Báo Đồng Nai điện tử
En

Người nghèo không đơn độc

07:10, 24/10/2017

Ở Đồng Nai, người nghèo không hề đơn độc. Họ luôn được cả xã hội quan tâm tạo điều kiện để phát triển cuộc sống kinh tế, tiếp cận với các dịch vụ chăm lo sức khỏe, văn hóa, học tập…

Ở Đồng Nai, người nghèo không hề đơn độc. Trái lại, họ luôn được cả xã hội quan tâm, tạo điều kiện để thay đổi đời sống theo hướng tích cực.

Bà Đinh Thị Thu Vân (ấp Suối Rút, xã Phú Túc, huyện Định Quán) cùng chồng chuẩn bị xay đậu nành để bán.
Bà Đinh Thị Thu Vân (ấp Suối Rút, xã Phú Túc, huyện Định Quán) cùng chồng chuẩn bị xay đậu nành để bán.

Trong đó, bên cạnh những chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, người nghèo ở Đồng Nai còn được cả cộng đồng chung tay giúp sức để phát triển kinh tế, tiếp cận với các dịch vụ chăm lo sức khỏe, văn hóa, học tập…

* Từ sự quan tâm của nhà nước...

Cũng giống như tất cả tỉnh, thành khác trong cả nước, hộ nghèo, hộ khó khăn ở Đồng Nai luôn được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi từ ngân hàng chính sách xã hội cũng như nhiều nguồn tín dụng khác để phát triển kinh tế.

Theo đại diện Ban vận động Quỹ Vì người nghèo tỉnh, trong 9 tháng năm 2017, quỹ vì người nghèo các cấp đã nhận được hơn 17,6 tỷ đồng đóng góp phát triển quỹ, nâng tổng số tiền hiện có của quỹ hiện nay lên hơn 33,5 tỷ đồng. Cũng trong thời gian này, ủy ban MTTQ các cấp đã phối hợp với các đoàn thể tổ chức thành viên xây dựng, sửa chữa 256 căn nhà tình thương, trị giá gần 9,5 tỷ đồng.

Đồng Nai còn có thêm dự án hỗ trợ vốn cho hộ nghèo mua phương tiện sản xuất, kinh doanh từ nguồn Quỹ Vì người nghèo để giảm nghèo bền vững.

Cách làm này được Ủy ban MTTQ huyện Định Quán khởi xướng và triển khai từ năm 2013. Đây được xem là giải pháp hiệu quả “đồng vốn nhỏ nhưng có tác dụng lớn” để kéo giảm số hộ nghèo ở địa phương và hiện đang được nhân rộng thực hiện.

Trong số những người được hưởng lợi từ dự án này có bà Đinh Thị Thu Vân (ngụ ấp Suối Rút, xã Phú Túc, huyện Định Quán). Bà Vân kể: “Cả nhà tôi có 5 miệng ăn nhưng không có đất sản xuất, không nghề nghiệp, 3 con lại còn quá nhỏ nên dù quanh năm suốt tháng đi làm thuê thì vẫn thiếu trước hụt sau. Do đó, dù tôi rất muốn có một số vốn nhỏ để mua máy xay đậu, xe đẩy để bán sữa đậu nành nhưng không làm được”.

Nắm bắt được hoàn cảnh của gia đình bà Vân, Ủy ban MTTQ huyện Định Quán và xã Phú Túc đã đến khảo sát, lắng nghe nhu cầu thực tế của hộ nghèo này. Sau đó, bà Vân được vay 5 triệu đồng để mua cối xay, xe đẩy và vật liệu làm sữa đậu nành, đậu xanh... Trung bình mỗi ngày, trừ các chi phí bà thu nhập được từ 120-150 ngàn đồng. Nhờ đó, bà có tiền nuôi 3 người con ăn học và nay đã là hộ thoát nghèo bền vững của địa phương.

Bên cạnh mô hình tiếp sức người nghèo của huyện Định Quán, từ đầu năm đến nay Thường trực Ban vận động Quỹ Vì người nghèo tỉnh đã phối hợp cùng Ban Tôn giáo, Ban Dân tộc, Ủy ban MTTQ tỉnh, thực hiện đề án “Tổ hợp tác phát triển chăn nuôi dê vượt nghèo” hỗ trợ đồng bào dân tộc Mạ và S’tiêng huyện Tân Phú và đồng bào dân tộc Chơro huyện Vĩnh Cửu.

