Theo thông tin từ Trung tâm bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường Đồng Nai, bệnh điếc nghề nghiệp do tiếng ồn luôn chiếm tỷ lệ cao nhất trong các bệnh nghề nghiệp được phát hiện. Trong năm 2015 toàn tỉnh có 27 trường hợp bệnh nghề nghiệp, thì có đến trên 80% trường hợp bị điếc nghề nghiệp.
Theo thông tin từ Trung tâm bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường Đồng Nai, bệnh điếc nghề nghiệp do tiếng ồn luôn chiếm tỷ lệ cao nhất trong các bệnh nghề nghiệp được phát hiện. Trong năm 2015 toàn tỉnh có 27 trường hợp bệnh nghề nghiệp, thì có đến trên 80% trường hợp bị điếc nghề nghiệp.
Bác sĩ Trung tâm bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường Đồng Nai khám sàng lọc bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Ảnh: Đ.NGỌC |
Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Sang, Trưởng khoa Bệnh nghề nghiệp Trung tâm bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường Đồng Nai, cho biết phần lớn bệnh nhân bị điếc nghề nghiệp do làm việc trong môi trường có tiếng ồn lớn vượt mức cho phép trong thời gian dài ở các công ty sản xuất giày da, dệt may, vật liệu xây dựng... Bệnh điếc nghề nghiệp diễn tiến âm thầm nên người lao động còn chủ quan.
* Diễn tiến âm thầm
Bệnh điếc nghề nghiệp chia ra làm 4 giai đoạn. Giai đoạn đầu mệt mỏi thính giác, xảy ra vài tuần đến vài tháng sau khi tiếp xúc với tiếng ồn. Bệnh nhân cảm thấy ù tai, tức ở tai như bị nút tai, có cảm giác nghe kém vào cuối giờ lao động. Toàn thân suy nhược, mệt mỏi, nhức đầu, mất ngủ. Giai đoạn này thường ít được chú ý, tuy nhiên nếu được phát hiện sớm, cách ly tiếng ồn thính lực sẽ phục hồi hoàn toàn.
Giai đoạn 2 là giai đoạn tiềm tàng kéo dài 5-7 năm, nhiều người cũng chủ quan không biết mình bị bệnh điếc nghề nghiệp vì lúc này vẫn nghe được tiếng nói to ở nơi ồn ào, chỉ cảm thấy hơi trở ngại khi nghe âm nhạc. Đến giai đoạn 3 và 4 là giai đoạn nặng, kéo dài trên 10 năm, người bệnh khó chịu khi nghe, không nghe được tiếng nói thầm, đến giai đoạn điếc rõ rệt thì bệnh nhân bị ù tai thường xuyên, nói chuyện khó khăn, nói to cũng không nghe.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Sang chia sẻ, khá nhiều công nhân làm việc trong khu vực có tiếng ồn lớn nhưng ngại mang đồ dùng bảo hộ lao động, như: nút tai, chụp tai vì cho rằng vướng víu, hoặc một số bộ phận sản xuất cần trao đổi để đạt được độ chính xác cao nên cảm thấy bất tiện trong sử dụng nút tai, chụp tai. Mặt khác, có người sử dụng nút tai vẫn bị điếc nghề nghiệp do tiếng ồn có thể đi vào bằng đường khí và đường xương, nếu đeo nút tai chỉ hạn chế tiếng ồn vào bằng đường khí, mà phải chụp tai mới đạt hiệu quả cao.
* Có thể phòng ngừa
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thu Sang, bệnh điếc nghề nghiệp nếu ở giai đoạn nặng sẽ không hồi phục được, không chữa khỏi; tuy nhiên nếu ngừng tiếp xúc với tiếng ồn, bệnh cũng ngừng tiến triển. Do đó, bệnh hoàn toàn có thể phòng, ngừa được bằng các giải pháp sử dụng đồ bảo hộ lao động như: nút tai, chụp tai và hạn chế tối đa thời gian tiếp xúc với tiếng ồn quá lớn hoặc không nên làm việc liên tục trong 8 giờ, cần có những khoảng thời gian nghỉ ngắn để giúp phục hồi thính lực. Song song đó, doanh nghiệp phải có giải pháp giảm thiểu tiếng ồn trong các nơi sản xuất, cách ly tối đa sự tiếp xúc của công nhân với khu vực sản xuất có tiếng ồn.
Nhân rộng các mô hình phòng chống bệnh nghề nghiệp Ông Nguyễn Thế Kiên, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường Đồng Nai cho biết trong thời gian tới để hạn chế bệnh nghề nghiệp, trong đó có bệnh điếc nghề nghiệp, trung tâm sẽ phối hợp với các ngành liên quan đẩy mạnh công tác truyền thông về vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp bằng nhiều hình thức để nâng cao kiến thức cho người lao động và người sử dụng lao động. Bên cạnh đó, trung tâm sẽ nâng cao năng lực khám phát hiện, chẩn đoán và giám định bệnh nghề nghiệp; tiếp tục triển khai và nhân rộng các mô hình phòng chống bệnh nghề nghiệp. Hiện đã triển khai 23 mô hình phòng chống bệnh nghề nghiệp về bệnh bụi phổi Silic, bệnh bụi phổi Amiăng nghề nghiệp, điếc nghề nghiệp, viêm gan virus nghề nghiệp cho các cơ sở lao động trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, trung tâm sẽ tăng cường công tác giám sát, hỗ trợ tư vấn về công tác y tế lao động cho các cơ sở lao động; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp tại các cơ sở lao động. |
Bên cạnh đó, người lao động cần được đưa đi sàng lọc bệnh điếc nghề nghiệp kịp thời để phát hiện sớm bệnh điếc nghề nghiệp, cách ly sớm với tiếng ồn thì thính lực sẽ phục hồi hoàn toàn (nếu ở giai đoạn nhẹ) hoặc bệnh không tiến triển nặng thêm (nếu ở giai đoạn nặng). Các đối tượng có nguy cơ bị điếc nghề nghiệp cao là: công nhân làm việc ở các vị trí có tiếng ồn từ 85dB trở lên. Thời gian tiếp xúc với tiếng ồn tối thiểu 6 giờ trong một ngày làm việc.
TS.Trịnh Hồng Lân, Trưởng khoa sức khỏe lao động, bệnh nghề nghiệp (Viện Y tế công cộng TP. Hồ Chí Minh), cho rằng về lâu về dài, trong phòng ngừa bệnh điếc nghề nghiệp, điều quan trọng là phải tổ chức kiểm tra sức khỏe định kỳ cho những người làm việc ở nơi có tiếng ồn nhằm phát hiện sớm bệnh điếc nghề nghiệp để kịp thời có biện pháp điều trị và phòng bệnh tích cực. Đồng thời, cần tổ chức tập huấn về an toàn lao động, truyền thông giáo dục sức khỏe phòng bệnh nghề nghiệp cho người lao động và người sử dụng lao động. Mặt khác, tuyên truyền vận động các doanh nghiệp thay đổi các quá trình công nghệ và cải tiến thiết bị, máy móc phát ra tiếng ồn lớn.
Đặng Ngọc