng tăng nhanh và đang trở thành mối quan tâm lớn của toàn xã hội do hậu quả của bệnh mang lại quá nặng nề, trong khi bệnh này hoàn toàn có thể tránh được nếu được dự phòng và tầm soát tốt.
Bác sĩ Lê Thị Ngọc Yến, Trưởng khoa Lọc máu - thận nhân tạo Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, hỏi thăm tình trạng bệnh của một bệnh nhân bị đái tháo đường phải lọc máu. Ảnh: N.Thư |
TS-BS Phan Huy Anh Vũ, Phó giám đốc Sở Y tế cho biết hiện nay khâu dự phòng bệnh đái tháo đường vẫn còn bỏ trống. Công tác tuyên truyền phòng ngừa bệnh đái tháo đường còn chưa sâu rộng đến cộng đồng dân cư. Hiện nay, tỷ lệ biến chứng do bệnh đái tháo đường còn cao vì người dân còn chủ quan.
* Sai lầm trong điều trị bệnh
Ông Phạm Văn Dũng (64 tuổi, ở xã Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch) bị bệnh đái tháo đường hơn 20 năm. Trong thời gian qua, ông đã phải tốn nhiều chi phí để điều trị các biến chứng của bệnh đái tháo đường khi bị nhồi máu cơ tim, liệt nửa người nằm một chỗ. 4 năm gần đây, ông còn bị suy thận giai đoạn cuối phải lọc máu. Một trong những sai lầm của ông khi điều trị bệnh đái tháo đường là vẫn không kiêng uống rượu, bia khiến đường huyết không ổn định, đường huyết cao dẫn đến nhiều biến chứng nặng nề nêu trên.
Số mắc mới bệnh đái tháo đường ngày càng gia tăng Theo thông tin từ Trung tâm y tế dự phòng Đồng Nai, từ đầu năm 2017 đến nay, chương trình phòng chống bệnh đái tháo đường quốc gia của tỉnh đã quản lý thêm hơn 6,7 ngàn người mới bị bệnh đái tháo đường, lũy kế có gần 15 ngàn người bị bệnh đái tháo đường. Số mắc mới bệnh đái tháo đường ngày càng gia tăng và trẻ hóa. |
Một trường hợp khác là ông Nguyễn Tấn Lộc (43 tuổi, ở phường Bửu Long, TP.Biên Hòa) bị bệnh đái tháo đường nhưng không tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ. Ông thường bỏ tiêm insulin, còn ăn ngọt, ăn nhiều cơm nên không kiểm soát được đường huyết dẫn đến thiếu máu kéo dài, suy thận mạn phải lọc máu khi tuổi còn trẻ. “Tôi cũng hay chủ quan, khi ngừng tiêm insulin cảm thấy vẫn bình thường nên hay bỏ thuốc. Nhưng không ngờ làm như vậy bệnh sẽ chuyển sang biến chứng nhanh hơn. Bây giờ, dù có bảo hiểm y tế nhưng mỗi tháng vẫn phải tốn khoảng 2,5 triệu đồng để lọc máu, tiền bán quán ăn làm ra bao nhiêu cũng hết” - ông Lộc chia sẻ.
Theo bác sĩ Lê Thị Ngọc Yến, Trưởng khoa Lọc máu - thận nhân tạo Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, tại khoa có hơn 200 bệnh nhân lọc máu chủ yếu do 3 nguyên nhân chính là: tăng huyết áp, bệnh lý tại thận và đái tháo đường. Tuy nhiên từ đầu năm 2017 đến nay, tỷ lệ bệnh nhân lọc máu do bệnh đái tháo đường tăng cao. Điều đáng chú ý là có nhiều bệnh nhân đái tháo đường không tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ mà tự ý bỏ thuốc Tây đi uống thuốc Nam khiến đường huyết không ổn định. Khi mức đường huyết không thể kiểm soát có thể gây ảnh hưởng đến thận, gây biến chứng thận, suy thận giai đoạn cuối phải lọc máu.
* Phòng ngừa bệnh đúng cách
TS.BS Phan Huy Anh Vũ cho biết hiện nay nhận thức về bệnh đái tháo đường có tăng hơn, tuy nhiên còn không ít người vẫn chủ quan với bệnh đái tháo đường. Người có bệnh không phát hiện sớm để điều trị, đến khi có biến chứng nặng, điều trị tốn kém trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Cũng có người khi phát hiện ra bệnh đái tháo đường lại điều trị không liên tục, bỏ thuốc, dùng những phương pháp điều trị không bài bản để đường huyết tăng cao rất dễ dẫn đến biến chứng tim mạch, biến chứng về mắt, suy thận mạn phải lọc máu, tổn thương hệ thần kinh, vết thương lâu lành…
Theo bác sĩ Phan Huy Anh Vũ, điều trị một bệnh nhân đái tháo đường không biến chứng nhẹ gấp 10 lần so với bệnh nhân đái tháo đường bị biến chứng. Do đó, người bị bệnh đái tháo đường cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ; có chế độ ăn uống hợp lý là ăn nhiều rau, trái cây, chất xơ, hạn chế ăn tinh bột, chất béo, không ăn đồ ngọt; kiêng bia, rượu, thuốc lá; tăng cường hoạt động thể lực phù hợp, tập luyện mỗi ngày. Chú ý khám bệnh định kỳ, kiểm tra lượng đường trong máu để có điều chỉnh thuốc cho phù hợp.
Đặc biệt, việc dự phòng và tầm soát bệnh đái tháo đường đóng vai trò rất quan trọng. Có 7 nhóm người có nguy cơ bệnh đái tháo đường, gồm: người có cha mẹ ruột, anh chị em ruột bị bệnh, béo phì, những người trên 60 tuổi, phụ nữ sinh con to lớn hơn 4kg, tăng huyết áp, ít vận động, thường xuyên bị stress. Những người thuộc các nhóm này cần chú ý đi khám tầm soát bệnh, có chế độ ăn kiêng, luyện tập hợp lý thì sẽ phòng ngừa được bệnh hoặc gần như cuối đời mới bị bệnh.
Bệnh đái tháo đường hiện không chữa khỏi hoàn toàn nhưng có thể kiểm soát và phòng tránh. Do đó, để ngăn chặn đại dịch bệnh đái tháo thì công tác dự phòng là quan trọng, cần đẩy mạnh trong thời gian tới.
Ngọc Thư