Hiện nay, hầu hết các khoa hô hấp của nhiều bệnh viện trong tỉnh đều quá tải bởi bệnh hô hấp, trong đó nhiều nhất là bệnh viêm phổi.
Hiện nay, hầu hết các khoa hô hấp của nhiều bệnh viện trong tỉnh đều quá tải bởi bệnh hô hấp, trong đó nhiều nhất là bệnh viêm phổi.
Một trẻ bị viêm phổi nặng phải thở máy đang được chăm sóc tại Khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Ảnh: Đặng Ngọc |
Tại Khoa hô hấp Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, trung bình mỗi ngày có từ 100-150 bệnh nhi điều trị nội trú, số ca bệnh tăng 50% so với trước đây, trong đó đa phần bị viêm phổi. Mỗi ngày có từ 7-10 ca viêm phổi, viêm tiểu phế quản nặng, suy hô hấp phải thở máy và điều trị tích cực dài ngày tại Khoa Hồi sức tích cực - chống độc của bệnh viện.
Các ca bệnh nặng thường rơi vào những trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, bị các bệnh nền có sẵn như: tim bẩm sinh, dị tật đường thở, hen phế quản, suy dinh dưỡng, béo phì…
Tiêm ngừa phòng bệnh viêm phổi hiệu quả Bác sĩ Lê Quốc Khánh, Phó trưởng khoa Hô hấp Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, cho rằng tiêm ngừa là một giải pháp hữu hiệu trong phòng ngừa bệnh viêm phổi ở mọi lứa tuổi, nhất là người già và trẻ nhỏ. Trong đó, chú ý tiêm ngừa các vaccine như: cúm, phế cầu, viêm não mô cầu, viêm màng não mủ… Đối với trẻ sơ sinh cần tiêm đủ liều của vaccine 5 trong 1 trong chương trình tiêm chủng mở rộng. |
Như trường hợp bé Tô Nguyễn Lan A., 4 tháng tuổi nặng 4,8kg (ở phường Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) bị bệnh tim bẩm sinh, suy dinh dưỡng. Trong 2 ngày đầu bé chỉ sốt nhẹ, đến ngày sốt thứ 4 bé ho nhiều, thở mệt nên người nhà cho đi khám bệnh tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai thì phát hiện bệnh viêm phổi nặng, phải nhập viện điều trị.
Tuy nhiên, do bé A. có sức đề kháng yếu, chậm đáp ứng điều trị do gặp vi trùng kháng thuốc nên bị suy hô hấp, phải thở máy hơn 10 ngày nay.
Tương tự, tại Khoa Hô hấp Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cũng quá tải. Trung bình mỗi ngày có từ 10-20 ca bệnh mới nhập viện, trong đó phần lớn là bệnh viêm phổi. Có từ 70-80% ca viêm phổi nặng là người cao tuổi có sẵn các bệnh mãn tính như: tim mạch, tai biến mạch máu não, đái tháo đường, hen phế quản… Thậm chí, có rất nhiều trường hợp bị nhiễm vi khuẩn có độc tính cao, kháng nhiều loại kháng sinh, phải điều trị thuốc đặc trị đắt tiền, thời gian kéo dài cả tháng.
Theo bác sĩ Lê Quốc Khánh, Phó trưởng khoa Hô hấp Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, bệnh viêm phổi khởi phát từ cảm cúm, viêm họng, viêm phế quản. Nếu những bệnh này không được điều trị đúng cách, bệnh sẽ diễn tiến nặng sang viêm phổi với những biểu hiện bất thường ở đường hô hấp, như: ho, tức ngực, tăng tiết đàm xanh, vàng…
Bác sĩ Khánh lưu ý, thông thường khi bị cảm cúm, viêm họng, viêm phế quản, nhiều người chủ quan tự ý đi mua thuốc uống. Nếu chỉ nghe kể bệnh mà cho thuốc uống sẽ không chính xác, không đánh giá được mức độ nặng nhẹ của bệnh, dễ gây lờn thuốc, kháng thuốc khiến việc điều trị bệnh rất khó khăn, chi phí điều trị cao, thời gian nằm viện kéo dài. Nếu không được điều trị kịp thời, đúng mức, bệnh viêm phổi sẽ chuyển sang suy hô hấp, nguy cơ tử vong rất cao.
Đối với trẻ nhỏ, bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, cảnh báo bệnh viêm phổi lây qua đường hô hấp nên bệnh rất dễ lây lan trong cộng đồng. Thời gian gần đây xuất hiện nhiều dòng vi trùng có độc tính cao, kháng đa thuốc nên nhiều trẻ có bệnh diễn tiến nặng: khó thở, tím tái, suy hô hấp, dùng kháng sinh liều cao, phải thở máy dài ngày, thời gian điều trị từ 1-2 tuần.
Do đó, khi có biểu hiện của bệnh viêm phổi nêu trên cần khám bác sĩ, làm các cận lâm sàng để đánh giá mức độ nặng, nhẹ của bệnh viêm phổi để điều trị kịp thời, tránh bệnh diễn tiến nặng. Mặt khác, hiện đang trong mùa bệnh viêm phổi, công tác phòng ngừa bệnh cũng rất quan trọng.
Trong đó, ngoài việc vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát còn chú trọng đến chế độ dinh dưỡng đầy đủ; thường xuyên rèn luyện thể dục - thể thao để tăng cường sức đề kháng. Đối với người nhiễm bệnh viêm phổi, tránh ho, khạc nhổ đàm bừa bãi, dễ lây bệnh sang người khác; tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ.
Đặng Ngọc