Báo Đồng Nai điện tử
En

Lựa chọn học nghề

11:04, 25/04/2016

Mong muốn có việc làm ổn định, kiếm được tiền trang trải cuộc sống cho bản thân và phụ giúp gia đình, nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp THCS và THPT đã quyết định rẽ hướng sang học nghề thay vì học lên phổ thông hay đại học.

Mong muốn có việc làm ổn định, kiếm được tiền trang trải cuộc sống cho bản thân và phụ giúp gia đình, nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp THCS và THPT đã quyết định rẽ hướng sang học nghề thay vì học lên phổ thông hay đại học.

Học viên lớp điện tử công nghiệp Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 trong giờ thực hành. Ảnh: H.DUNG
Học viên lớp điện tử công nghiệp Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 trong giờ thực hành. Ảnh: H.DUNG

Trong thời buổi “thừa thầy thiếu thợ” và hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, học nghề được xem là một trong những lựa chọn khôn ngoan. Điều này không chỉ góp phần tích cực vào việc phân luồng học sinh sau THCS, THPT mà quan trọng hơn, cho thấy sự chủ động của học sinh, phụ huynh để đón đầu làn sóng hội nhập lao động.

* Theo đuổi đam mê

Có sở thích nấu ăn và ước mơ trở thành đầu bếp, Phạm Vũ Quốc Phong (lớp 12A1 Trường THPT Long Phước, huyện Long Thành) không làm hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia ở cụm đại học mà lựa chọn cụm thi tốt nghiệp. Phong chia sẻ, mặc dù học đại học sẽ cho bản thân những trải nghiệm khó quên trong cuộc đời, nhưng theo đuổi sở thích, ước mơ của mình sẽ đem lại kết quả tốt hơn là học hoặc làm theo sự áp đặt, mong muốn của người khác.

Theo cậu học trò mê nấu ăn này, để có thể nộp hồ sơ vào học nghề đầu bếp ở Trường hướng nghiệp Á Âu (quận Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh), Phong đã tìm mọi lý lẽ và đưa ra những dẫn chứng cụ thể để so sánh giữa việc học đại học và học nghề để cha mẹ, anh chị hiểu. Đến nay, gia đình Phong đã đồng ý để Phong học nghề.

Học cùng trường với Phong, Phan Trọng Đường cũng muốn học ngành nghề nào đó phù hợp với năng lực bản thân và gia đình. Đường cho biết: “Tôi đã tìm hiểu nhiều trường nghề trên địa bàn tỉnh và được biết ở tại huyện mình có Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 có tiếng trong đào tạo nghề. Tôi cũng đi hỏi những người học nghề trước đó và thấy họ đều có việc làm ngay sau khi ra trường với mức thu nhập tốt. Với hoàn cảnh gia đình tôi, nếu học đại học xong mà không xin được việc làm thì sẽ rất khó khăn. Do đó, tôi quyết định sẽ học nghề cơ khí hoặc điện ở Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2”.

Theo Phó giám đốc Sở GD-ĐT Trương Thị Kim Huệ, trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay, toàn tỉnh dự kiến có hơn 40% học sinh lớp 12 dự thi để xét tốt nghiệp THPT. Năm học 2015-2016, số học sinh tốt nghiệp THCS vào học lớp 10 phổ thông chiếm 76,5%, đi học nghề kết hợp học văn hóa chương trình giáo dục thường xuyên chiếm 9,6%, số còn lại đi học trung cấp chuyên nghiệp, giáo dục thường xuyên, học các chương trình đào tạo nghề dài và ngắn hạn.

* Nâng chất trường nghề

Đồng Nai hiện có gần 70 trường, cơ sở đào tạo nghề. Để thu hút học viên và thực hiện tốt hơn nữa công tác đào tạo nghề, nhiều trường cao đẳng, trung cấp nghề trong tỉnh đã và đang ra sức đổi mới chương trình giảng dạy, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, giảng viên, tăng cường liên kết với các doanh nghiệp để đào tạo và tạo việc làm cho học viên sau khi ra trường. Trong số đó có một số trường như Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2, là trường nghề đầu tiên trên địa bàn Đồng Nai đào tạo nghề theo tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực. Trong xu thế hội nhập, Trường cao đẳng nghề công nghệ cao Đồng Nai (huyện Long Thành) đã, đang từng bước nâng chuẩn trình độ của cán bộ, giáo viên. Bên cạnh đó, Trường cao đẳng nghề công nghệ cao Đồng Nai đang hợp tác đào tạo với các doanh nghiệp vùng Kansai (Nhật Bản), các doanh nghiệp Hàn Quốc; liên kết cung ứng lao động với gần 50 doanh nghiệp trong tỉnh; phối hợp với 100 doanh nghiệp, công ty khác để xây dựng chương trình đào tạo, tạo điều kiện để sinh viên thực tập, đánh giá sinh viên, học viên.

