Báo Đồng Nai điện tử
En

Phòng ngừa biến chứng của bệnh đái tháo đường

07:10, 10/10/2017

Bệnh đái tháo đường là một bệnh về nội tiết do rối loạn chuyển hóa chất đường trong máu khiến cho lượng đường trong máu luôn ở mức cao. Bệnh có 2 dạng là đái tháo đường type 1 và đái tháo đường type 2.

Bệnh đái tháo đường là một bệnh về nội tiết do rối loạn chuyển hóa chất đường trong máu khiến cho lượng đường trong máu luôn ở mức cao. Bệnh có 2 dạng là đái tháo đường type 1 và đái tháo đường type 2. Đây là một trong các căn bệnh phổ biến hiện nay, ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe và sinh hoạt của người bệnh, là nguyên nhân gây nên các bệnh về tim mạch, huyết áp, suy thận…

Dấu hiệu nhận biết bệnh đái tháo đường type 1:

- Thường xuyên cảm thấy mệt mỏi khó chịu.

- Khát nước: xảy ra khi nhận thấy bị khát nước quá mức so với bình thường.

- Đi tiểu nhiều vào ban đêm.

- Cảm giác đói quằn quại.

- Giảm cân đột ngột mà không rõ lý do.

Dấu hiệu nhận biết bệnh đái tháo đường type 2:

Các biểu hiện ban đầu của bệnh thường khó nhận biết và phân biệt được. Hầu hết bệnh nhân bị bệnh này thường nhận biết bệnh khi tình cờ đi khám sức khỏe định kỳ hoặc khi bệnh đã chuyển biến tới giai đoạn rõ rệt. Ở người bị bệnh đái tháo đường type 2 cũng thấy xuất hiện các triệu chứng tương tự với đái tháo đường type 1 và các dấu hiệu đặc trưng như :

- Ăn nhiều cùng cảm giác nhanh đói do nồng độ insulin cao trong cơ thể gây ra cảm giác nhanh đói.

- Vết thương lâu lành do lượng đường trong máu cao khiến cho hoạt động của bạch cầu bị bất thường và giảm đi khả năng tự bảo vệ cơ thể chống lại vi khuẩn, vi trùng xâm nhập gây hại.

- Nhiễm trùng do hệ thống miễn dịch bị suy giảm chức năng bởi bệnh tiểu đường khiến cho cơ thể dễ bị nhiễm trùng, nấm sinh dục, nhiễm trùng da…

- Rối loạn tình dục: biểu hiện qua các chứng bệnh ở cả nam và nữ như xuất tinh sớm, rối loạn cương dương, giảm ham muốn tình dục…

- Nhìn mờ.

Biến chứng của bệnh đái tháo đường

Sự nguy hiểm của bệnh đái tháo đường là những tổn thương (biến chứng) do đường máu tăng cao kéo dài gây ra tại các cơ quan đích như: tim, thận, mắt, thần kinh và mạch máu. Cách phòng ngừa biến chứng của bệnh đái tháo đường là người bệnh cần kiểm soát tốt đường huyết bằng cách uống thuốc hoặc tiêm insulin đủ liều lượng, đúng thời gian mỗi ngày. Phòng tránh nhiễm khuẩn, chấn thương, stress sẽ giúp loại bỏ các yếu tố gây ảnh hưởng đến lượng đường trong máu. Ngoài ra còn chú ý đến chế độ ăn uống và vận động hợp lý, thường xuyên.

Trong đó chú ý các biến chứng cấp tính của bệnh đái tháo đường là những biến chứng xảy ra đột ngột trong thời gian ngắn và rất dễ tử vong nếu không được xử trí hay cấp cứu kịp thời, bao gồm: hạ đường huyết do sử dụng quá liều thuốc hạ đường huyết; ăn uống kiêng khem quá mức hoặc không ăn nhưng vẫn dùng thuốc; tập luyện quá sức hay uống quá nhiều rượu… Dấu hiệu nhận biết: đói cồn cào, mệt mỏi, run chân tay, bủn rủn, vã mồ hôi, choáng váng, hồi hộp đánh trống ngực. Cách xử trí: khi có dấu hiệu hạ đường huyết nhẹ và trung bình, người bệnh phải nhanh chóng ăn nhẹ như cháo loãng, súp hoặc uống một cốc nước đường, hay ăn 1 chiếc kẹo và nằm nghỉ ngơi yên tĩnh. Khi tỉnh táo trở lại, nên được ăn đầy đủ chất dinh dưỡng. Trong trường hợp hạ đường huyết nặng cần đưa người bệnh đi cấp cứu ngay lập tức để được xử trí kịp thời.

Một biến chứng cấp tính khác của bệnh đái tháo đường là hôn mê do tăng đường huyết: đường huyết quá cao có thể gây hôn mê do nhiễm toan ceton hay tăng áp lực thẩm thấu. Đây là biến chứng nặng và rất dễ tử vong, đòi hỏi người bệnh phải được cấp cứu ngay lập tức.

TS.BS Nguyễn Trọng Nơi

Tin xem nhiều