Báo Đồng Nai điện tử
En

Công khai, minh bạch quỹ "tự nguyện"

09:09, 26/09/2016

Vào đầu năm học, không ít phụ huynh than phiền vì các khoản thu mang tính "tự nguyện" của nhà trường. Phụ huynh than phiền không chỉ vì số tiền mỗi trường thu mỗi khác mà các khoản "tự nguyện" này...

Vào đầu năm học, không ít phụ huynh than phiền vì các khoản thu mang tính “tự nguyện” của nhà trường. Phụ huynh than phiền không chỉ vì số tiền mỗi trường thu mỗi khác mà các khoản “tự nguyện” này không đóng không được.

Các phòng học của Trường phổ thông thực hành sư phạm được đầu tư, trang bị các thiết bị hiện đại phục vụ cho việc dạy và học. Ảnh: H.Dung
Các phòng học của Trường phổ thông thực hành sư phạm được đầu tư, trang bị các thiết bị hiện đại phục vụ cho việc dạy và học. Ảnh: H.Dung

Để đảm bảo thực hiện đúng các quy định của pháp luật về quản lý tài chính trong nhà trường, đặc biệt là việc thu các khoản đầu năm học, Sở GD-ĐT đã có văn bản gửi các đơn vị giáo dục trực thuộc về vấn đề này, trong đó nêu rõ: các khoản thu - chi phải có dự toán thu - chi phù hợp và đúng quy định; đảm bảo nguyên tắc thu đủ bù chi, tuyệt đối không được lạm thu từ người học bất cứ khoản nào mà nguồn kinh phí của đơn vị có khả năng thực hiện.

* Tự nguyện nhưng...

Một phụ huynh có con học tại Trường tiểu học Lê Văn Tám (phường Quang Vinh, TP.Biên Hòa) cho biết trong lần họp phụ huynh vừa qua, cô giáo chủ nhiệm triển khai các khoản đóng góp đầu năm. Ngoài các khoản thu theo quy định, mỗi học sinh trong lớp còn phải đóng thêm 200 ngàn đồng tiền quỹ phụ huynh lớp và 350 ngàn đồng quỹ tự nguyện của nhà trường. “Khoản tự nguyện này giáo viên nói để làm nhà vòm, mua bạt che nắng, mưa cho học sinh. Năm học trước chúng tôi cũng đã đóng khoản này rồi, năm nay lại thu tiếp. Trường nói tự nguyện nhưng phụ huynh ai dám không đóng vì nhà trường đã lên kế hoạch chi hết rồi” - phụ huynh này cho biết.

Một phụ huynh khác có con học tại Trường tiểu học Nguyễn Tri Phương (phường Hố Nai, TP.Biên Hòa) thì cho hay tiền quỹ phụ huynh mà các phụ huynh trong lớp phải đóng là 300 ngàn đồng/học sinh. Trong khi đó, một phụ huynh có con học tại Trường mầm non Bình Đa thì cho biết đầu năm học, nhà trường cũng vận động phụ huynh đóng quỹ phụ huynh nhưng ai thích đóng bao nhiêu thì đóng, nhà trường không đưa ra mức bình quân là bao nhiêu.