Là trường nghề Công giáo đầu tiên trong cả nước, từ năm 2012, Trường trung cấp nghề Hòa Bình (huyện Trảng Bom) đã ý thức được nhiệm vụ trong công tác đào tạo nghề của mình. Linh mục Nguyễn Văn Uy, Hiệu trưởng Trường trung cấp nghề Hòa Bình, cho biết: “Nhà trường hiện đào tạo 9 khoa với 20 ngành nghề. Để hội nhập sâu rộng với quốc tế, trường đang hợp tác với Học viện Taiken (Nhật Bản) để có được chương trình đào tạo sát thực tế. Học viên sau khi tốt nghiệp có cơ hội du học và tìm kiếm việc làm ở Nhật Bản nhờ sự giúp đỡ của nhà trường và Học viện Taiken. Sau 4 năm, đã có 28 em đi du học ở Nhật. Sắp tới đây, có thêm 32 em sẽ tiếp tục lên đường đi du học”.

 PGS.TS Cao Văn Sâm, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động - thương binh và xã hội), cho biết vài năm trở lại đây, số lượng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS, THPT đi học nghề mặc dù chưa đạt được kết quả như mong muốn nhưng đã có bước chuyển biến tích cực. Trong thời gian tới, các trường, doanh nghiệp cần chủ động, thường xuyên hơn nữa trong công tác hướng nghiệp; cung cấp đầy đủ thông tin về ngành, nghề, trường học tốt cho người học để họ có sự lựa chọn hợp với xu thế phát triển của xã hội. Tránh “tô hồng” trong công tác hướng nghiệp mà phải đánh giá đúng thực chất năng lực, sở trường của người học, giúp học sinh có bước đi đúng trong tương lai.

Ông Peter Wunsch, đại diện Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (Giz), làm công tác hỗ trợ cho Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2, cho rằng: “Có rất nhiều tiêu chí để đánh giá một trường, một trung tâm dạy nghề chất lượng cao. Nhưng theo tôi, cốt lõi nhất là dựa vào chất lượng đào tạo. Quan trọng không phải là nhà trường đã làm được gì, mà điều nhà trường làm có tác động như thế nào đến với xã hội”.

Theo đó, Chính phủ Đức đang hỗ trợ Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 xây dựng một trung tâm xuất sắc về dạy nghề dựa trên 6 hình thức, gồm: xây dựng bộ tiêu chuẩn nghề, chương trình đào tạo, tài liệu giảng dạy 4 nghề trọng điểm; đào tạo giáo viên cả về kỹ thuật lẫn sư phạm nghề; giúp nhà trường khai thác có hiệu quả quan hệ với các doanh nghiệp trên địa bàn; giúp xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ hành chính chuyên nghiệp hơn, có thể lập kế hoạch và triển khai những hoạt động của nhà trường. Bên cạnh đó, Chính phủ Đức sẽ giúp nhà trường nâng cao kết nối với các cơ sở dạy nghề khác ở Việt Nam, khu vực, quốc tế, đẩy mạnh truyền thông về nhà trường.

“Với những bước đi được tính toán kỹ lưỡng và trách nhiệm, nhiệt huyết của đội ngũ cán bộ, chuyên gia, giáo viên… chúng tôi tự tin sẽ trở thành trung tâm dạy nghề chất lượng cao vào năm 2018. Và mục đích cuối cùng của nhà trường chính là đào tạo ra được những người thợ lành nghề, có thể tự tin hội nhập không thua kém gì bạn bè quốc tế, khu vực” - TS.Lê Văn Hiền, Hiệu trưởng Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2, chia sẻ.

Hạnh Dung


 

 

 

Tin xem nhiều