Tình hình dịch bệnh do virus Zika đang diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành. Đồng Nai cũng đã xuất hiện ca nhiễm virus Zika đầu tiên là một phụ nữ 24 tuổi, mang thai 29 tuần (ngụ tại KP.10, phường An Bình, TP.Biên Hòa) khiến không ít người dân, nhất là phụ nữ mang thai rất lo lắng về tình hình dịch bệnh.
Tình hình dịch bệnh do virus Zika đang diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành. Đồng Nai cũng đã xuất hiện ca nhiễm virus Zika đầu tiên là một phụ nữ 24 tuổi, mang thai 29 tuần (ngụ tại KP.10, phường An Bình, TP.Biên Hòa) khiến không ít người dân, nhất là phụ nữ mang thai rất lo lắng về tình hình dịch bệnh.
Nhân viên y tế Trung tâm y tế dự phòng Đồng Nai hướng dẫn các kỹ thuật phun hóa chất diệt muỗi cho các cộng tác viên y tế phường An Bình (TP.Biên Hòa). Ảnh: N.Thư |
Bệnh do virus Zika và sốt xuất huyết đều do muỗi vằn truyền bệnh. Hiện 171/171 xã, phường, thị trấn của tỉnh đều ghi nhận sự lưu hành muỗi vằn, nên nguy cơ bệnh bùng phát thành dịch là rất lớn. Thậm chí, có địa phương bệnh sốt xuất huyết đột ngột tăng cao vào cuối năm 2016 như ở huyện Nhơn Trạch.
* Nguy cơ cao
Theo thông tin từ Trung tâm y tế huyện Nhơn Trạch, lũy kế từ đầu năm 2016 đến nay toàn huyện có 356 ca sốt xuất huyết, giảm mạnh so với năm 2015, tuy nhiên hiện đang có xu hướng tăng cao đột biến. Chỉ trong 2 ngày 22 và 23-11, toàn huyện có tới 23 ca sốt xuất huyết mới, chủ yếu tập trung ở một số xã gần khu công nghiệp, như: Hiệp Phước, Phước Thiền... Nguyên nhân là do khu vực này nhiều nhà trọ ẩm thấp, hệ thống thoát nước không đảm bảo khiến nước thường xuyên bị ứ đọng, mật độ muỗi tăng cao.
Bên cạnh đó, ngoài lây truyền qua muỗi đốt, bệnh do virus Zika còn lây truyền qua đường tình dục, đường máu và mẹ truyền sang con. Điều đáng nói, các tỉnh, thành lân cận Đồng Nai, như: TP.Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương đều đã có dịch bệnh. Số lượng người di chuyển qua lại các tỉnh, thành là rất lớn, nguy cơ lây truyền dịch bệnh là điều rất khó tránh khỏi.
Phó giám đốc Sở Y tế Huỳnh Cao Hải cho biết bệnh do virus Zika là bệnh truyền nhiễm cấp tính. Đối với người bình thường, khi nhiễm virus Zika chỉ có biểu hiện giống bệnh cảm cúm, như: sốt, nổi ban trên da, đau khớp, đau cơ, mệt mỏi, đau đầu. Các triệu chứng này thường nhẹ và kéo dài từ 2-7 ngày rồi hết. Thế nhưng đối với phụ nữ mang thai, bệnh do virus Zika rất nguy hiểm vì được cho là nguyên nhân gây bệnh đầu nhỏ bẩm sinh ở trẻ sơ sinh.
* Đối phó với nguy cơ dịch bệnh
Để đối phó với nguy cơ dịch bệnh, theo Trung tâm y tế dự phòng Đồng Nai, hiện nay đã nâng mức cảnh báo đối với bệnh Zika lên tình huống 2 khi xuất hiện ca bệnh. Từ đó đã có biện pháp khoanh vùng, xử lý kịp thời, triệt để ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất việc lây lan ra cộng đồng. Đối với khu vực dân cư có ca bệnh do virus Zika ở KP.10, phường An Binh và các xã có số ca bệnh sốt xuất huyết tăng ở Nhơn Trạch đều đã được phun thuốc dập dịch diện rộng để hạn chế muỗi sinh sản. Ngoài ra, các địa phương trong tỉnh đều tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân diệt lăng quăng, vệ sinh môi trường; thành lập các đội cơ động chống dịch để điều tra, giám sát, phát hiện, cách ly, xử lý kịp thời không để dịch lây lan.
Trung tâm y tế dự phòng Đồng Nai tiến hành phun hóa chất diệt muỗi tại một hộ dân ở KP.10, phường An Bình, TP.Biên Hòa. |
Theo khuyến cáo của ngành y tế, người dân, đặc biệt là phụ nữ mang thai cần chủ động theo dõi sức khỏe. Nếu có một trong những dấu hiệu nghi ngờ bệnh hãy đến các cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị. Hiện có 4 cơ sở y tế là: Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện đa khoa Thống Nhất và Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, Trung tâm y tế huyện Thống Nhất (Bệnh viện đa khoa Dầu Giây cũ) được giao khám sàng lọc để tiến hành tư vấn và xét nghiệm lấy mẫu bệnh phẩm các đối tượng nghi ngờ mắc bệnh do virus Zika. Các cơ sở khám, chữa bệnh khác khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh Zika, báo cáo về Trung tâm y tế dự phòng Đồng Nai để tổ chức việc lấy mẫu bệnh phẩm.
Ông Huỳnh Cao Hải khuyến cáo phụ nữ có thai hoặc dự định có thai hạn chế di chuyển đến vùng có dịch; nên siêu âm 3 lần trong thời gian mang thai: 12 tuần, 22 tuần, 32 tuần để theo dõi sự phát triển của thai nhi. Đặc biệt, người đang sống ở vùng dịch bệnh hoặc đi đến (đi về) từ vùng dịch do virus Zika cần chủ động theo dõi sức khỏe; sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục hoặc không quan hệ với vợ (bạn tình) trong ít nhất 28 ngày đề phòng lây truyền virus qua đường tình dục.
Bên cạnh đó, để phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết và bệnh do virus Zika hữu hiệu nhất vẫn là diệt lăng quăng và phòng ngừa muỗi đốt. Cụ thể, đậy kín dụng cụ chứa nước sinh hoạt, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, bỏ muối vào chén nước kê chân chạn; thu dọn vật dụng, lật úp các vật dụng không chứa nước, như: xô, chậu, bình hoa... Đặc biệt, còn phải dọn dẹp vật phế thải ở môi trường xung quanh, như: vỏ, hộp nhựa, lốp xe...
Tăng cường truyền thông về bệnh Zika
Tại buổi họp khẩn để đối phó với dịch bệnh Zika, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp, Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống và loại trừ dịch bệnh nguy hiểm tỉnh, đã đề nghị ngành y tế cùng các địa phương phải tập trung chỉ đạo kịp thời, không để dịch lan rộng. Theo đó, Sở Y tế tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc theo dõi, giám sát tình hình dịch bệnh do virus Zika trên địa bàn tỉnh nói chung và tại KP.10, phường An Bình (TP.Biên Hòa) nói riêng. Đặc biệt, phải tăng cường công tác truyền thông cho người dân cách phòng chống dịch bệnh do virus Zika; thường xuyên cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh cho người dân biết để phòng tránh. MTTQ và các đoàn thể của các địa phương cũng xây dựng kế hoạch phối hợp đối phó với dịch bệnh do virus Zika.
Ngọc Thư