Giải thích về mức thu bình quân quỹ tự nguyện của trường, cô Huỳnh Thị Nhị, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Văn Tám, cho hay: “Khoản tiền này được vận động trên tinh thần tự nguyện. Nhà trường không bình quân, không chia đều số tiền mỗi phụ huynh phải đóng mà do phụ huynh tự đóng góp bao nhiêu cũng được”. Cũng theo cô Nhị, trường có 2 loại quỹ thu đóng góp từ phụ huynh là quỹ tự nguyện và quỹ vận động. Các quỹ này đều giao cho Ban đại diện cha mẹ học sinh giữ. Khi nào cần hỗ trợ khoản gì, nhà trường chỉ làm giấy đề xuất chi hoặc báo giá với Ban đại diện cha mẹ học sinh để Ban đại diện cha mẹ học sinh chi. Năm học trước, phụ huynh đã hỗ trợ nhà trường kinh phí hơn 87 triệu đồng để làm nhà vòm, nhà xe, bạt che nắng. Năm học này, Trường tiểu học Lê Văn Tám cũng đã lên dự toán thu - chi kinh phí của 2 loại quỹ.  Trong đó, phần chi của quỹ ban đại diện cha mẹ học sinh đóng góp dành để phục vụ học sinh là 77,2% tổng số tiền, chi cho hoạt động phong trào 22,8%; còn quỹ tự nguyện đóng góp dự chi cho nhà trường hơn 68%, còn lại sẽ chi cho học sinh, như: bồi dưỡng học sinh tham gia các hội thi, mua sắm trang thiết bị dạy học phục vụ học sinh, phô tô tài liệu, mua giấy vệ sinh…

* Công khai, minh bạch các khoản thu

Theo Thông tư 55 của Bộ GD-ĐT về Điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh, kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh trường được trích từ kinh phí hoạt động của các ban đại diện cha mẹ học sinh lớp. Không thực hiện thu, quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh. Tuy nhiên, trên thực tế có những trường vẫn thu tách bạch 2 loại quỹ ban đại diện cha mẹ học sinh lớp và trường. Nhiều trường cũng “than” rằng nếu không có nguồn thu từ quỹ này hay quỹ “tự nguyện” thì nhà trường gặp rất nhiều khó khăn trong công tác xã hội hóa giáo dục. Bởi lẽ, trường muốn mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy học cho học sinh, như: máy chiếu, tivi, phòng học ngoại ngữ, tin học… nhưng không có nguồn thu. Chỉ có kêu gọi phụ huynh đóng góp đồng loạt mới có thể thực hiện được mong muốn này.

TS.Đinh Quang Minh, Hiệu trưởng Trường phổ thông thực hành sư phạm, chia sẻ với mong muốn tạo môi trường học tập đầy đủ, công bằng cho học sinh, năm học này nhà trường vận động trên tinh thần tự nguyện mỗi học sinh khối 6, khối 10 ủng hộ 600 ngàn đồng; mỗi học sinh khối 7, khối 11 đóng 500 ngàn đồng nhằm hỗ trợ mua thiết bị dạy học, chi cho quỹ khuyến học và hoạt động thường kỳ của Ban đại diện cha mẹ học sinh. “Các khoản thu chi đều được nhà trường công khai minh bạch với phụ huynh tại các cuộc họp phụ huynh, lấy ý kiến phụ huynh và được phụ huynh nhất trí cao. Nhà trường chỉ đứng ra thu hộ số tiền cho Ban đại diện cha mẹ học sinh, sau đó nộp kho bạc và chủ tài khoản là Ban đại diện cha mẹ học sinh. Nhà trường chỉ làm đề xuất chi khi thấy cần thiết” - thầy Minh cho hay.

Thầy Lê Vinh Toan, Hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng (phường Tân Biên, TP.Biên Hòa), cho biết những năm qua, nhà trường phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh thực hiện rất tốt việc kêu gọi các mạnh thường quân ủng hộ tiền nhằm tu sửa cơ sở vật chất cũng như phục vụ các hoạt động của trường. Sở dĩ phụ huynh đều đồng tình là do các khoản thu - chi, phụ huynh ủng hộ đều được sử dụng đúng mục đích. Kết quả của số tiền mạnh thường quân và phụ huynh ủng hộ là bộ mặt ngôi trường ngày càng khang trang, sạch đẹp, thân thiện.

Nguyên tắc thu - chi kinh phí của ban đại diện cha mẹ học sinh theo Thông tư 55 của Bộ GD-ĐT: ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện; các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh, như: bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường, trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh, vệ sinh lớp học, vệ sinh trường, khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục, sửa chữa, nâng cấp, xây mới các công trình của nhà trường.

Hạnh Dung

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích