Phát triển khoa học và công nghệ (KHCN) được Đảng ta xác định là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
TS.BÙI QUANG XUÂN
Phát triển khoa học và công nghệ (KHCN) được Đảng ta xác định là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Đồng Nai hiện đang là tỉnh có khá nhiều điều kiện để xây dựng và phát triển thành một trung tâm ứng dụng, chuyển giao KHCN lớn của cả nước. Bởi, đây không chỉ là nơi hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi về khí hậu, đất đai, giao thông, lại đang xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, mà còn là nơi đang thu hút rất nhiều nguồn vốn đầu tư nước ngoài, có nhiều khu công nghiệp phát triển trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và là khu vực cửa ngõ của thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh miền Đông Nam bộ, Tây nguyên, miền Trung và các tỉnh phía Bắc…
Đại diện các trường Đại học quốc tế tham gia Hội thảo về Khoa học và công nghệ |
Trên thực tế, KHCN thực sự đang là động lực quan trọng nhất để nâng cao sức mạnh tổng hợp của tỉnh trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh; nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy kinh tế tri thức, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu.
Hiện tại, nguồn nhân lực KHCN ở Đồng Nai có bước đột phá, với chương trình đào tạo sau đại học và đã có 01 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, 138 học viên hoàn thành luận văn thạc sĩ, 53 bác sĩ tốt nghiệp chuyên khoa I, 38 bác sĩ tốt nghiệp chuyên khoa II. Hiện có 39 nghiên cứu sinh đang theo theo học tiến sĩ, 683 học viên đang theo học thạc sĩ, 125 bác sĩ đang theo học chuyên khoa I và 14 bác sĩ đang theo học chuyên khoa II. [1]
Đặc biệt, đối với trường Đại học Công nghệ Đồng Nai, qua quá trình ứng dụng KHCN vào nghiên cứu và giảng dạy cũng đã đúc kết được: Chất lượng học tập của học sinh, sinh viên phụ thuộc rất nhiều vào năng lực của người thầy, vào trình độ chuyên môn… Trong công tác quản lý giáo dục, Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai đã làm rất tốt việc ứng công nghệ thông tin vào xử lý các dữ liệu, hoạch định chính sách, tài chính. Riêng công tác quản lý đào tạo và quản lý sinh viên, nhà trường đã sử dụng phần mềm Edusoft để quản lý hồ sơ, cũng như quản lý các đề tài nghiên cứu khoa học, kết quả học tập của sinh viên…
Ngày nay các “giáo án điện tử”, “bài giảng điện tử” đã được phổ biến ở hầu hết các khoa tại trường Đại học Công nghệ Đồng Nai. |
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động giáo dục là yêu cầu cấp thiết và là xu thế của thời đại. Ngày nay, “giáo án điện tử”, “bài giảng điện tử” được phổ biến rộng ở hầu hết các khoa của Nhà trường. Qua đó, hoạt động dạy và học đã có nhiều chuyển biến tích cực, tạo sự hứng thú, hấp dẫn và phong phú, phát huy tính tích cực, chủ động và sáng tạo trong học tập ở người học.
***
Để việc nghiên cứu, ứng dụng KHCN thực sự đóng vai trò là động lực, nền tảng đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội..., cần tiếp tục quán triệt và thực hiện các phương hướng, mục tiêu và nhiệm vụ mà Nghị quyết của Đảng đã đề ra:
Thứ nhất, phát triển KHCN cùng với phát triển giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và động lực thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, là điều kiện cần thiết để giữ vững độc lập dân tộc và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.
Thứ hai, KHCN là nội dung then chốt trong mọi hoạt động của tất cả các ngành, các cấp, là nhân tố chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và củng cố quốc phòng.
Thứ ba, phát triển KHCN là sự nghiệp cách mạng của toàn dân. Để mọi người quan tâm đến khoa học – công nghệ, phải dấy lên phong trào quần chúng tiến công mạnh mẽ vào khoa học, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật.
Thứ tư, phát huy năng lực nội sinh về KHCN, kết hợp tiếp thu thành tựu khoa học – công nghệ thế giới.
Thứ năm, phát triển KHCN gắn liền với bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái, đảm bảo phát triển kinh tế – xã hội nhanh chóng và bền vững...
Muốn vậy, chúng ta cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp cụ thể về tổ chức, sắp xếp, quản lý các ngành khoa học, xây dựng một số chính sách đối với KHCN, nhất là chú trọng các giải pháp sau đây:
Một là sắp xếp, đổi mới hệ thống nghiên cứu khoa học tạo sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành khoa học để thúc đẩy sự phát triển của KHCN.
Hai là cải tiến công tác quản lý hoa học, thực hiện quy chế dân chủ trong nghiên cứu và sáng tạo.
Ba là tăng cường đầu tư ngân sách và huy động các nguồn lực khác cho KHCN.
Bốn là đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong nghiên cứu KHCN. Thực hiện tốt chính sách bảo hộ sở hữu trí tuệ.
Năm là có chính sách đãi ngộ, đặc biệt đối với các nhà khoa học xuất sắc, khuyến khich cán bộ khoa học – kỹ thuật bám sát cơ sở sản xuất, phục vụ các vùng khó khăn, vùng nông thôn.
Với những quan điểm và các giải pháp đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, mang tính khoa học và thực tiễn cao, đồng thời với sự quyết tâm cao của lãnh đạo Đảng, chính quyền các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh, nền KHCN của Đồng Nai sẽ còn phát triển lên một tầm cao mới, hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đã được đề ra trong Nghị quyết của Đảng bộ và HĐND tỉnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế của tỉnh.
B.Q.X
[1] Theo PGS.TS.Huỳnh Văn Tới, Ủy viên Ban TVTU