Báo Đồng Nai điện tử
En

Vượt khó, nuôi ước mơ

11:11, 30/11/2016

Chiều 30-11, cô Phạm Thị Hà, chủ nhiệm lớp 4/2 Trường tiểu học Thống Nhất B (TP.Biên Hòa) trao cho học sinh Trần Đào Lâm Vũ, tờ thông báo đi nhận học bổng Vượt khó vì tương lai do Báo Đồng Nai tổ chức trong tiếng vỗ tay chúc mừng của cả lớp.

* Trần Đào Lâm Vũ: Học giỏi để báo hiếu mẹ

Em Trần Đào Lâm Vũ (bìa trái) chia sẻ niềm vui được nhận học bổng Vượt khó vì tương lai với bạn bè cùng lớp. Ảnh: C.NGHĨA
Em Trần Đào Lâm Vũ (bìa trái) chia sẻ niềm vui được nhận học bổng Vượt khó vì tương lai với bạn bè cùng lớp. Ảnh: C.NGHĨA

[links()]Chiều 30-11, cô Phạm Thị Hà, chủ nhiệm lớp 4/2 Trường tiểu học Thống Nhất B (TP.Biên Hòa) trao cho học sinh Trần Đào Lâm Vũ, tờ thông báo đi nhận học bổng Vượt khó vì tương lai do Báo Đồng Nai tổ chức trong tiếng vỗ tay chúc mừng của cả lớp. Cầm thông báo trở lại chỗ ngồi, Vũ cho bạn bè xem trong niềm vui khó tả. Vũ nói: “Đây là lần đầu tiên em được đi nhận học bổng. Số tiền học bổng 2 triệu đồng bằng cả tháng thu nhập em đi bán vé số dạo phụ mẹ” .

Cô Phạm Thị Hà cho biết hoàn cảnh của Vũ rất tội nghiệp, nhưng em cũng là một học trò rất có nghị lực. Mới 5 tuổi, Vũ và 2 chị gái của mình đã mồ côi cha, do cha của em bị tai nạn giao thông trên đường đi làm về. Mẹ của Vũ hàng ngày đi dọn dẹp vệ sinh cho một khách sạn ở phường Tân Mai
(TP.Biên Hòa). Buổi chiều sau khi đi học về, Vũ được mẹ lấy cho 100 tờ vé số đi bán dạo. Hôm nào bán không hết thì buổi trưa hôm sau, đi học về em lại tranh thủ đi bán để đầu giờ chiều kịp về đi học tiếp. Ngày nào cũng rảo bước rạc cả chân, mỗi tháng em kiếm được khoảng 2 triệu đồng, có khi chưa tới.

Vũ kể: “Lúc cha mất có thiếu nợ người ta, không biết thiếu bao nhiêu mà mẹ con em trả tới nay vẫn chưa hết, nên ngày nào em cũng ráng tranh thủ đi bán vé số dạo để vừa có tiền phụ mẹ trả nợ, vừa có tiền để trang trải ăn uống, học hành”. Từ khi cha em qua đời, phần vì quá đau buồn, phần vì phải làm việc quá sức để lo học hành cho 3 người con, lại phải lo trả nợ nần nên mẹ em rất hay đau đầu, có hôm đau quá không chịu nổi phải nghỉ làm ở nhà dưỡng bệnh.

Thương mẹ vất vả, lại sức khỏe không tốt nên Vũ tỏ ra là một cậu học trò mạnh mẽ và già dặn. Em cho biết: “Lớn lên, em chỉ mong có một công việc gì đó ổn định, thu nhập đủ để báo hiếu mẹ và có thể lo cho gia đình của mình”. Còn khi nói về niềm vui với suất học bổng Vượt khó vì tương lai sắp được nhận, em chia sẻ: “Em sẽ cố gắng học tập nhiều hơn nữa để không phụ tình cảm của thầy cô và Báo Đồng Nai đã chọn em để trao học bổng này”.

* Em Ngô Thị Tuyết Phượng: Nuôi ước mơ thành cô giáo

Em Ngô Thị Tuyết Phượng trong giờ học trên lớp chiều 30-11. Ảnh: C.NGHĨA
Em Ngô Thị Tuyết Phượng trong giờ học trên lớp chiều 30-11. Ảnh: C.NGHĨA

Ngô Thị Tuyết Phượng là học sinh lớp 6/11 Trường THCS Thạnh Phú (xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu). Như nhiều học sinh được nhận học bổng Vượt khó vì tương lai khác, dù hoàn cảnh rất khó khăn nhưng Phượng vẫn rất chăm ngoan và hiếu học. Lúc em mới sinh, cha của em đã bỏ đi biền biệt cho tới nay, bỏ mặc việc nuôi nấng 2 chị em Phượng cho mẹ em và bà ngoại. Mẹ của Phượng từ lâu đã không thể làm việc vì bị bệnh tim, mỗi khi trái nắng trở trời lại bệnh, có lúc phải nằm bệnh viện cả tháng. Việc kiếm tiền để nuôi và lo cho chị em Phượng học hành rơi vào đôi tay của bà ngoại năm nay đã gần  60 tuổi.

