Những ngày này, cùng với thiếu nhi ở mọi miền đất nước, trẻ em ở ấp 2, xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu) đang háo hức vui đón Trung thu - còn gọi là Tết đoàn viên.
Những ngày này, cùng với thiếu nhi ở mọi miền đất nước, trẻ em ở ấp 2, xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu) đang háo hức vui đón Trung thu - còn gọi là Tết đoàn viên.
Người lớn, trẻ con ở ấp 2, xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu) cùng tập trung về Nhà văn hóa ấp xem múa lân. |
Nếu như các năm trước, trẻ em các nhà ở đâu chơi ở đó, lồng đèn của ai nấy chơi, bánh của ai người đó ăn, thì Trung thu này thật ý nghĩa với các em khi phụ huynh, thầy cô giáo và những sinh viên đến từ TP.Hồ Chí Minh đã cùng nhau góp sức để các em có một ngày vui chung.
* Tiếng cười nơi bìa rừng
Ông Trần Hữu Nghĩa, Trưởng ấp 2 (xã Mã Đà) cho hay đây là lần đầu tiên không chỉ trẻ em mà là tất cả người dân trong ấp đón một mùa trung thu lớn đến vậy.
Cũng theo ông Trần Hữu Nghĩa, diện tích ấp 2 rất rộng với nơi xa nhất cách trung tâm ấp đến gần 13km. Nhiều gia đình sống sát bìa rừng hay ngay mép lòng hồ Trị An để tiện cho việc mưu sinh nên hoàn toàn tách biệt với những hộ khác. Nơi tập trung đông hộ dân nhất cũng chỉ có vài chục nóc nhà. Do vậy mà cứ đến mùa trung thu là nhà nào tự chơi nhà nấy, xóm nào biết xóm đó mà thôi.
Dù chỉ là các tiết mục cây nhà lá vườn nhưng các em thiếu nhi ở ấp 2, xã Mã Đà vẫn chăm chú theo dõi và dành tràng pháo tay cho bạn của mình. |
Mùa trung thu năm nay được xem là lớn nhất, rộn ràng nhất không chỉ của 202 trẻ em sống nơi vùng quê này mà còn có hàng trăm phụ huynh cùng đón trung thu một nơi.
“Lần đầu tiên em được cùng các anh chị sinh viên tự tay làm một chiếc lồng đèn kéo quân cao hơn người em và lớn bằng mấy vòng tay của 2 người. Em vui lắm” - em Võ Trần Gia Huy (7 tuổi, ngụ Trảng B, ấp 2) nói.
Còn em Nguyễn Thị Thanh Hằng (10 tuổi, nhà gần hồ Trị An, ấp 2, xã Mã Đà) thì cho hay: “Năm nào em cũng được mẹ mua cho lồng đèn, bánh trung thu nhưng chỉ có 3 chị em chơi với nhau trong sân nhà. Năm nay có rất đông bạn cùng đến Nhà văn hóa của ấp 2 để đón Trung thu nên đây là lần đầu em được rước đèn, ăn bánh trung thu, được chơi trò chơi, xem múa lân với nhiều bạn như vậy”.
Niềm vui của những em nhỏ - đối tượng chính được chăm lo trong tết đoàn viên đã lớn, song niềm vui này với phụ huynh cũng không hề nhỏ.
Bà Nguyễn Thị Thanh (40 tuổi, ngụ ấp 2, xã Mà Đà) cho biết sống ở bìa rừng mấy chục năm, nhưng đây là lần đầu tiên bà được thấy trong ngày đón Trung thu của trẻ con có đoàn múa lân về tận trong ấp để diễn cho mọi người xem. Khi biết tin, bà cùng mấy người hàng xóm tranh thủ đi rẫy về sớm hơn, ăn cơm sớm hơn mọi ngày để kịp đến xem múa lân.
Niềm vui của thiếu nhi ở ấp 2, xã Mã Đà trong đêm rước đèn. Khắp nơi chăm lo cho trẻ em |
Nhưng vui nhất là những ông cha, bà mẹ có con tham gia múa hát trong đêm đón Trung thu. Chốc chốc trong đám đông khán giả đang theo dõi các tiết mục múa hát lại vang lên những tiếng cười, cánh tay đưa lên chỉ về phía sân khấu để giới thiệu một cách tự hào: “Con gái tôi đó, lần đầu nó múa mà cũng coi được ha”, “ở chung xóm mà tôi đâu biết mấy đứa nhỏ hát hay vậy đâu”...
* Tấm lòng của những sinh viên
Càng vui với đêm trung thu mà theo bà con, các em nhỏ là lớn nhất và ý nghĩa nhất từ trước đến nay, người dân ấp 2 không quên dành những tình cảm đặc biệt cho nhóm bạn trẻ đến từ Khoa Y Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh.
“Khi thấy các cháu sinh viên vui vẻ, nhiệt tình, tổ chức nhiều trò vui cho bọn nhỏ từ sáng đến tối, tôi vui lắm. Không phải thanh niên nào cũng vượt đường xa gần 80km về nơi vắng vẻ này vào ngày nghỉ để tốn công, tốn sức lo cho những đứa trẻ xa lạ trong ngày Trung thu” - ông Trần Văn Minh (53 tuổi, ngụ ấp 2, xã Mã Đà) nói.
Nụ cười của thiếu nhi ở ấp 2, xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu) khi được các thành viên trong nhóm sinh viên Khoa Y Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh trao tặng lòng đèn. |
Sinh viên năm 3 Đỗ Thị Thùy Dương chia sẻ rằng để tổ chức chương trình này, mỗi người trong nhóm đã tham gia bán hàng lưu niệm, đồ ăn vặt cho sinh viên trong trường gần 2 tháng. Có sinh viên vận động hàng xóm, gia đình ủng hộ tiền, cũng có người đóng góp từ số tiền có được khi đi làm thêm...
Ông Nguyễn Văn Trung (64 tuổi, ngụ ấp 2, xã Mã Đà) bày tỏ: “Các cháu là sinh viên, sống phụ thuộc vào gia đình mà còn biết tự dành dụm, tự tạo ra tiền để giúp cho con em mình có mùa Trung thu vui vẻ. Có lẽ từ năm sau trong ấp sẽ gắn kết với nhau bằng cách tự đóng góp tùy theo sức của từng nhà để làm như hôm nay”.
Võ Tuyên