Báo Đồng Nai điện tử
En

Thiếu kỹ năng, dễ thất nghiệp

07:11, 14/11/2017

Thất nghiệp đang là nỗi lo lắng của các sinh viên. Nhiều sinh viên nỗ lực học 4-5 năm nhằm có được tấm bằng cử nhân trong tay, nhưng sau đó đành "giấu thân phận" cử nhân để đi làm công nhân.

Thất nghiệp đang là nỗi lo lắng của các sinh viên. Nhiều sinh viên nỗ lực học 4-5 năm nhằm có được tấm bằng cử nhân trong tay, nhưng sau đó đành “giấu thân phận” cử nhân để đi làm công nhân.

Giảng viên Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 hướng dẫn sinh viên thực hành. Ảnh: C.Nghĩa
Giảng viên Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 hướng dẫn sinh viên thực hành.

Anh Bùi Tường Duy đã hoàn thành chương trình cử nhân kế toán tại Trường đại học công nghệ Đồng Nai giữa năm 2017, đang tìm công việc phù hợp với chuyên môn, thu nhập trước mắt chỉ cần đủ sống. Nhưng mong muốn đó không dễ thực hiện, vì đi đến đâu các doanh nghiệp đều đòi hỏi anh phải có kinh nghiệm làm việc thực tế ít nhất 2 năm.

* “Đứng hình” vì kỹ năng

Các doanh nghiệp tuyển dụng nhân sự ngày càng xem trọng kinh nghiệm và kỹ năng hơn là bằng cấp cử nhân loại khá giỏi hay xuất sắc. Chính vì điều này nên những cử nhân mới tốt nghiệp như anh Duy dễ bị từ chối cơ hội tuyển dụng. Có doanh nghiệp chấp nhận tuyển dụng cử nhân chưa có kinh nghiệm nhưng chưa bố trí ngay vào làm việc đúng chuyên môn, lương ban đầu thấp.

Bà Phạm Thị Thu, Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) chi nhánh Đồng Nai, chia sẻ rất khó để tuyển được một sinh viên mới ra trường vào làm được việc ngay. Nhiều cử nhân có bằng loại khá nhưng lại yếu kỹ năng giao tiếp, từ đó không chịu được áp lực công việc và tự bị đào thải. Do đó, kinh nghiệm của Sacombank là tuyển dụng những sinh viên năm cuối đến thực tập. Trong quá trình này, ngân hàng sẽ đào tạo chuyên môn lẫn kỹ năng và tiếp tục sàng lọc để chọn ra những nhân viên đáp ứng yêu cầu.

Anh Nguyễn Ngô Tuấn Lượng, Trưởng phòng Bảo trì nhà máy Công ty TNHH sản xuất thương mại Thiên Long Long Thành (Khu công nghiệp Long Thành) cho rằng, nếu là tân cử nhân thì đừng kỳ vọng quá nhiều việc được tuyển dụng đúng vị trí và lương cao, doanh nghiệp chấp nhận tuyển dụng là đã có cơ hội tốt rồi.

Vì theo anh Lương, ở doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nước ngoài thường từ 3-6 tháng đầu sẽ cơ cấu lại nhân lực và khi đó những ai đã thể hiện được kỹ năng làm việc tốt sẽ được cất nhắc. Bản thân doanh nghiệp cũng cần tuyển dụng được nhân lực đúng vị trí để mang lại giá trị gia tăng tốt nhất.

“Muốn có kinh nghiệm thì trước tiên phải tìm cơ hội để trải nghiệm hơn là kiếm được nhiều tiền ngay” - anh Lượng chia sẻ.

Cũng theo anh Lượng, những sinh viên mới ra trường thường mắc một số hạn chế, đó là thiếu kiên nhẫn, thiếu bình tĩnh, không cẩn thận và ngại học hỏi. Không ít trường hợp khi được tuyển vào lại quá đề cao “cái tôi” của mình với những người lâu năm hơn ở công ty, ít lắng nghe, ngại học hỏi dẫn tới không “trụ” lại được ở doanh nghiệp, thậm chí “nhảy việc” nhiều lần.

