Từ đầu mùa hè đến nay, Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai liên tục tiếp nhận, điều trị các ca viêm não, viêm màng não ở trẻ. Nguyên nhân là do thay đổi thời tiết khiến virus, vi trùng gây bệnh phát triển; trẻ em được nghỉ hè đi chơi nhiều nơi, khả năng miễn nhiễm chưa có nên rất dễ bị nhiễm bệnh.
Từ đầu mùa hè đến nay, Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai liên tục tiếp nhận, điều trị các ca viêm não, viêm màng não ở trẻ. Nguyên nhân là do thay đổi thời tiết khiến virus, vi trùng gây bệnh phát triển; trẻ em được nghỉ hè đi chơi nhiều nơi, khả năng miễn nhiễm chưa có nên rất dễ bị nhiễm bệnh.
Bé N. đang được chăm sóc tại Khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai. |
Trong đó có một số trường hợp bệnh nặng do trẻ sơ sinh, sức đề kháng còn yếu, bệnh diễn tiến nặng. Cụ thể như trường hợp của bé H.N.Q.N., 2 tháng tuổi, đang được điều trị bệnh viêm màng não tại Khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai. Bé N. bị nhiễm bệnh lúc 52 ngày tuổi với các triệu chứng sốt cao, tiêu phân lỏng, bỏ bú, co giật.
Nhiều biến chứng
Bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, cho biết kết quả chọc dò tủy sống của bé N. đã xác định bé N. bị viêm màng não. Qua kết quả chụp CT kiểm tra thấy có tụ dịch dưới màng cứng. Đây là biến chứng của bệnh viêm màng não gây tụ dịch, tụ mủ dưới màng cứng hoặc gây ra áp xe não. Bé N. đang được theo dõi kỹ nếu tràn dịch màng não, tràn mủ màng não nhiều phải mổ sọ não để rút dịch ra, tránh áp xe não.
Bệnh viêm màng não có nguyên nhân do vi trùng tụ cầu khuẩn, liên cầu khuẩn, E.coli… Các vi khuẩn này có thể từ vị trí tai mũi họng, phổi đi theo đường máu vào trong não hoặc đi theo đường kế cận từ các ổ nhiễm trùng cạnh màng não hoặc cũng có thể đi trực tiếp vào não khi bị chấn thương nứt vỡ sọ... Bệnh viêm màng não rất nguy hiểm, tuy có kháng sinh đặc trị nhưng điều trị vẫn có thể thất bại do có nhiều trẻ nhỏ, nhất là trẻ sơ sinh, sức đề kháng quá kém. Hiện nay tình trạng vi trùng kháng thuốc nhiều dù rằng các bé này được điều trị thuốc kháng sinh rất tốt ngay từ đầu nhưng không phải ca nào cũng chữa khỏi.
Riêng bệnh viêm não thường là do siêu vi trùng. Tại Đồng Nai chủ yếu có 3 loại là: viêm não Nhật Bản, viêm não do herpes virus, viêm não do enterovirus gây bệnh tay chân miệng. Nhóm này không điều trị được bằng kháng sinh, chủ yếu điều trị triệu chứng. Nhóm viêm não, nhất là viêm não Nhật Bản, rất nguy hiểm có thể gây hư não. Mức độ để lại di chứng, tổn thương não nhiều thì viêm não Nhật Bản nhiều hơn bệnh viêm màng não. Biến chứng của viêm màng não chủ yếu để lại điếc, chậm tiếp thu, động kinh; tỷ lệ yếu liệt tay chân, bại não ít hơn nhóm viêm não.
Cách nhận biết, phòng ngừa
Theo bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa, để phân biệt bệnh viêm não và viêm màng não không dễ vì triệu chứng ban đầu rất giống nhau. Chỉ có cách duy nhất là bác sĩ phải chọc tủy sống, lấy dịch tủy sống phân tích mới biết chính xác. Ngày đầu tiên trẻ sốt nhẹ hoặc sốt cao liên tục, thường viêm não là sốt cao liên tục. Qua ngày sốt thứ 2, thứ 3 trẻ xuất hiện dấu hiệu về thần kinh như nói sảng, li bì hoặc nôn ói nhiều. Nếu sốt cao, nhức đầu, kèm nôn ói cần nghĩ nhiều viêm não, viêm màng não. Nếu để chậm hơn bé nằm li bì, vật vã, co giật, mê sâu điều trị sẽ khó khăn, tốn kém hơn.
Viêm màng não có thuốc chữa nhưng viêm não thì không, chủ yếu điều trị nâng đỡ, điều trị triệu chứng. Từ nay đến tháng 10 là mùa của bệnh viêm não, do đó công tác dự phòng đặc biệt quan trọng, cần chú ý phòng ngừa, tiêm ngừa cho trẻ bằng vaccine, trong nhóm viêm não như viêm màng não mủ do Hib, viêm não mô cầu, phế cầu; viêm não Nhật Bản, sởi - quai bị - rubella là nguyên nhân gây viêm não.
Tuy nhiên, cũng có những nhóm viêm não không có vaccine phòng ngừa như viêm não do herpes virus, viêm não do enterovirus gây bệnh tay chân miệng. Vì vậy, việc giữ gìn vệ sinh nơi ở, trường học, trường mầm non là rất quan trọng; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng cho trẻ và người chăm sóc trẻ; phòng ngừa muỗi đốt gây bệnh viêm não Nhật Bản, nhất là ở vùng nông thôn, nhiều cây cối rậm rạp, nuôi trâu bò nhiều.
Ngọc Thư (ghi)