Trong tháng 6 và nửa tháng 7-2017, toàn tỉnh ghi nhận sự gia tăng nhanh chóng của một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, như: sốt xuất huyết, viêm não, tay chân miệng.
Trong tháng 6 và nửa tháng 7-2017, toàn tỉnh ghi nhận sự gia tăng nhanh chóng của một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, như: sốt xuất huyết, viêm não, tay chân miệng.
Một trẻ sơ sinh bị viêm màng não đang được điều trị tích cực tại Khoa Hồi sức tích cực - chống độc. Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai. |
Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Đồng Nai Bạch Thái Bình cho biết từ nửa đầu tháng 7-2017, số ca bệnh được chẩn đoán sốt xuất huyết (nghi sốt xuất huyết và đã mắc sốt xuất huyết) được ghi nhận trên hệ thống cảnh báo dịch tăng khá cao so với cùng kỳ tháng 6. Với tốc độ tăng này có thể số ca sốt xuất huyết của tỉnh trong tháng 7 sẽ tăng khoảng 20% so với tháng 6 (tháng 6 là trên 270 ca).
* Suýt mất mạng vì sốt xuất huyết nặng
Sốt xuất huyết tăng nhẹ Trong 6 tháng đầu năm 2017, số ca mắc sốt xuất huyết toàn tỉnh gần 1,7 ngàn ca, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó có 1 ca tử vong, giảm 1 ca so với cùng kỳ năm 2016. Một trong những nguyên nhân số ca sốt xuất huyết 6 tháng đầu năm 2017 tăng nhẹ là do tình trạng bệnh sốt xuất huyết tăng đột biến tại huyện Nhơn Trạch với hơn 500 ca, tăng 176% so với cùng kỳ năm 2016, cao hơn cả TP.Biên Hòa. Ngành y tế đã phối hợp với chính quyền huyện Nhơn Trạch dập dịch, đến nay số ca sốt xuất huyết ghi nhận trên địa bàn huyện Nhơn Trạch giảm 50% so với 3 tuần trước đó. |
Theo thông tin từ Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, từ tháng 6 đến nay số ca sốt xuất huyết nhập viện tăng nhẹ, trong đó đã xuất hiện nhiều ca sốt xuất huyết nặng, có sốc, nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Như trường hợp bé T.T.Q. ở xã Quảng Tiến (huyện Trảng Bom) nhập viện trong tình trạng bị sốt xuất huyết Dengue, sốc, tổn thương gan, tràn dịch phổi... phải được điều trị tích cực bằng thở máy, lọc máu với chi phí chữa bệnh khá cao, lên đến khoảng 250 triệu đồng.
Tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, số ca sốt xuất huyết điều trị nội trú từ đầu tháng 7 đến nay tăng gấp đôi so với cùng kỳ tháng 6. Trung bình mỗi ngày, khoa nhiễm có 10-16 ca bệnh mới nhập viện thì có đến hơn 50% là sốt xuất huyết, một số ca sốt xuất huyết nặng, có sốc, mạch nhanh, huyết áp tuột, nôn ra máu. Một vài ca suy giảm tế bào gan gây suy gan, thậm chí có ca xuất huyết tử cung ở phụ nữ mang thai gây nguy cơ xảy thai rất cao.
Cụ thể, như: trường hợp chị N.T.L. (23 tuổi, ngụ tại xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom) đang mang thai tuần thứ 14 điều trị sốt xuất huyết Dengue nặng, có xuất huyết tử cung gây nguy cơ xảy thai cao.
Bác sĩ Đồng Minh Hùng, Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, cho biết một trong những tai biến nặng của sốt xuất huyết là gây xuất huyết nội như: xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết tử cung, thậm chí còn gây xuất huyết não. Phụ nữ có thai bị sốt xuất huyết rất nguy hiểm, dễ bị xuất huyết tử cung làm dọa xảy thai, nguy cơ sinh non cao, thậm chí xảy thai.
* Tử vong nghi do viêm màng não
Đầu tháng 7-2017 đã có một trường hợp trẻ tử vong nghi do viêm màng não. Bệnh nhân là bé T.N.Đ.P. (16 tháng tuổi, ngụ tại KP.7, phường Long Bình, TP.Biên Hòa). Bé P. nhập viện Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai vào sáng 6-7 trong tình trạng sốt cao, nôn ói, tiêu chảy, co giật, suy hô hấp.
Dù đã được cấp cứu và điều trị tích cực, nhưng do bệnh tiến triển nhanh nên đến chiều cùng ngày bé P. bị suy hô hấp nặng, tím tái, lơ mơ và tử vong. Được biết, bé P. chưa được tiêm ngừa vaccine viêm não Nhật Bản.
Theo bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, từ đầu mùa hè đến nay, bệnh viện liên tục tiếp nhận và điều trị các ca viêm não, viêm màng não ở trẻ. Tại Đồng Nai chủ yếu có 3 loại là: viêm não Nhật Bản, viêm não do virus herpes, viêm não do enterovirus gây bệnh tay chân miệng.
Trong đó, viêm não Nhật Bản rất nguy hiểm, có thể gây hư não, nguy cơ tử vong nhanh và cao hơn. Khi trẻ sốt cao, có dấu hiệu nôn ói nhiều cần cho trẻ đi khám sớm, phát hiện bệnh kịp thời. Để phòng ngừa bệnh viêm não Nhật Ban cho trẻ, phụ huynh cần cho trẻ tiêm ngừa vaccine.
Ngoài ra, trong thời tiết nắng mưa thất thường như hiện nay cũng làm gia tăng bệnh tay chân miệng. Theo Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Đồng Nai, bệnh tay chân miệng đang có xu hướng gia tăng ở khu vực phía Nam, trong đó có Đồng Nai. Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh ghi nhận hơn 1,1 ngàn ca tay chân miệng, tăng 8,5% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, bệnh tay chân miệng chỉ xuất hiện những ca bệnh nhẹ, không có ca tử vong. Thông thường bệnh sẽ có chiều hướng tăng mạnh vào mùa tựu trường, khoảng tháng 8 và tháng 9 nên ngành y tế đã phối hợp với ngành giáo dục chuẩn bị công tác vệ sinh, khử trùng phòng học, đồ chơi ở các trường mầm non, nhất là các nhóm trẻ tư thục trên địa bàn để phòng ngừa bệnh dịch bệnh tay chân miệng.
Ngọc Thư