Chị Nguyễn Ngọc Mai Thoại Mỹ có 5 năm phụ trách tuyển dụng và đào tạo ở Công ty TNHH On Semiconductor Việt Nam (Khu công nghiệp  Biên Hòa 2), chia sẻ: “Nhà tuyển dụng đều hiểu, thông cảm với người mới tốt nghiệp chưa thể có kinh nghiệm, nhưng thiếu kỹ năng thì rất khó có thể thông cảm được. Kỹ năng ngoại ngữ chiếm tới 60-70% cơ hội tuyển dụng nhưng nhiều người có bằng cử nhân lại kém, thậm chí rất kém ngoại ngữ. Bên cạnh đó còn thiếu kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, chưa khiêm tốn”.

* Không thể… “ăn ngay”

Anh Lê Đình Huy, cựu sinh viên Khoa Cơ điện - điện tử Trường đại học Lạc Hồng, hiện là quản lý sản xuất tại Công ty TNHH Intel Products Việt Nam (Khu công nghệ cao TP.Hồ Chí Minh), cho hay không phải cứ là cử nhân ra trường là có việc làm ngay, đúng chuyên môn và thu nhập cao. Ai cũng cần một quá trình tích lũy kinh nghiệm, học hỏi và kiên nhẫn tìm cơ hội.

Sinh viên Trường đại học Lạc Hồng thực hành lập trình ngôn ngữ cho Robot giao tiếp với con người.
Sinh viên Trường đại học Lạc Hồng thực hành lập trình ngôn ngữ cho Robot giao tiếp với con người.

Anh Huy kể bài học của mình: “Ngày tôi mới ra trường, đi làm vất vả mà lương thì thấp. Mẹ tôi hỏi: “Con của bác hàng xóm đi làm lương 15 triệu/tháng, con bao giờ mới được như vậy?”. Nhờ kiên nhẫn, chịu khó học hỏi, 5 năm sau tôi đã có thu nhập cao hơn thế, thậm chí còn thành lập được một công ty riêng về máy tính”.

Còn anh Lê Đình Duân, Giám đốc Công ty TNHH thiết bị phát thanh truyền hinh PNO (tại Hà Nội), cựu sinh viên Trường đại học Lạc Hồng, thì chia sẻ anh từng rất chật vật với “bệnh” thường gặp của một tân kỹ sư khi mới tốt nghiệp, vì ở trường đại học không phải cái gì cũng được dạy.

Anh Duân kể bài học thú vị: “Ngày mới đi làm, cái gì không biết tôi lại “hỏi” google. Khi được công ty phân tới một đài truyền hình để thi công hệ thống mạng, về nhà tôi vào YouTube tải clip hướng dẫn cách dùng kiềm bấm dây mạng theo đúng chuẩn để hôm sau biết cách mà thao tác chứ không dám từ chối là không biết, như vậy sẽ dễ bị đuổi việc”.

Sau hơn 8 năm tốt nghiệp đại học, làm việc ở nhiều công ty từ nhỏ tới lớn, tới nay anh Duân đã tự thành lập một công ty chuyên về thiết bị phát thanh truyền hình có trụ sở tại Hà Nội và mới mở văn phòng ở TP.Hồ Chí Minh.

Trong khi đó, anh Nguyễn Thành Danh, quản lý nhân sự tại Công ty TNHH Intel Products Việt Nam, nhận định để tránh được thất nghiệp thì ngay từ khi còn ngồi ở ghế giảng đường đại học đã phải có ý thức rèn luyện chuyên môn, đặc biệt là kỹ năng. Nhiều cử nhân ra trường vấp phải nhiều tình huống “khó đỡ” dở cả chuyên môn lẫn kỹ năng, hoặc giỏi chuyên môn nhưng lại dở kỹ năng.

“Phải đề ra cho mình lộ trình và mục tiêu. đó là ra trường đúng hạn, chuyên môn vững vàng, kỹ năng thuần thục và phải luôn kiểm soát để biết được mình đang ở trạng thái nào, giá trị đạt tới đâu nếu đi xin việc” - anh Danh nói.

Bài ảnh: Công Nghĩa

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích