Mới đây, gặp người bạn dạy tại một trường tiểu học nghe than vắn thở dài việc đang tối tăm mặt mũi, bận rộn chuẩn bị bài cho vòng 2 và 3 hội thi giáo viên dạy giỏi.
1. Mới đây, gặp người bạn dạy tại một trường tiểu học nghe than vắn thở dài việc đang tối tăm mặt mũi, bận rộn chuẩn bị bài cho vòng 2 và 3 hội thi giáo viên dạy giỏi. Anh bảo, qua được vòng 1 đã quá vất vả rồi nói gì đến các vòng còn lại. Cho nên anh chẳng vui chút nào.
Để đạt giáo viên giỏi chỉ một cấp (trường, huyện, tỉnh) phải trải qua 3 vòng: vòng lý thuyết kiểm tra năng lực với 2 bài thi trắc nghiệm và tự luận; vòng thực hành 2 tiết giảng trên lớp; vòng báo cáo sáng kiến kinh nghiệm. Ngán nhất là vòng thực hành với 2 tiết dạy ở trường khác. Thầy cô giáo thường nói với nhau đây là vòng thi giáo viên giỏi... diễn. Đầu tiên là khâu soạn “kịch bản” (giáo án) với những lời giảng, câu chữ sao cho thật hoa mỹ, đầy đủ, chính xác đến từng milimet để giám khảo không bắt bẻ chỗ nào được. Giáo án xong đã mệt, đến lượt thầy trò học thuộc kịch bản, rồi dạy nháp, dạy thử năm lần bảy lượt cho ban giám hiệu và giáo viên tổ khối rút kinh nghiệm để mang chuông đi đánh “xứ người” lại càng oải và nhọc nhằn hơn gấp trăm lần.
2. Một cô giáo chia sẻ, giáo viên đi thi vòng lý thuyết nhưng không muốn đậu, làm bài với số điểm lưng chừng, tiệm cận điểm đạt là được để an toàn. Nhiều giáo viên làm bài rớt ngay vòng “gửi xe” (vòng 1) nhưng điểm số phải sao cho đẹp. Sở dĩ phải làm vậy vì bài thi mà điểm thấp là về sẽ bị cấp trên phê bình, nói tới nói lui, có khi còn cắt cả thi đua cuối năm. Thi mà không muốn đậu có lẽ chỉ có ở hội thi giáo viên giỏi.
Chị lý giải, sở dĩ có chuyện lạ này bởi vì ở 2 vòng thi sau rất nhọc nhằn. Thi 2 tiết thực hành quá gian nan khi phải đi dạy ở trường khác cho ban giám khảo chấm và xếp loại. Dạy ở trường bạn, học trò “mượn” nên giáo viên vất vả vô cùng. Đi gặp lớp trước một ngày, đưa câu hỏi, phân công học sinh trả lời câu này, câu kia, cho học trò học thuộc lòng. Vào tiết dạy thật, bật máy lên, thầy trò chỉ việc “diễn” sao cho ăn khớp nhau, nhịp nhàng và thật trơn tru là xong. Nếu không làm vậy khó mà thành công được. Ai cũng làm thế, mình ngoài cuộc sao được, rớt là cái chắc.
3. Một người bạn khác của tôi cũng là giáo viên một trường tiểu học tâm tư rằng trường chị mấy năm trước chỉ có một giáo viên đạt dạy giỏi cấp tỉnh, nhưng sau hào quang của danh hiệu này là nỗi khổ. Nhiều năm đạt giáo viên giỏi cấp thành phố, cấp tỉnh, mang danh hiệu về cho nhà trường thế mà chẳng nhận được cái gì tương xứng. Ban giám hiệu luôn dành lớp cá biệt cho chị chủ nhiệm, chuyện gì khó lại được giao. Nhà trường lấy lý do là giáo viên giỏi phải dạy lớp học sinh yếu để vực chất lượng lên cao. Không nói ra ai cũng biết dạy những lớp này cực khổ vô cùng. Đến cả đồng nghiệp khi được phân công dạy chuyên đề, dạy mẫu, dạy học bằng thiết bị tiên tiến… cũng lại đùn đẩy cho. Nhìn vào đấy nên nhiều giáo viên sợ là giáo viên giỏi!
Mục đích của hội thi là bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghiệp vụ cho giáo viên; trao đổi, học hỏi kinh nghiệm chuyên môn nhằm tuyển chọn, công nhận và tôn vinh giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi. Vì vậy, việc nhiều giáo viên thờ ơ, không mặn mà, “né” thi giáo viên giỏi, phải chăng do ở khâu tổ chức và việc vinh danh giáo viên đạt thành tích chưa được các cấp quản lý giáo dục coi trọng?
Hồng Đào