Gần đây, số người bị bệnh đột quỵ nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai ngày càng gia tăng. Trong đó, tỷ lệ bệnh nhân trẻ tuổi có xu hướng tăng lên.
Gần đây, số người bị bệnh đột quỵ nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai ngày càng gia tăng. Trong đó, tỷ lệ bệnh nhân trẻ tuổi có xu hướng tăng lên.
Một bệnh nhân bị bệnh đột quỵ não khi mới 18 tuổi đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. |
Theo BS.CKI Nguyễn Đình Quang, Trưởng khoa Nội thần kinh Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, bệnh đột quỵ nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng, nhất là đối với người trẻ, như tàn phế suốt đời, thậm chí khả năng tử vong cao, đứng thứ 3 sau tim mạch và ung thư.
* Nguy cơ tàn phế, tử vong cao
Ngày 5-6, bà Nguyễn Thị Kim D. (38 tuổi, ngụ phường Tân Phong, TP.Biên Hòa) đang làm việc tại một công ty ở TP.Biên Hòa thì bỗng nhiên bị ngất xỉu. Bà D. liền được đưa đến phòng y tế công ty để cấp cứu thì hồi tỉnh lại nhưng không nói được. Hơn 4 giờ sau, người nhà nhận được thông tin và đưa bà D. đến Bệnh viện đa khoa Đồng Nai chữa trị.
Trong năm 2016, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai đã tiếp nhận hơn 1,6 ngàn ca đột quỵ, trong đó tỷ lệ bệnh nhân trẻ tuổi (dưới 50 tuổi) có xu hướng tăng lên, chiếm gần 19%. Riêng 5 tháng đầu năm 2017, trong hơn 700 bệnh nhân đột quỵ, thì có đến hơn 21% bệnh nhân trẻ tuổi. |
BS.CKI Nguyễn Đình Quang cho hay, đây là một trường hợp đột quỵ với tuổi đời còn trẻ, bệnh nhân có tiền sử bị tăng huyết áp. Khi tiếp nhận bệnh nhân, bác sĩ cũng nghĩ ngay đến bệnh đột quỵ và cho chụp CT, nhưng chưa phát hiện được tổn thương nên phải cho chụp MRI để xác định bệnh. Kết quả, bệnh nhân bị nhồi máu não do bị tắc một mạch máu não lớn ở bên trái.
Vì bệnh nhân D. được đưa đến bệnh viện quá muộn, lúc tiếp nhận bệnh nhân đã hơn 5 giờ sau khi bị bệnh, không còn trong “thời gian vàng” (khoảng 3 giờ sau khi bị đột quỵ), do đó không thể điều trị tích cực bằng thuốc tiêu sợi huyết hoặc can thiệp nội mạch bằng cách dùng dụng cụ lấy huyết khối trong não. Hơn nữa, việc chẩn đoán trường hợp này khá khó khăn do bệnh nhân không bị yếu liệt như các trường hợp đột quỵ thông thường, mà chỉ không nói được. Hiện nay bệnh nhân đang phải dùng thuốc để điều trị dài ngày tại bệnh viện và khả năng hồi phục ngôn ngữ, giao tiếp cũng khó khăn.
Theo bác sĩ Quang, bệnh đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não là tình trạng nhu mô não bị thiếu máu nuôi, do mạch máu bị tắc nghẽn (nhồi máu não) hoặc mạch máu vỡ không do chấn thương (xuất huyết não). Khi thiếu máu nuôi, não sẽ ngưng hoạt động rồi chết đi trong vài giây đến vài phút. Biểu hiện lâm sàng của đột quỵ là liệt nửa người, tê và mất cảm giác nửa người, nói khó hoặc không nói được hoặc hôn mê...
Bệnh đột quỵ là hậu quả của các bệnh khác đưa tới, chứ nó không tự xảy ra. Một số nguyên nhân dẫn đến bệnh, như: bệnh nhân có bệnh tăng huyết áp, rung nhĩ, tiểu đường, rối loạn lipid máu. Ngoài ra, các yếu tố như: môi trường, chế độ ăn uống không hợp lý, stress, hút thuốc lá… cũng là nguy cơ dẫn đến đột quỵ.
* Phát hiện sớm để cứu chữa kịp thời
BS.CKI Nguyễn Đình Quang cho biết bệnh đột quỵ thường khởi phát đột ngột. Bệnh nhân đang lao động, sinh hoạt bình thường, đột nhiên xuất hiện các triệu chứng tổn thương thần kinh: khó nói, mặt méo, tay, chân yếu liệt… Ngay khi bị các dấu hiệu này cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt để tận dụng thời gian vàng để cứu chữa kịp thời. Qua khoảng thời gian này sẽ không điều trị tích cực được nữa, dẫn đến nguy cơ tử vong và tàn phế, như: liệt nửa thân, tứ chi, mất thăng bằng, khó nói, không giao tiếp được…
Để phòng tránh bệnh đột quỵ, người bệnh nên phát hiện sớm và theo dõi, điều trị các căn bệnh tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, đái tháo đường, bởi những bệnh nhân mắc các bệnh trên thì nguy cơ đột quỵ càng cao. Với những bệnh nhân tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn lipid máu phải được điều trị bằng thuốc và chế độ ăn uống hợp lý để phòng tránh đột quỵ.
Bệnh đột quỵ thường gặp ở người trung niên và cao tuổi (từ 50 tuổi trở lên), nhưng thời gian gần đây bệnh đột quỵ có xu hướng trẻ hóa. Vì vậy, người trẻ tuổi nên kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện có bị bệnh tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn lipid máu hay không để điều trị bệnh kịp thời, phòng ngừa nguy cơ đột quỵ. Bên cạnh đó, cần có lối sống lành mạnh, nên sử dụng thức ăn nhiều chất xơ, giảm ăn mặn, giảm chất béo (mỡ, nội tạng động vật). Bệnh nhân bị tiểu đường thì kiêng đường, hạn chế tinh bột, tăng cường rau xanh trong khẩu phần ăn; đồng thời cần tăng cường vận động, đi lại, tập luyện thể thao; tránh các chấn động thần kinh, lo âu, căng thẳng, hút thuốc lá, bia rượu để phòng ngừa bệnh đột quỵ.
Thảo Anh (ghi)