Báo Đồng Nai điện tử
En

Đừng để trẻ cô đơn ngay trong nhà mình

07:10, 24/10/2017

Nhiều bậc cha mẹ đã và đang lạm dụng các thiết bị thông minh như điện thoại, máy tính bảng để "dụ" trẻ ngồi yên, hoặc "biết" nghe lời để mình "rảnh tay" dành thời gian cho các công việc khác. Điều này đã vô tình gây nên những tác động xấu tới sự phát triển về tình cảm, nhận thức, hành vi và sức khỏe tâm thần của trẻ.

Nhiều bậc cha mẹ đã và đang lạm dụng các thiết bị thông minh như điện thoại, máy tính bảng để “dụ” trẻ ngồi yên, hoặc “biết” nghe lời để mình “rảnh tay” dành thời gian cho các công việc khác. Điều này đã vô tình gây nên những tác động xấu tới sự phát triển về tình cảm, nhận thức, hành vi và sức khỏe tâm thần của trẻ.

Một trẻ nhỏ mải mê với chiếc điện thoại. Ảnh: C.NGHĨA
Một trẻ nhỏ mải mê với chiếc điện thoại. Ảnh: C.NGHĨA

Để con chịu ngồi yên ăn uống khi tới bữa, chị Đặng Thị Thu Thảo (ở KP. 3, phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) thường dùng điện thoại mở các clip phim hoạt hình “dụ” con trai mình. Rồi từ khi nào không hay, con chị bị “nghiện” điện thoại. Điện thoại chính là “vũ khí” để con chị chịu ăn uống và ngồi một mình để chị rảnh rỗi làm việc khác.

“Dụ” trẻ

Trẻ cần gần gũi cha mẹ hơn là chiếc điện thoại

TS.Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, giảng viên Trường đại học sư phạm TP.Hồ Chí Minh, cho hay cha mẹ đừng vô tình biến con em mình trở thành “nô lệ” của những thiết bị thông minh như điện thoại hay máy tính bảng, nhất là khi các em chưa thể ý thức được cách dùng như thế nào là tốt. Thay vì dành quá nhiều thời gian cho công việc, cha mẹ cần sắp xếp thời gian gần gũi và chia sẻ với con cái nhiều hơn, để con mình cảm thấy không có cảm giác cô đơn, phải tìm tới những thiết bị hay phương tiện khác để có sự giao tiếp tốt hơn.

 

Chị Thảo cho hay, lúc con chị được 8 tháng tuổi đã bắt đầu mê những đoạn clip quảng cáo, phim hoạt hình trên điện thoại. Chị thậm chí còn cảm thấy mừng vì con có những phản ứng thích thú khi xem điện thoại. Việc ăn uống của con chị trở nên nhanh và dễ dàng hơn khi có chiếc điện thoại để trước mặt hay cầm trên tay. Tới khi con chị Thảo được hơn 2 tuổi, nhận thấy việc quan sát của con không được bình thường, chị Thảo đưa con lên Bệnh viện mắt TP.Hồ Chí Minh khám mới biết con chị bị cận thị.

Ngoài ra, con chị Thảo còn có biểu hiện ít nói, dễ cáu gắt và hay ăn vạ. Chị Thảo chia sẻ, những biểu hiện của con là do mỗi lần chị yêu cầu ngừng chơi điện thoại mà con không chịu nghe lời, chị đành giật điện thoại từ tay con. Nhiều lần làm như vậy đã khiến con có thói quen cáu gắt và hay ăn vạ. Khi phát hiện nhiều biểu hiện không bình thường của con, vợ chồng chị Thảo đã phải cẩn trọng hơn, dừng “dụ” con bằng điện thoại và dành nhiều thời gian hơn cho con.

Để tiện liên lạc, chị Đỗ Thị Phương Lan (phường Bửu Long, TP.Biên Hòa) đã sắm cho con mình (mới học lớp 5) một chiếc điện thoại thông minh đắt tiền. Vì tin con và do không có thời gian nên chị Lan đã không kiểm soát thời gian và những việc con đã làm với chiếc điện thoại. Khi thấy kết quả học tập của con giảm sút, về nhà con ít giao tiếp với ông bà, cha mẹ, chị Lan mới nghĩ tới “thủ phạm” đó chính là chiếc điện thoại. Khi kiểm tra điện thoại của con, chị Lan “té ngửa” khi con cài rất nhiều trò chơi trực tuyến, lập cả facebook cá nhân để “chát” với bạn bè…

Hậu quả nhiều hơn hiệu quả

Theo các chuyên gia tâm lý, khi cha mẹ thường cho trẻ dùng các thiết bị thông minh, như: điện thoại di động, máy tính bảng sẽ để lại nhiều hậu quả tới sự phát triển của trẻ. Trẻ sẽ dễ bị rối loạn nhận thức, hành vi, có biểu hiện mất ngủ, ngủ hay giật mình, dễ bị tự kỷ, cáu gắt. Việc “nghiện” các thiết bị nói trên còn để lại các bệnh như giảm thị lực do bị bức xạ sóng điện từ, ảnh hưởng tới sự phát triển của xương cột sống do ngồi không đúng cách và quá lâu để xem, thậm chí là cả bệnh béo phì do trẻ ít vận động.

Phó trưởng khoa Tâm lý Trường đại học khoa học - xã hội và nhân văn (Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh), Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học tâm lý giáo dục Đồng Nai Lê Minh Công nhấn mạnh việc cho trẻ tiếp xúc với điện thoại tưởng chừng như vô hại, nhưng nếu quá lạm dụng sẽ để lại nhiều hậu quả rất tai hại. Ngoài việc gây hại tới sức khỏe, kết quả học tập thì còn ảnh hưởng tới sự phát triển về tính cách, nhân cách của trẻ trong quá trình phát triển. Cụ thể là trẻ có thể mắc vào các hội chứng trầm cảm, sống nội tâm, sống trong thế giới ảo nhiều hơn trong thế giới thật.

Nhiều trẻ ban đầu được cha mẹ đưa cho chiếc điện thoại hay máy tính bảng chỉ xem những đoạn clip về quảng cáo, phim hoạt hình, nhưng chỉ sau thời gian đã biết tự khám phá cả những game trực tuyến phức tạp, lập trang facebook cá nhân giao lưu kết bạn, thậm chí tiếp xúc với cả những trang web đen. Khi cha mẹ không cho chơi điện thoại, máy tính bảng nữa thì trẻ có thể lén đến các tiệm internet để chơi.

Cô Nguyễn Thị Kim Khánh, Hiệu trưởng Trường THCS Thống Nhất (TP.Biên Hòa), cho biết để học sinh không bị ảnh hưởng tiêu cực từ điện thoại hay máy tính bảng dẫn đến kết quả học tập bị giảm sút và các hệ lụy khác, ở trường giáo viên chủ nhiệm các lớp đều kiểm soát rất chặt chẽ. Trong các giờ học, giáo viên phát hiện học sinh dùng điện thoại là “tịch thu” và báo cho phụ huynh biết. Tuy nhiên, cô Kim Khánh băn khoăn là khi học sinh về nhà thì cha mẹ lơ là không kiểm soát tốt, nhiều em coi chiếc điện thoại thông minh hay chiếc máy tính bảng như một vật bất ly thân mà cha mẹ không thể kiểm soát. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả học tập của các em.

Công Nghĩa

Tin xem nhiều