Vì hoàn cảnh khó khăn nên ngoài việc học, Phượng không có thời gian vui chơi với bạn bè. Em cho biết: “Sau giờ học, em phải về nhà liền để phụ bà ngoại dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm và chăm sóc mẹ. Em cũng nhiều lần muốn nghỉ học để đi bán vé số hay một công việc nào đó phù hợp để đỡ đần mẹ và bà ngoại, nhưng bà và mẹ không cho. Thầy cô và bạn bè cũng động viên em rất nhiều để vượt qua hoàn cảnh khó khăn tiếp tục đi học”. Phượng cho hay, từ trước tới nay em được vài lần nhà trường và Hội Khuyến học của xã tặng học bổng, mỗi lần được 200-300 ngàn đồng. Số tiền tuy không lớn nhưng cũng phần nào an ủi và giúp em có thêm nghị lực.

Mới đây khi được tin em được tặng học bổng Vượt khó vì tương lai, giá trị suất học bổng lên tới 2 triệu đồng, Phượng rất vui mừng. Em chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên em được nhận một suất học bổng với giá trị lớn như vậy. Em sẽ để dành một phần cho mẹ uống thuốc, phần còn lại san sẻ với chị gái đang học lớp 8 cùng trường để mua sách vở”.

Nói về những mơ ước và dự định của mình trong tương lai, Phượng cho biết: “Em có ước mơ được trở thành một cô giáo để dạy Văn. Em sẽ tiếp tục cố gắng học tốt để tương lai mơ ước của mình trở thành hiện thực”.

* Nguyễn Ngọc Thảo Nguyên: Học thêm phần anh Hai

Em Nguyễn Ngọc Thảo Nguyên (bìa trái),  học sinh lớp 4B, Trường tiểu học Sông Mây (huyện Trảng Bom) chăm chú học bài ở lớp. Ảnh: N.SƠN
Em Nguyễn Ngọc Thảo Nguyên (bìa trái), học sinh lớp 4B, Trường tiểu học Sông Mây (huyện Trảng Bom) chăm chú học bài ở lớp. Ảnh: N.SƠN

“Mẹ em lấy chồng khác cách đây 1 năm. Còn cha em, em cũng không còn nhớ lần cuối cùng gặp là khi nào” - lời tâm sự của em Nguyễn Ngọc Thảo Nguyên, học sinh lớp 4B Trường tiểu học Sông Mây (xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom) khiến ai nghe cũng phải lắng lòng.

Như bao đứa trẻ bình thường khác, Thảo Nguyên cũng có cha, có mẹ, có anh hai. Lúc em hơn 1 tuổi mới chập chững đi, cha mẹ em vì không hợp nhau mà mỗi người một nơi. Từ đó mẹ của Thảo Nguyên một mình lam lũ nuôi 2 con ăn học. Cuộc sống 3 mẹ con quá ngặt nghèo nên anh trai của Thảo Nguyên mới học đến lớp 2 đã phải nghỉ học, ở nhà trông em, lớn hơn tí nữa thì vào một cơ sở sản xuất tư nhân phụ việc, kiếm tiền phụ giúp mẹ nuôi em.

Từ lúc mẹ lấy chồng khác, Thảo Nguyên và anh trai ở cùng bà ngoại và người cậu trong căn nhà trọ nhỏ tại ấp Sông Mây, xã Bắc Sơn. Bà ngoại lớn tuổi, hiện không còn khả năng lao động nên ở nhà lo cơm nước cho con cháu, còn anh trai Thảo Nguyên đi làm kiếm tiền lo cho em gái ăn học.

Thấy anh trai vất vả, thiệt thòi vì nghỉ học sớm nên Thảo Nguyên luôn tự nhủ với lòng phải học thêm phần của anh để sau này có việc làm ổn định bù đắp lại sự hy sinh của anh trai dành cho mình. Vì vậy hàng ngày ngoài giờ học ở trường, em đều tự giác học bài ở nhà, sau đó phụ bà dọn nhà, nấu cơm để cậu và anh trai đi làm về sớm có cơm ăn.

Chia sẻ thêm về cô học trò Nguyễn Ngọc Thảo Nguyên, cô giáo chủ nhiệm lớp 4B, Trường tiểu học Sông Mây Nguyễn Thị Thảo cho biết, sớm thiếu tình thương, sự chăm sóc của cha nên em ít nói. Tuy vậy trong học tập, Thảo Nguyên tiếp thu bài khá nhanh, là một trong những học sinh hoàn thành tốt nội dung học tập môn học của lớp, luôn quan tâm giúp đỡ các bạn yếu hơn mình.

Công Nghĩa - Nga Sơn

Tin xem nhiều