Báo Đồng Nai điện tử
En

Chú trọng đào tạo việc làm cho người lao động

06:10, 10/10/2017

Ngày 9-10, đoàn công tác của Ủy ban Các vấn đề xã hội Quốc hội đã làm việc với Sở Lao động - thương binh và xã hội về thực hiện chính sách, pháp luật về lao động, việc làm, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Ngày 9-10, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đã dẫn đầu đoàn công tác làm việc với Sở Lao động - thương binh và xã hội để nắm bắt tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về lao động, việc làm, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh.

Công nhân Công ty TNHH World Vina (xã Phước Thái, huyện Long Thành, chuyên sản xuất áo mưa, túi ny-lông) trong giờ làm việc. Ảnh: H.DUNG
Công nhân Công ty TNHH World Vina (xã Phước Thái, huyện Long Thành, chuyên sản xuất áo mưa, túi ny-lông) trong giờ làm việc. Ảnh: H.DUNG

Tại buổi làm việc, các vấn đề như: thu hút người lao động học nghề sau thất nghiệp, đảm bảo quyền, lợi ích cho người lao động; đi trước, đón đầu, đào tạo việc làm tăng thêm cho người dân thuộc diện phải giải phóng mặt bằng của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành… được đoàn công tác rất quan tâm.

* Bảo vệ quyền lợi người lao động

Ông Huỳnh Văn Tịnh, Giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội, cho biết Đồng Nai đang đẩy mạnh mô hình đào tạo kép, đào tạo lao động theo tín hiệu của thị trường chứ không chạy theo những chỉ tiêu được đưa ra. Riêng với việc đào tạo lao động bị thu hồi đất trong dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, tỉnh đã tách thành dự án riêng và trình Ủy ban Kinh tế của Quốc hội xem xét. Tỉnh sẽ áp dụng cơ chế đặc thù ngoài cơ chế chung để tạo việc làm, ổn định cuộc sống cho người dân trong diện này.

Theo ông Phạm Văn Cộng, Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội, thời gian qua tình trạng doanh nghiệp trong tỉnh chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật không nhiều.

Đến nay, có 3 doanh nghiệp đã thỏa thuận chấm dứt hợp đồng với hơn 1,5 ngàn lao động trên 35 tuổi, gồm: Công ty TNHH Pouchen Việt Nam, Công ty cổ phần Taekwang Vina Industrial (TP.Biên Hòa) và Công ty Changshin Việt Nam (huyện Vĩnh Cửu). Tổng số tiền các công ty đã trả cho người lao động nghỉ việc là 348 tỷ đồng.

Ngoài ra, có Công ty TNHH Splendour (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 1, huyện Nhơn Trạch) thực hiện chưa đúng quy định của pháp luật khi chèn ép người lao động phải đổi hợp đồng để nhận mức lương thấp hơn.

Nhằm bảo vệ quyền lợi cho người lao động, các ngành chức năng trong tỉnh đã nhiều lần thanh, kiểm tra, yêu cầu các doanh nghiệp chấn chỉnh những việc làm trái pháp luật.

“Phía Công đoàn các cấp cũng tiến hành tuyên truyền để người lao động hiểu quyền lợi của mình khi nghỉ việc sớm. Để làm được như vậy, Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở phải bản lĩnh, để vừa bảo vệ quyền lợi cho người lao động, vừa không làm mất lòng chủ doanh nghiệp” - bà Nguyễn Thị Như Ý, Phó chủ tịch thường trực Liên đoàn Lao động tỉnh, nhấn mạnh.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Như Ý, việc tính lương hưu mới từ ngày 1-1-2018 có ảnh hưởng lớn đến lao động nữ. Theo đó, lao động nữ đủ 55 tuổi, nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi phải có đủ 30 năm đóng bảo hiểm xã hội mới được hưởng tối đa 75% mức bình quân tiền lương hàng tháng (trước năm 2018 chỉ cần đóng đủ 25 năm là được hưởng tỷ lệ tối đa 75%). Do đó, Liên đoàn Lao động tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ với các bên để tuyên truyền, nâng cao kiến thức, đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Đào tạo nghề cho lao động trẻ tại Trường trung cấp kinh tế - kỹ thuật Đồng Nai( huyện Nhơn Trạch).
Đào tạo nghề cho lao động trẻ tại Trường trung cấp kinh tế - kỹ thuật Đồng Nai( huyện Nhơn Trạch).

* Thu hút học nghề sau thất nghiệp

Từ năm 2015 đến nay, bình quân mỗi năm toàn tỉnh có khoảng 36 ngàn người nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp (trong độ tuổi từ 25-40 chiếm 61%).  Tuy nhiên, nghịch lý là mặc dù có chế độ được hỗ trợ học nghề sau thất nghiệp nhưng số người đăng ký học nghề chiếm rất thấp. Trong 3 năm gần đây, chỉ có hơn 4,9 ngàn người đồng ý hỗ trợ học nghề trong tổng số hơn 106 ngàn người được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

“Nguyên nhân là do lao động phổ thông rất dễ kiếm việc làm tại Đồng Nai. Do đó, xuất hiện nhiều trường hợp người lao động xin nghỉ chỗ này để được hưởng tiền trợ cấp thất nghiệp, đồng thời xin việc chỗ khác với thu nhập cao hơn, điều kiện tốt hơn nên không có nhu cầu học nghề. Mặt khác, hơn 60% lao động nhập cư cũng chỉ có nhu cầu làm việc luôn chứ không mặn mà với việc học nghề rồi mới đi làm” - ông Huỳnh Ngọc Long, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai, cho hay.

Ông Phan Văn Mến, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh, cho biết toàn tỉnh mới có khoảng 10 ngàn/26,8 ngàn doanh nghiệp tham gia đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Năm 2017, bảo hiểm xã hội gặp rất nhiều khó khăn do tình trạng người lao động “nhảy việc”. Riêng 6 tháng đầu năm toàn tỉnh đã giảm 19 ngàn người tham gia bảo hiểm xã hội.

Về vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi đề nghị Đồng Nai phải nghiên cứu, có chính sách để thu hút người lao động học nghề sau thất nghiệp. Có thể sẽ phải nâng mức hỗ trợ học nghề từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo nghề thực chất cho người lao động.

Ông Lợi cũng nhấn mạnh: “Hiện nay có rất nhiều người muốn thôi việc để hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Số tiền đó chỉ là cái lợi trước mắt đối với người lao động, còn về lâu dài sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến an sinh xã hội và nhiều vấn đề khác”.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều