Hơn 24 năm làm công tác pháp luật, bà Lê Ánh Hồng (phụ trách Chi nhánh Trợ giúp pháp lý nhà nước huyện Tân Phú) vẫn trăn trở với công việc cho dù sắp đến tuổi nghỉ hưu.
Hơn 24 năm làm công tác pháp luật, bà Lê Ánh Hồng (phụ trách Chi nhánh Trợ giúp pháp lý nhà nước huyện Tân Phú) vẫn trăn trở với công việc cho dù sắp đến tuổi nghỉ hưu.
Trợ giúp viên Lê Ánh Hồng đang tư vấn cho đối tượng diện chính sách. Ảnh: Đ. Phú |
Bà Hồng tâm sự, tuổi hưu cận kề nhưng việc người dân nhờ trợ giúp pháp lý vẫn còn tồn đọng nên bà rất áy náy.
Bảo vệ lẽ phải cho dân
Trong năm 2016, trợ giúp viên Lê Ánh Hồng tư vấn tại chi nhánh 80 vụ, qua điện thoại 37 vụ và đi tư vấn lưu động 28 vụ. Bà Hồng cho hay, nhờ mối liên hệ tốt với các phòng, ban, cơ quan chuyên môn của huyện, các xã nên bà gặp thuận lợi trong việc trợ giúp pháp lý cho các đối tượng yếu thế. “Dưới góc độ pháp luật, người được trợ giúp pháp lý và người không thuộc đối tượng trợ giúp pháp lý đều bình đẳng. Tuy nhiên, khi người yếu thế bị xâm hại về quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng thì pháp luật phải bảo vệ cho họ tốt nhất, thể hiện tính nhân văn cao” - bà Hồng đúc kết. |
Ông Nguyễn Hữu Đức (ngụ ấp 2B, xã Suối Tượng) từng là “vua tiêu” vào thập niên 90 thế kỷ 20. Nay ông Đức nghèo “rớt mồng tơi”, không còn mảnh đất cắm dùi nên phải ra thị trấn Tân Phú thuê nhà trọ bán vé số sống qua ngày. Lý giải cho sự tụt dốc của mình, ông Đức cho biết năm 2010 ông buộc phải chuyển nhượng phần đất cuối cùng để chữa bệnh. Quá trình chuyển nhượng đất giữa ông với ông T. thì xảy ra tranh chấp với bà M., người từng chung sống như vợ chồng với ông và sự việc kéo dài đến nay.
Việc tranh chấp tài sản chung giữa ông Đức với bà M. đã kéo dài hết năm này qua năm khác. Trong lúc chờ tòa đưa vụ việc ra xét xử, bà Hồng đã hướng dẫn ông Đức làm các thủ tục đề nghị địa phương đưa ông vào diện hộ neo đơn để hỗ trợ về vật chất và pháp lý. “Để có tiền thuê cán bộ địa chính đo đạc đất trong quá trình tranh chấp đất, ông Đức phải vay “nóng” và tiền lãi mẹ cứ vậy “đẻ” lãi con. Qua thực tế trợ giúp, tôi thấy ông Đức rất đáng thương” - bà Hồng nói.
Vụ việc lò gạch của ông D. gây ô nhiễm làm chết vườn bưởi của ông Lê Văn Biên (ngụ ấp 3A, xã Núi Tượng) sớm khép lại nhờ công tác hòa giải thành tại tòa luôn là kỷ niệm đáng nhớ với bà Hồng.
Bà kể, bức xúc vì mấy sào bưởi của gia đình bị nước thải từ lò gạch của hàng xóm làm thúi rễ, chết cây, ông Biên đã gửi đơn khiếu nại ông D. ra chính quyền địa phương. Chính quyền giải quyết không xong, bà Hồng hướng dẫn ông khởi kiện vụ việc ra tòa. Tại tòa, ông D. đuối lý nên chấp nhận bồi thường thiệt hại cho ông Biên và khắc phục việc sản xuất gây ô nhiễm. Nhờ vậy, vườn bưởi của ông Biên được trả lại màu xanh.
Việc lập di chúc phân chia tài sản của bà Lâm Thị Nhiên cho con trai Nguyễn Văn Lến (ngụ ấp 5, xã Trà Cổ) có chút sai sót, biến thành tên Nguyễn Văn Lớn nên khi mẹ mất ông Lến mất luôn quyền hưởng thừa kế pháp luật theo pháp luật quy định. Được chính quyền hướng dẫn, ông Lến tìm đến bà Hồng cậy nhờ. Sự việc của ông đang được tòa thụ lý nên chưa rõ kết quả đúng sai. Ông Lến cho hay việc của ông kéo dài gần chục năm rồi. Từ ngày được bà Hồng nhận lời hỗ trợ, ông yên tâm và kỳ vọng vào sự công bằng của pháp luật.
Vì người yếu thế
Trong năm 2016, bà Lê Ánh Hồng đã hỗ trợ pháp lý miễn phí cho trên 145 trường hợp. Trong đó, số người nghèo được trợ giúp là 49 trường hợp, người có công 29 trường hợp, đồng bào dân tộc thiểu số 22 trường hợp, người khuyết tật và neo đơn 10 trường hợp...
Bà Hồng cho hay trong số các vụ việc bà thụ lý, một phần lớn đương sự tự tìm đến, rồi địa phương và bạn bè giới thiệu. Ngoài ra, bà còn nhận tư vấn qua điện thoại, tiếp xúc tại văn phòng và trong các buổi tuyên truyền, tư vấn pháp luật tại cơ sở. Những vấn đề người dân nhờ bà gỡ rối, gồm: chuyện hôn nhân - gia đình, tranh chấp đất đai, chia thừa kế, hình sự, dân sự…
Bà Hồng tỏ bày, thân phận pháp lý của các đối tượng được trợ giúp pháp lý miễn phí theo quy định của pháp luật rất đáng thương nên rất cần sự chia sẻ, thấu hiểu nỗi khổ về vật chất, tinh thần và tình trạng bệnh tật của họ từ các cơ quan tố tụng trong quá trình suy xét, phán quyết. “Các đối tượng thuộc diện trợ giúp pháp lý theo luật khi tìm đến chúng tôi có điểm chung là nghèo khó và đầy tâm trạng. Nếu không nhẫn nại và trách nhiệm thì việc giúp họ đòi sự công bằng pháp lý rất khó thành công. Bởi, khi họ đến với mình thì mọi chứng cứ đều bằng không và sự già yếu, bệnh tật, cảnh nghèo khó, sự kéo dài của các cơ quan thụ lý… dễ làm họ chán nản, bỏ cuộc giữa chừng” - bà Hồng nói.
Trên 18 năm làm công tác liên quan đến pháp luật ở huyện Tân Phú, 6 năm phụ trách Chi nhánh Trợ giúp pháp lý Nhà nước huyện, công việc của bà Hồng tuy bận rộn nhưng đầy niềm vui. Điều khiến bà vui và hạnh phúc vẫn là chuyện dân nhờ bà hỗ trợ kịp thời, được các cơ quan liên quan giải quyết thấu tình, đạt lý.
Đoàn Phú