Chương trình tiếng Anh thí điểm theo đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 được Sở GD-ĐT triển khai từ năm 2012. Theo các giáo viên dạy tiếng Anh, chương trình này đang quá tải với cả giáo viên lẫn học sinh...
Chương trình tiếng Anh thí điểm (hệ 10 năm) theo đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 được Sở GD-ĐT triển khai từ năm 2012 đến nay. Năm học 2017-2018 toàn tỉnh có 82 trường tiểu học, 21 trường THCS, 7 trường THPT thực hiện chương trình thí điểm này.
Cô trò Trường tiểu học Chu Văn An (thị trấn Định Quán, huyện Định Quán) trong giờ học ngoại ngữ. Ảnh: C.Nghĩa |
Theo giáo viên dạy tiếng Anh tại nhiều trường thực hiện thí điểm, chương trình này đang quá tải với cả giáo viên lẫn học sinh, và nếu không cải tiến mà triển khai đại trà sẽ khó khả thi.
* Cô trò cùng gặp khó
Cô Phan Ngọc Mỹ Dung, giáo viên Trường tiểu học Lê Thị Vân (phường An Bình, TP.Biên Hòa), cho biết cái khó là sách giáo khoa của chương trình thí điểm hiện nay chưa hấp dẫn. Học sinh vào trang You Tube để xem các clip tương tự hấp dẫn hơn cả CD của chương trình. Vì vậy, giáo viên rất muốn đưa học sinh “thoát” ra khỏi sách giáo khoa cho bớt nhàm chán.
Từ năm 2012 đến nay, đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 của tỉnh đã được đầu tư 726 bộ thiết bị, 955 bộ thiết bị tiên tiến, bảng tương tác, 578 phần mềm tiếng Anh và 1.689 chiếc cassette. |
Do số lượng kiến thức nhiều nên giáo viên lẫn học sinh phải cùng nhau “bơi”. Với kỹ năng như nói và nghe, giáo viên không có đủ thời gian để luyện cho học sinh. Cô Dung cho rằng cần giảm số lượng kiến thức từ 20 bài xuống còn 10 bài để giáo viên có thời gian truyền đạt sâu hơn cho học sinh, nhất là kỹ năng nghe và nói.
Nhiều giáo viên cũng than phiền do chương trình tiếng Anh thí điểm nặng nên giáo viên rất cực, có khi phải “xin” cả tiết thể dục của giáo viên khác để luyện cho học sinh. Do không có thời gian nên chỉ tới cuối kỳ học sinh mới thi đủ 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết, bình thường chỉ thi 3 kỹ năng là nghe, đọc, viết.
Một giáo viên của TP.Biên Hoà cho biết, kết quả môn tiếng Anh ở nhiều trường vùng ven sau học kỳ I năm học 2016-2017 đã rất “thê thảm”, nhất là với kỹ năng nghe và nói, nên đến đầu học kỳ II, Phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa đã phải họp nhiều lần mới có thể nâng cao hơn chất lượng vào cuối kỳ.
Nhiều giáo viên phản ánh, học sinh học tiếng Anh thí điểm ở nhiều trường vùng nông thôn, thậm chí là cả ở thành phố cũng có “căn bệnh” là lười nghe và sợ nói. Khi học sinh gặp thầy cô quen thì nghe, nói khá tự tin nhưng gặp người lạ lại ấp úng. Với kiến thức nặng, khi giao bài tập về nhà, học sinh rất dễ “bỏ qua”.
* Khó áp dụng đại trà
Theo Sở GD-ĐT, điểm xuất phát thực hiện đề án ngoại ngữ 2020 quá thấp so với mặt bằng tiếng Anh trong khu vực và trên thế giới. Ở bậc tiểu học, môn Tiếng Anh vẫn bị coi là môn tự chọn, còn bậc THCS và THPT môn Tiếng Anh cũng vẫn là môn phụ, thậm chí đến khi thi tốt nghiệp THPT học sinh có quyền chọn môn Địa lý làm môn thay thế cho môn Tiếng Anh, nên chưa tạo cho học sinh ý thức phải học tiếng Anh tốt như các môn bắt buộc khác.
Nhiều trường hiện nay đang quá tải cả về sĩ số học sinh trên lớp, còn cơ sở vật chất chưa đảm bảo cho việc triển khai chương trình này. Cô Bùi Lê Thanh Trúc, giáo viên Trường tiểu học Hòa Bình (phường Xuân Bình, TX.Long Khánh), cho biết: “Môn ngoại ngữ cần bàn ghế có thể xoay chuyển linh hoạt để dễ thảo luận nhóm trong giờ học, nhưng các trường vẫn dùng bàn ghế băng cứng cố định cho 4-5 em/bàn nên khó khăn khi di chuyển thảo luận”.
Trong khi đó, cô Đỗ Thị Cao Sang, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Hưng Đạo, cho biết là trường ở trung tâm TP.Biên Hòa nên nhiều phụ huynh có điều kiện cho con em đi học tiếng Anh từ bé, vì vậy mặt bằng tiếng Anh của học sinh khá cao. Trường có trên 3.400 học sinh nhưng chỉ có 14 giáo viên tiếng Anh. Các giáo viên phải đạt trình độ B2 mới được cử vào dạy chương trình thí điểm nhưng phụ huynh vẫn không hài lòng, có đơn xin đổi giáo viên khác, còn trường thì đã hết giáo viên có năng lực tốt hơn để thay.
Thêm vào đó, việc thực hiện chương trình tiếng Anh khá tốn kém tiền bạc lẫn thời gian, nhất là khi làm bài kiểm tra, thi cử. Cô Sang cho biết thêm: “Trước đây làm bài kiểm tra chỉ tốn 1 tờ giấy A4 in 1 mặt, nhưng giờ thì phải 2 tờ kèm theo phiếu khảo sát. Khi trường không đủ tiền in đề thi thì lại phải xin quỹ Ban đại diện cha mẹ học sinh, mà xin nhiều cũng rất ngại. Vào mùa thi, 2 giáo viên của trường thường phải phụ trách tới gần 500 học sinh”.
Theo Sở GD-ĐT, số giáo viên đạt chuẩn trình độ tiếng Anh B2 để dạy chương trình thí điểm mới chỉ đạt khoảng 72%, C1 là 69%, số giáo viên còn lại đã lớn tuổi nên rất khó đào tạo để đạt trình độ cao hơn. Trong khi đó, chất lượng tiếng Anh cụ thể đầu ra hiện do Sở GD-ĐT khảo sát rất thấp. Qua bài kiểm tra khảo sát xếp lớp tiếng Anh theo đề án ngoại ngữ 2020 do Sở GD-ĐT tổ chức vào mỗi đầu năm học, phần lớn học sinh hoàn thành chương trình tiểu học chưa đạt chuẩn chương trình A1 theo khung của Bộ GD-ĐT. Nhiều giáo viên lo lắng nếu áp dụng đại trà, chương trình tiếng Anh thí điểm hệ 10 năm sẽ khó thành công.
Công Nghĩa