Báo Đồng Nai điện tử
En

Bị truy tố vì làm và bán hồ sơ xin việc giả

10:01, 09/01/2017

Viện Kiểm sát nhân dân huyện Trảng Bom vừa hoàn tất cáo trạng truy tố bị can Trương Văn Nguyên (35 tuổi, ngụ xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom) về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức.

Viện Kiểm sát nhân dân huyện Trảng Bom vừa hoàn tất cáo trạng truy tố bị can Trương Văn Nguyên (35 tuổi, ngụ xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom) về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức.

* Làm giả giấy tờ để bán

Điều 267 Bộ luật Hình sự quy định: “Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức; hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân thì bị phạt tiền từ 5-50 triệu đồng, hoặc bị phạt tù 6 tháng đến 3 năm”.

Theo kết quả điều tra, do không có nghề nghiệp ổn định để nuôi sống gia đình với 3 con nhỏ và biết nhiều công nhân xa quê có nhu cầu làm giả hồ sơ xin việc làm, bị can Nguyên nảy sinh ý định làm giả hồ sơ xin việc bán cho những người có nhu cầu để thu lợi bất chính.

Đầu năm 2016, sau khi tìm tòi cách thức làm bộ hồ sơ giả trên mạng internet, Nguyên mua các dụng cụ để làm hồ sơ xin việc giả, gồm: trang thiết bị, 18 khuôn gỗ có hình dấu tròn của UBND các xã trên địa bàn huyện Trảng Bom và các vùng lân cận, 1 dấu tròn giả của Bệnh viện đa khoa huyện Trảng Bom, 1 khuôn nhôm hình chữ nhật, 1 dấu số, 30 dấu tên các loại, 21 tờ giấy dùng để scan có hình dấu của UBND các xã và hộp mực màu đỏ…

Với các dụng cụ, máy móc trang bị sẵn, Nguyên làm giả các loại giấy tờ cần thiết cho một bộ hồ sơ xin việc, như: đơn xin việc, đơn xác nhận hạnh kiểm, sơ yếu lý lịch, giấy khám sức khỏe, bản phô tô hộ khẩu thường trú, giấy chứng minh nhân dân xác thực… Mỗi bộ hồ sơ giả làm ra theo yêu cầu của người xin việc, Nguyên bán với giá 150 ngàn đồng/bộ.

Ngoài ra, Nguyên còn móc nối với một số đối tượng làm bằng cấp giả các loại và bán với giá 1,2 triệu đồng/bằng.

* Trả giá…

Ngày 2-10-2016, anh P.H.D. (24 tuổi, ngụ huyện Định Quán) đến phòng trọ của Nguyên (gần Khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom) đặt làm bộ hồ sơ xin việc giả với giá 150 ngàn đồng. Anh D. còn nhờ Nguyên làm giả bằng tốt nghiệp THPT mang tên anh D. với giá 1,2 triệu đồng. Sau khi nhận 4 tấm hình, bản phô tô giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu và 400 ngàn đồng tiền cọc của anh D., Nguyên hẹn anh 4 ngày sau ghé lấy.

Thực hiện “hợp đồng”, Nguyên phô tô tất cả các loại giấy tờ liên quan đến hồ sơ xin việc và dán hình anh D. lên. Sau đó, Nguyên quét sơn màu đỏ lên khuôn gỗ có hình dấu tròn của UBND xã Ngọc Định (huyện Định Quán) và chữ ký của ông B.T.C., chức danh Phó chủ tịch UBND xã Ngọc Định, rồi in lên đúng chỗ cần ký tên, đóng dấu hoặc chỗ đóng giáp lai hình.

Để làm giấy khám sức khỏe giả cho anh D., Nguyên dùng dấu giả của Bệnh viện đa khoa huyện Trảng Bom và tên bác sĩ, chức danh, số thứ tự để đóng lên giấy khám sức khỏe mà Nguyên in sẵn trước đó.

Đối với sổ hộ khẩu anh D. đưa cho, Nguyên dùng con dấu giả mang những dòng chữ “Chứng thực bản sao này đúng với bản chính; số; Cây Gáo, ngày tháng năm; KT.Chủ tịch UBND xã Cây Gáo, Phó chủ tịch…” để đóng lên sổ hộ khẩu phô tô của anh D.; đồng thời lấy dấu giả mang tên ông B.T.C. đóng vào chỗ tên chức danh Phó chủ tịch UBND xã.

Đối với bằng tốt nghiệp THPT giả, Nguyên thuê một người tên Phán (không rõ lai lịch) làm với giá 1 triệu đồng.

Vào ngày 6-10-2016, khi Nguyên đang giao bộ hồ sơ xin việc giả cho anh D. thì bị Công an huyện Trảng Bom bắt quả tang cùng các vật chứng. Khám xét nơi ở của Nguyên, công an phát hiện các loại con dấu giả, hồ sơ xin việc giả Nguyên làm cho nhiều người, các dụng cụ, máy móc phục vụ cho việc làm giả giấy tờ và các loại giấy tờ khác.

Trước đó, qua theo dõi địa bàn, công an phát hiện có nhiều điểm nghi làm hồ sơ giả nên đã tiến hành xác minh. Quá trình phối hợp với công an địa phương truy xét, Công an huyện Trảng Bom đã phá được nhiều đối tượng làm và bán giấy tờ giả trên địa bàn huyện, trong đó có Nguyên.

Một cán bộ điều tra Công an huyện Trảng Bom cho biết, với các trường hợp người lao động làm hồ sơ giả để xin việc, khi vào doanh nghiệp làm việc dễ bị mất quyền lợi về sau, thậm chí có thể bị đuổi việc khi công ty phát hiện khiến tiền mất tật mang. “Chỉ vì nghĩ đến cái lợi trước mắt mà quên đi cái hại lâu dài, nhiều người sẵn sàng bỏ tiền để làm giấy tờ giả nhằm qua mắt cơ quan chức năng và lãnh đạo công ty, thay vì gửi hồ sơ về quê để xác nhận” - vị cán bộ điều tra phân tích.

Liên quan đến vụ án, người bán dụng cụ làm giấy tờ giả cho Nguyên và người làm giả bằng THPT cho anh D., do không xác minh được lai lịch nên cơ quan công an không có cơ sở để xử lý. Anh D. có hành vi mua hồ sơ giả nhưng xét thấy chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự nên cơ quan điều tra không khởi tố điều tra.

Tố Tâm

Tin xem nhiều