Đến nay đã có 21 hộ đồng bào Chơro nghèo tại ấp Lý Lịch, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu được nhận 22 con dê trị giá hơn 116 triệu đồng để chăn nuôi giúp cải thiện thu nhập gia đình. Sắp tới, những hộ đồng bào S’tiêng nghèo ở huyện Tân Phú sẽ được nhận sự tiếp sức này.

Ngoài hỗ trợ vốn, để người dân có kiến thức trong việc sử dụng đồng vốn, Đồng Nai còn chú trọng đến công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Năm 2011, ông Đặng Công Minh (ngụ xã Phú Điền, huyện Tân Phú) là hộ nghèo của xã. Sau khi được vay 20 triệu đồng từ nguồn vốn chính sách, ông Minh tham gia lớp tập huấn chăn nuôi bò do Trung tâm dạy nghề huyện Tân Phú tổ chức.

Kiến thức có được từ lớp học đã giúp ông Minh mạnh dạn mua 1 con bò giống về nuôi. Đến nay, sau thời gian chăm sóc, phòng ngừa bệnh chu đáo, nhất là ở thời điểm giao mùa, cho vật nuôi, ông Minh đã phát triển thành 4 con bò. Năm 2016, gia đình này đã chính thức thoát nghèo.

... Đến vòng tay của cộng đồng

Song song với những chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, người nghèo ở Đồng Nai còn được cả cộng đồng chung tay giúp sức.

Người dân tìm kiếm quần áo theo ý thích tại cửa hàng miễn phí cho và nhận tại xã Bàu Hàm 2 (huyện Thống Nhất).
Người dân tìm kiếm quần áo theo ý thích tại cửa hàng miễn phí cho và nhận tại xã Bàu Hàm 2 (huyện Thống Nhất).

Trong đó, phải kể đến mô hình cửa hàng cho và nhận tại huyện Thống Nhất. Với mô hình này, những người nghèo, khó khăn có nhu cầu về quần áo, giày dép hoặc học sinh nào thiếu sách vở, bút, cặp xách... có thể tự đến cửa hàng để lấy miễn phí những gì mình cần. Những nhà hảo tâm, người dân có đồ vật nào còn sử dụng được đem đến quyên góp để ai cần là đến lấy.

Hiện nay, mô hình cho và nhận đã xuất hiện ở 4 xã của huyện Thống Nhất là: Hưng Lộc, Bàu Hàm 2, Quang Trung, Xuân Thiện với 5 cửa hàng. Bà Bùi Thị Chanh (ngụ ấp Trần Cao Vân, xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất) cho biết gia đình bà có hoàn cảnh khó khăn, chạy ăn từng bữa đã khó nên quần áo không nhiều. Hơn 1 tháng nay, từ khi có cửa hàng cho và nhận, bà thường xuyên đến và được những người phụ trách giúp lựa những bộ trang phục phù hợp cho gia đình.

Bên cạnh đó còn có rất nhiều cá nhân có tấm lòng yêu thương đồng bào, mong muốn giúp đỡ những người xung quanh, như trường hợp của ông Cao Xuân Tụ, hội viên Hội Cựu chiến binh xã Tam Phước (TP.Biên Hòa). Từ năm 2015 đến nay, cựu chiến binh này đã tham gia đóng góp ủng hộ quà, học bổng cho học sinh nghèo, giúp đỡ đồng bào khó khăn với số tiền lên đến hơn 1,9 tỷ đồng.

Ngoài ra, rất nhiều cơ quan, doanh nghiệp đã trở thành địa chỉ quen thuộc trong các phong trào hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo. Trong đó, từ năm 2015 đến đầu năm 2017, Công an tỉnh đã đóng góp hơn 17 tỷ đồng; Tổng công ty công nghiệp thực phẩm Đồng Nai đã ủng hộ hơn 4,4 tỷ đồng... cho cuộc vận động “Ngày Vì người nghèo”...

Bài và ảnh: Võ Tuyên

Tin xem nhiều